Các nhà hoạt động tại Myanmar và truyền thông cho biết, ít nhất 15 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương hôm 7/4 trong các cuộc biểu tình phản đối chính biến.
Một nhà máy may mặc của Trung Quốc tại thị trấn Hlaing Thar Yar, Yangon bị đốt hôm 7/4. Ảnh: Reuters |
Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP) cho biết, tính đến ngày 7/4, đã có 598 người, gồm hàng chục trẻ em đã chết trong các cuộc biểu tình kể từ sau cuộc chính biến ngày 1/2. Lực lượng an ninh cũng bắt gần 3.500 người, trong đó 2.750 người hiện vẫn bị giam.
Truyền thông Myanmar đưa tin lực lượng quân đội hôm 7/4 tiếp tục nổ súng vào người biểu tình ở thị trấn Kale, phía Tây Bắc đất nước.
Một số người dân trong khu vực và hãng tin Myanmar Now cho biết 11 người thiệt mạng và nhiều người bị thương. Thêm 2 người biểu tình chết ở thị trấn Bago, gần Yangon. AAPP cũng báo cáo 2 trường hợp tử vong khác tại các thị trấn ở vùng Sagaiang.
Thống tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar ngày 7/4 chỉ trích mục đích của phong trào bất tuân dân sự, hay còn gọi là CDM, là nhằm "tiêu diệt" đất nước.
Thống tướng Min Aung Hlaing nói rằng phong trào CDM gây gián đoạt hoạt động của bệnh viện, trường học, đường sá, văn phòng và nhà máy. "Biểu tình cũng xảy ra ở các nước láng giềng và trên thế giới, nhưng họ không hủy hoại các doanh nghiệp. CDM là hoạt động nhằm phá hoại đất nước", ông nói.
Trong ngày 7/4, hàng loạt vụ nổ nhỏ được ghi nhận ở TP Yangon, và một nhà máy may mặc của Trung Quốc tại thành phố này cũng bị phóng hỏa.
Người dân cho biết ít nhất 7 vụ nổ nhỏ được nghe thấy ở Yangon, gồm cả tại các tòa nhà chính quyền, bệnh viện quân đội và trung tâm mua sắm. Không có báo cáo về thương vong và cũng chưa có bên nào nhận trách nhiệm.
Đại sứ quán Mỹ tại TP Yangon cho biết họ đã nhận được báo cáo về "tiếng nổ bom tự chế hoặc pháo hoa nhằm tạo ra tiếng ồn và gây ra thiệt hại tối thiểu".
Trong khi đó, một đám cháy bùng phát tại nhà máy may mặc JOC thuộc sở hữu của Trung Quốc tại TP Yangon cùng ngày. Đám cháy kéo dài khoảng một giờ trước khi được dập tắt. Không có báo cáo về thương vong.
Đại sứ Myanmar tại Anh Kyaw Zwar Minn hôm 7/4 cáo buộc tùy viên quốc phòng đã chiếm đại sứ quán và nhốt ông bên ngoài. "Khi tôi rời sứ quán, họ xông vào bên trong, chiếm tòa nhà. Họ tuyên bố nhận chỉ thị từ thủ đô nên không cho tôi vào", Đại sứ Kyaw Zwar Minn cho hay.
Tại Jakarta, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi và người đồng cấp Anh Dominic Raab đã thảo luận về giải pháp để hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị ở Myanmar.
Đặc phái viên của Liên Hợp quốc về Myanmar, bà Christine Schraner Burgener, hy vọng sẽ đến thăm Myanmar trong vài ngày tới. Thái Lan, nước láng giềng của Myanmar và có quan hệ quân sự chặt chẽ với chính quyền quân sự, hôm thứ Tư nói rằng họ không đồng tình hành động trấn áp bạo lực đối với các cuộc biểu tình.