Chính phủ dự kiến báo cáo Quốc hội hai kịch bản về tăng trưởng kinh tế năm 2020

Vũ Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Chính phủ dự kiến 2 kịch bản về tăng trưởng kinh tế. Đồng thời cho rằng, yêu cầu điều chỉnh mục tiêu của năm 2020 là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế khách quan. Theo đó dự kiến những chỉ tiêu cần điều chỉnh là: GDP tăng khoảng 4,5% (trước đây là 6,8%), nỗ lực phấn đấu đạt mức tăng cao hơn.

Sáng 15/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục Phiên họp thứ 45, cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2020.
Nền kinh tế vẫn có một số điểm sáng
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, bước vào năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng toàn cầu, tác động đến mọi khía cạnh của đời sống kinh tế, xã hội và hành vi, thói quen sinh hoạt của người dân trên toàn thế giới.
Trước diễn biến và tác động của đại dịch Covid-19, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kịp thời nhiều kết luận, Nghị quyết, Chỉ thị với phương châm "chống dịch như chống giặc", kiểm soát dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu, quan trọng nhất nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân, ổn định xã hội, giảm thiểu thiệt hại đối với nền kinh tế, tạo điều kiện duy trì và sớm phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, sớm tận dụng cơ hội sau khi hết dịch để phát triển nhanh, bền vững.
 Bộ trưởng Bộ KH-ĐT trình bày báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, kết quả phát triển kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2020 cho thấy nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng hết sức nặng nề. Quý I năm 2020, tăng trưởng GDP đạt thấp, trong đó tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều bị tác động và giảm. Nhiều lao động bị cắt giảm, mất việc làm, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục trong 10 năm qua, tỷ lệ thiếu việc làm tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng.
Sang tháng 4, một số ngành sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu bắt đầu có mức tăng trưởng âm; số doanh nghiệp thành lập mới giảm lần đầu tiên trong giai đoạn 2015-2020; số doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động trong ngắn hạn tăng mạnh. Hầu hết các ngành, lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đều giảm, trong đó một số ngành, lĩnh vực đình trệ hoặc đóng băng, gần như không có hoạt động sản xuất, kinh doanh như các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, vận tải (nhất là vận tải hàng không), ăn uống, lưu trú, vui chơi, giải trí…
Cùng với đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, nền kinh tế có một số điểm sáng là kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm giữ ổn định; lạm phát được kiểm soát, xu hướng giảm dần qua từng tháng; xuất khẩu đạt 82,94 tỷ USD, tăng 4,7%, trong đó khu vực trong nước tăng 12,1%, xuất siêu khoảng 3 tỷ USD...
Dự kiến 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, Chính phủ dự kiến 2 kịch bản về tăng trưởng kinh tế.
Với kịch bản 1, thời gian Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4/2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam trong Quý III/2020, theo đó dự kiến GDP tăng khoảng 4,4-5,2% so với năm 2019 (thấp hơn 1,6-2,4 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra). Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,5-2,8%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,7-7,9%, khu vực dịch vụ ước tăng 2,8-3,6%.
Kịch bản 2, đặt ra thời gian Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4/2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam trong Quý IV/2020, theo đó dự kiến GDP tăng khoảng 3,6-4,4% so với năm 2019 (thấp hơn 2,4-3,2 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,1-2,5%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,8-6,7%, khu vực dịch vụ ước tăng 1,8-2,8%.
 Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Theo báo cáo của Chính phủ, cuộc khủng hoảng dịch tễ Covid-19 hiện nay không xuất phát từ khó khăn, yếu kém trong hệ thống tài chính, tiền tệ khu vực và thế giới mà từ yếu tố khách quan, nhưng tác động và phạm vi ảnh hưởng nặng nề, mạnh mẽ hơn nhiều so với các cuộc khủng hoảng trước đây. Do đó, Chính phủ cho rằng, yêu cầu điều chỉnh mục tiêu của năm 2020 là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế khách quan. Theo đó dự kiến những chỉ tiêu cần điều chỉnh là: GDP tăng khoảng 4,5% (trước đây là 6,8%), nỗ lực phấn đấu đạt mức tăng cao hơn; trường hợp tình hình thế giới thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát tốt, thị trường quốc tế phục hồi, phấn đấu đạt mức tăng 5,4%, nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 5 năm giai đoạn 2016-2020 là 6,5%.
Bên cạnh đó tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân năm 2020 khoảng 4% (trước đây là dưới 4%); tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4% (trước đây là khoảng 7%);  tổng số thu ngân sách nhà nước giảm 163.000 tỷ đồng so với dự toán được giao; bội chi ngân sách nhà nước bằng khoảng 4,75% GDP (tăng 1,31% so với mục tiêu đề ra); tỷ lệ nợ công bằng khoảng 55,5% GDP (tăng 3,2% so với mục tiêu đề ra).
 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Quochoii.vn
Thẩm tra báo cáo này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế đánh giá cao những nỗ lực và hiệu quả từ các giải pháp mà Chính phủ đã và đang thực hiện. Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị trên cơ sở dự báo thời gian khống chế được dịch bệnh và mở cửa lại nền kinh tế của nước ta và trên thế giới, Chính phủ cần chủ động xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội trong ngắn hạn, dài hạn; đánh giá lại các chỉ tiêu, các cân đối lớn của nền kinh tế cho cả năm 2020 và cho cả giai đoạn 2016-2020.
Trên cơ sở đó nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh những nội dung, chỉ tiêu thuộc thẩm quyền của Quốc hội, đồng thời đề ra các phương án, giải pháp cụ thể, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành trong thời gian tới, chú trọng các chỉ tiêu như CPI, thu, chi, bội chi NSNN, các chỉ số nợ công, nợ Chính phủ, trả nợ Chính phủ. Tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư chậm giải ngân…
Thảo luận về vấn đề này, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt câu hỏi, hai kịch bản đưa ra đã lường hết được vấn đề chưa? Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, thế giới họ dự báo dịch COVID-19 còn làn sóng thứ hai nữa, bây giờ mới là làn sóng thứ nhất. Cho đến khi có vắcxin thì chúng ta mới yên tâm. Như vậy, cần lường đến tình huống xấu hơn để có biện pháp đối phó.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, mặc dù đến thời điểm này chúng ta phòng chống dịch bệnh tốt nhưng thế giới vẫn lao đao, các bạn hàng lớn vẫn đang lao đao trong dịch bệnh thì chúng ta buôn bán, trao đổi với ai? Ngành du lịch cũng chưa đón khách quốc tế vào được. 
Chúng ta chưa đánh giá hết được, tuy nhiên có thể khẳng định sẽ không thể đạt được tăng trưởng như kế hoạch, thu ngân sách cũng rất khó khăn. Lạc quan có mức độ nhưng phấn đấu phải tột độ.