Chín chắn không thừa

Đan Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện ngày càng có nhiều người làm vợ, làm chồng, rồi lên chức bố mẹ khi chính bản thân vẫn chưa kịp thành người lớn.

Họ bước vào hôn nhân bằng nhiều nguyên nhân khác nhau, yêu nhau có, lỡ làng cũng không ít. Nhưng cũng bởi cuộc sống vợ chồng đối với họ như một cuộc dạo chơi, chưa lo nghĩ về tương lai, không hành trang chuẩn bị trước… nên những chuyện dở khóc, dở cười từ đây mà ra.
 Ảnh minh họa.
Trong khi nhiều người đã quá tuổi "băm" vẫn chưa chịu nghĩ đến chuyện lập gia đình, thì rất nhiều người trở thành vợ chồng khi còn đang ở tuổi "trẻ con". Phải thừa nhận có người nhanh chóng trở thành người lớn thực sự từ chính cuộc hôn nhân ấy, nhưng cũng không ít đôi vợ chồng thân mình lo chưa nổi ấy đã rơi vào bế tắc, để rồi người gánh chịu hậu quả lại là những bậc sinh thành ra họ và những đứa con.
Không ít chuyện buồn đã xảy ra từ những cuộc hôn nhân “bất đắc dĩ” ấy. Một bậc phụ huynh than thở: Hôm tổ chức đám cưới cho con trai, những người đi dự cứ bần thần vì cô dâu chú rể còn là hai khuôn mặt “bấm ra sữa”. Chính ông cũng không ngờ cái tình bạn chung lớp ấy đã kết thúc bằng kết quả cô gái có thai khi mới ở tuổi 17. Lỡ làng rồi, đành phải cưới.

Và cuộc hôn nhân "chui" vì cả hai chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn ấy khá êm đẹp những ngày đầu chung sống. Gia đình hai bên thoáng mừng cho rằng chúng đã khôn lớn. Chỉ đến khi đứa trẻ ra đời, cô gái đành nghỉ học giữa chừng ở nhà trông con, chồng vẫn tiếp tục đi học, nhưng phải phụ giúp bố mẹ việc nhà. Ở cái tuổi đáng ra còn bay nhảy, bị bó vào vợ con, rồi công việc làm cậu thấy khó chịu. Sau khi sinh con, vợ lại “chín” hơn về nhan sắc, khiến cậu bắt đầu nảy sinh những cơn ghen bóng gió. Từ những cuộc cãi vã, chuyển thành những trận chiến đồ đạc, mặc sự can ngăn của bố mẹ. Giận dỗi, cô bế con về nhà bố mẹ đẻ sống. Rồi dần dà, trở lại cuộc sống của cô gái mới lớn, lại vi vu cùng những người con trai khác. Còn chồng cô cũng tìm cho mình những người bạn gái mới. Cả hai bỏ mặc con cái chạy theo những vui thú của bản thân... Còn ông bà nội ngoại thay nhau nuôi cháu và nuôi thêm cả bố mẹ nó nữa.

Hiện không ít cặp vợ chồng cũng ở tuổi mới lớn, nhưng vất vả hơn khi phải sống xa gia đình, phải tự chăm sóc lấy con. Rồi cũng chính vì cái tình yêu lãng mạn đã vội "kết trái" khi cả hai còn bao nhiêu dự định khiến họ trở nên thù ghét nhau. Bắt đầu bằng những cuộc cãi vã, rồi đến cả những trận đòn về tinh thần và thể xác. Cuộc sống vợ chồng ngắn ngủi, chỉ tội nghiệp đứa con và những người ông, người bà phải gánh hậu quả.

Một cô gái bước vào hôn nhân khi chưa đến tuổi 20 chia sẻ, thực ra cô ấy có thể cố gắng vượt qua những vất vả của việc làm vợ, làm mẹ nếu có một người chồng biết yêu thương, lắng nghe và chia sẻ. Nhưng thật tiếc, người chồng trẻ của cô không thể trưởng thành nhanh như vậy. Từ chỗ đang bay nhảy, chỉ biết mua sắm, ăn tiêu cho bản thân, giờ lại phải “cáng” thêm trách nhiệm chăm lo cho những người khác, nên cậu lúc nào cũng thấy bức bối. Những việc nhỏ như phơi đồ hay gấp cái chăn sau khi ngủ dậy cậu cũng cho là bổn phận của vợ, đến những việc lớn hơn như trông con cậu cũng quy thành trách nhiệm của vợ. Một câu bắt bẻ của vợ trong lúc dỗi hờn bực bội cũng có thể khiến cậu ra tay đánh vợ. Hôn nhân của họ tàn nhanh sau khi bắt đầu.

Nhiều người cho rằng, nguyên nhân dẫn đến những cuộc hôn nhân trẻ con ấy bởi trẻ bây giờ yêu đương sớm quá, mới "nứt mắt" ra đã “chàng chàng thiếp thiếp”. Đã thế, lại "sống hết mình cho tình yêu" để rồi hậu quả khó lường hết được. Các thống kê cũng cho thấy tỷ lệ “sống thử”, nạo phá thai ở lứa tuổi chấp chới làm người lớn đang ngày càng tăng, nếu không muốn nói là ở mức đáng báo động. Cùng với đó, suy nghĩ của giới trẻ hiện nay về hôn nhân cũng trở nên thoáng và đơn giản hơn trước. Nhiều người trẻ cho rằng, khi cần thiết thì cưới, sống không được sẽ giải tán, rất đơn giản.

Nhưng thực tế cho thấy, cũng bởi còn quá trẻ con, non nớt, nghĩ chưa thông, nên cuộc sống của những đôi vợ chồng “trẻ con” ít hạnh phúc đã đành, không ít đôi đã chuyển từ cãi cọ thành đánh nhau sứt đầu, mẻ trán. Rất nhiều bài học nhãn tiền, nhưng không ít người trẻ vẫn thoải mái làm những gì mình thích mà không nghĩ đến hậu quả. Khi mọi việc đã rồi thì họ lại trút trách nhiệm sang người lớn mà không biết đứa con của mình sẽ là người chịu thiệt thòi, gánh hậu quả nặng nề nhất về tâm sinh lý.