Chính phủ chỉ đạo tập trung ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão Sinlaku

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều nay (1/8), áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão. Cơn bão có tên gọi quốc tế là Sinlaku sẽ là cơn bão đầu tiên ảnh hưởng đến đất liền nước ta.

 Áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, chuẩn bị đổ bộ đất liền vào chiều 2/8
Nhận định mới nhất của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, bão Sinlaku dự kiến đổ bộ vào đất liền các tỉnh khu vực phía Nam Đồng bằng Bắc Bộ vào chiều mai (2/8). Bão sẽ gây dông lốc, mưa lớn, gió giật mạnh cho các tỉnh, TP từ Quảng Trị trở ra, trọng tâm là các tỉnh, TP từ Thanh Hóa đến Quảng Trị. Nam Đồng bằng Bắc bộ và một số địa phương khu vực Tây Bắc.
Để chủ động ứng phó với mưa lũ, chiều 1/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã ký ban hành công điện, đề nghị các tỉnh, TP vùng ảnh hưởng của bão Sinlaku tập trung rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu khi mưa lớn. Sẵn sàng sơ tán, di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, đến nơi tránh trú an toàn.
Vận hành an toàn các hồ chứa thủy lợi, thủy điện. Triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hồ, đập, nhất là các hồ chứa nhỏ, xung yếu, đang trong quá trình thi công. Bên cạnh đó, chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tại các khu vực có nguy cơ cao bị chia cắt do mưa lũ. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện vật tư để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông, liên lạc thông suốt.
 Bão Sinlaku sẽ gây mưa lớn tại nhiều tỉnh, TP, bao gồm cả Hà Nội. Ảnh minh họa.
Trước khi đổ bộ đất liền, bão Sinlaku sẽ gây mưa to, gió lớn trên biển. Chính vì vậy, nhiệm vụ trước mắt, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các địa phương ven biển tập trung rà soát, kiểm đếm tàu thuyền; khẩn trương kêu gọi, thông báo cho tàu thuyền còn hoạt động trên biển biết hướng di chuyển của bão để phòng tránh, thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm của bão số 2. Hướng dẫn neo đậu tàu thuyền và gia cố lồng bè, hạn chế thiệt hại cho nuôi trồng thủy, hải sản…
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành thuộc Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai. Trong đó lưu ý các đơn vị cần chủ động phối hợp với các địa phương triển khai các giải pháp ứng phó với bão Sinlaku theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng hỗ trợ địa phương khi có yêu cầu nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần