Chính phủ đề xuất tăng lương cơ sở năm 2020 lên 1,6 triệu đồng/tháng

Như Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều ngày 21/10, theo chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe trình bày báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020.

 Trình bày Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban tài chính – Ngân sách đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân, sự chủ động, tích cực của ngành tài chính, cùng với sự phối hợp có trách nhiệm cao của các cơ quan trong hệ thống chính trị đã nỗ lực cố gắng vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ tài chính ngân sách trong năm 2019 đã đề ra.
Năm thứ 4 liên tiếp thu NSNN vượt dự toán
Về tình hình thu, báo cáo của Chính phủ cho thấy, tổng thu NSNN cả năm ước vượt 46 nghìn tỷ đồng (tăng 3,3% so với dự toán); tỷ lệ huy động vào NSNN đạt 23,7%GDP. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, đây là một kết quả đáng ghi nhận, là năm thứ 4 liên tiếp thu NSNN vượt dự toán, trong đó thu ngân sách trung ương cũng là năm thứ hai vượt dự toán.
 Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo 
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng thẳng thắn chỉ rõ, mặc dù ước thu NSNN năm 2019 là năm thứ tư vượt dự toán, nhưng còn chưa chắc chắn. Thu nội địa chỉ tăng 1,9% so với dự toán. Số thu NSNN thực chất từ nội lực nền kinh tế tăng còn thấp. Năm 2019 nhiều địa phương ước thu thấp không đạt dự toán Chính phủ giao và Hội đồng nhân dân giao.
Một số địa phương là trọng điểm thu NSNN lại có tiến độ thu chậm như: TP Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… Đề nghị Chính phủ lưu ý có biện pháp quyết liệt để thực hiện các vấn đề này trong công tác hành thu NSNN từ nay đến cuối năm.
Tỷ lệ huy động từ thuế, phí vào NSNN chỉ đạt 20,2%GDP, chưa đạt yêu cầu do Quốc hội đề ra là 21%GDP. Thu từ 3 khu vực doanh nghiệp đều không đạt dự toán. Điều này cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn. Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Chính phủ cần tiếp tục có những giải pháp mới để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nước, góp phần bảo đảm thu NSNN ngày càng vững chắc hơn từ các khu vực kinh tế.
Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng đề nghị, từ nay đến cuối năm, Chính phủ cần lưu ý về dự báo giá dầu thế giới trong 3 tháng cuối năm. Cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu để tăng thu và đẩy mạnh việc truy thu trong lĩnh vực này. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế sau hoàn thuế, sau thông quan, xác định số hoàn thuế giá trị gia tăng cho phù hợp; quyết liệt hơn trong việc đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế xuất nhập khẩu nhằm phấn đấu vượt thu cao hơn so với số dự ước.
Những tồn tại trong chi thường xuyên chưa được khắc phục triệt để
Theo Báo cáo của Chính phủ, ước thực hiện chi NSNN cả năm tăng 2,1% so với dự toán (thấp hơn năm 2018 là 2,6%). Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, trong năm 2019, Chính phủ và các địa phương đã tích cực cơ cấu lại chi ngân sách, giảm dần chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển, kiểm soát chặt chẽ bội chi, giảm nợ công và quyết liệt điều hành chi NSNN theo hướng tiết kiệm, chú trọng hiệu quả.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cũng chỉ rõ, mặc dù Chính phủ đã nỗ lực để giảm chi thường xuyên, chú trọng công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… nhưng về cơ bản, những tồn tại trong chi thường xuyên đã được Quốc hội đề cập trong những năm gần đây vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Ủy ban Tài chính – ngân sách cũng ghi nhận kết quả thực hiện chi đầu tư phát triển cả năm 2019 ước đạt 443,4 nghìn tỷ đồng, tăng 3,3% so với dự toán. Qua giám sát cho thấy, trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, nhu cầu chi lớn, Chính phủ và các địa phương đã thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, dành nguồn lực cho chi đầu tư phát triển.
Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng thấy nổi lên một số vấn đề như tình trạng chậm giao vốn, giao nhiều đợt và chậm điều chỉnh vốn đầu tư phát triển, trong đó có vốn ODA vẫn chưa được khắc phục. Vốn đầu tư phát triển tiếp tục giải ngân rất chậm. Tỷ lệ giải ngân đến nay mới chỉ đạt 49,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tình trạng chuyển nguồn vẫn còn lớn, đặc biệt là có vướng mắc về phạm vi chuyển nguồn đối với một số khoản chi sự nghiệp kinh tế có tính chất chi đầu tư theo Luật NSNN, về nguồn vốn bổ sung có mục tiêu từ NSTW…
Nợ công năm 2019 khoảng 3,48 triệu tỷ đồng
Về bội chi và cân đối NSNN năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải đánh giá cao kết quả điều hành NSNN theo hướng siết chặt bội chi, mức bội chi không cao hơn so với dự toán. Mức bội chi giảm (12.500 tỷ đồng) là do giảm phần bội chi của ngân sách địa phương. Theo báo cáo của Chính phủ, bội chi NSNN năm 2019 bằng 3,4%GDP ước thực hiện (thấp hơn dự toán: 3,6%GDP); đồng thời, về tổng thể đã giảm bội chi ngân sách địa phương.
 Dự kiến bội chi ngân sách năm 2019, các chỉ tiêu nợ đến cuối năm 2019 và dự kiến bội chi ngân sách năm 2020.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, điều này thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ và chính quyền địa phương trong kiểm soát và điều hành ngân sách, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn tài chính quốc gia.
Cũng theo báo cáo của Chính phủ, so với GDP ước thực hiện thì các chỉ tiêu về nợ công (56,1%GDP), nợ chính phủ (49,2%GDP) và nợ nước ngoài của quốc gia (45,8%GDP) đều giảm so với dự toán. Điều này cho thấy, cân đối NSNN đang có những tín hiệu tích cực, ổn định hơn, các chỉ tiêu nợ công vẫn trong giới hạn an toàn. Như vậy, với quy mô GDP 2019 khoảng 6,2 triệu tỷ đồng (266,5 tỷ USD) thì quy mô nợ công tương ứng 3,48 triệu tỷ đồng. 
Ngoài ra, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ về dự báo tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, cơ bản đồng ý với đề xuất của Chính phủ tổng dự toán thu NSNN; cũng như đồng ý với nguyên tắc, định hướng bố trí dự toán chi NSNN năm 2020 và dự kiến tổng chi cân đối NSNN tăng 113,8 nghìn tỷ đồng (7%) so với dự toán năm 2019.
Đề xuất lương tăng thêm 110.000 đồng/tháng
Trong các đề xuất của Chính phủ, có đề xuất tăng lương cơ sở năm 2020 lên 1,6 triệu đồng/tháng, tăng thêm 110.000 đồng/tháng. Nếu đề xuất được Quốc hội thông qua thì đây sẽ là mức tăng cao nhất trong những năm gần đây.
Tính từ năm 2016 đến năm 2019, lương cơ sở chỉ tăng cao nhất từ 90.000 đồng/tháng - 100.000 đồng/tháng. Khi lương cơ sở tăng, mức lương thực tế và một số khoản phụ cấp của cán bộ, công chức, viên chức cũng sẽ được tăng lên tương ứng. Tuy nhiên, cũng cần biết rằng, năm 2020 là năm cuối cùng mức lương cơ sở còn tồn tại.
Lộ trình cải cách tiền lương được Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết 27, từ năm 2021, mức lương cơ sở và hệ số lương sẽ được bãi bỏ, thay vào đó là 5 bảng lương mới với cán bộ, công chức viên chức.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, có ý kiến cho rằng cần cân nhắc việc tăng lương vì có thể làm cho chi ngân sách Nhà nước mang tính chất chi tiêu dùng nhiều hơn chi đầu tư phát triển, khi phải dùng 50% nguồn tăng thu so với dự toán của ngân sách địa phương và 40% tăng thu của ngân sách Trung ương cho cải cách tiền lương.
Một số ý kiến còn đề nghị tăng phụ cấp công vụ, vì từ năm 2012 đến nay vẫn giữ nguyên là 25%; đề nghị dành một phần nguồn lực để tăng lương cho các đối tượng hưởng lương hưu trước năm 1993, vì mức thu nhập của các đối tượng này khá thấp so với mặt bằng chung của xã hội.
Ngoài ra, để Quốc hội có đủ cơ sở xem xét, quyết định về đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2019, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải đề nghị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận về: đánh giá tình hình thu, chi NSNN; những vấn đề nổi lên trong quản lý thu, chi NSNN năm 2019; bội chi và giải pháp điều hành, cân đối NSNN năm 2019; Tổng thu, tổng chi, cơ cấu thu - chi NSNN và mức bội chi NSNN năm 2020; giải pháp thực hiện dự toán NSNN năm 2020; Các nguyên tắc, cơ cấu phân bổ chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển của ngân sách trung ương năm 2020; quy mô và tỷ trọng ngân sách trung ương để đảm bảo vai trò chủ đạo và việc phân bổ chi đầu tư phát triển (dự án quan trọng quốc gia, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu), chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2020.