Chính phủ muốn phát hành 22.090 tỷ đồng trái phiếu để xử lý khoản nợ với Quỹ bảo hiểm xã hội

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - ”Chính phủ trình Quốc hội cho phép phát hành 22.090 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ để nhận nợ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam đối với khoản nợ bắt buộc liên quan đến khoản đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước năm 1995 là 22.090 tỷ đồng”.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ chiều 26/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đọc Tờ trình dự thảo Nghị quyết về xử lý một số vấn đề phát sinh trong điều hành ngân sách nhà nước năm 2017 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.
Theo Chính phủ, hằng năm, Nhà nước chuyển từ ngân sách một khoản kinh phí vào Quỹ Bảo hiểm xã hội bắt buộc để đóng bảo hiểm xã hội cho thời gian làm việc trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 đối với người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Căn cứ quy định của Luật bảo hiểm xã hội, sau khi làm việc thống nhất với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Chính phủ đã có Báo cáo số 480/BC-CP ngày 09 tháng 10 năm 2015 trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, (UBTVQH) trong đó xác định nghĩa vụ của NSNN đối với Quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc liên quan đến khoản đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước năm 1995 là 22.090 tỷ đồng. UBTVQH sau đó giao Chính phủ thực hiện chuyển kinh phí từ NSNN hằng năm vào Quỹ để đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và hoàn thành vào năm 2020. Tuy nhiên, đến nay, dự toán NSNN chưa bố trí để xử lý khoản nợ 22.090 tỷ đồng nêu trên.
“Để xử lý dứt điểm vấn đề này, Chính phủ trình phương án trả nợ 22.090 tỷ đồng theo hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ nhận nợ với Quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc. (trong đó: năm 2018 khoảng 6.000 tỷ đồng, năm 2019 khoảng 7.000 tỷ đồng và năm 2020 khoảng 9.090 tỷ đồng). Đồng thời, tính lãi đối với khoản nợ này từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 (thời điểm xác nhận nghĩa vụ của NSNN đối với Quỹ theo Nghị quyết số 1083/2015/UBTVQH13 của Ủy ban thường vụ Quốc hội)”- Tờ trình của Chính phủ nêu rõ.
Theo báo cáo của Chính phủ, việc phát hành TPCP nêu trên không làm tăng bội chi NSNN năm 2018, nợ công giai đoạn 2018-2020 tăng khoảng 0,4%GDP và vẫn bảo đảm an toàn nợ công giai đoạn 2018-2020.
Thẩm tra vấn đề này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban TCNS nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc phát hành trái phiếu nhận nợ nhằm bảo đảm minh bạch khoản nợ, góp phần an toàn Quỹ BHXH.
”Thực tế trong những năm qua, cân đối NSNN khó khăn, chưa thực hiện chuyển kinh phí từ NSNN hằng năm vào Quỹ để đóng bảo hiểm xã hội như quy định của Luật BHXH và Nghị quyết của UBTVQH, làm ảnh hưởng đến Quỹ BHXH, đồng thời, không phản ánh hết các khoản NSNN còn nợ, chưa tính đủ nợ công. Vì vậy, để xử lý dứt điểm vấn đề này, Ủy ban TCNS nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc phát hành trái phiếu nhận nợ nhằm bảo đảm minh bạch khoản nợ, góp phần an toàn Quỹ BHXH. Mặt khác, nội dung này chưa xác định trong dự toán NSNN các năm 2016-2018, do đó, việc Chính phủ trình Quốc hội cho phép phát hành TPCP nhận nợ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam là đúng thẩm quyền quyết định của Quốc hội”, báo cáo thẩm tra của UBTCNS đánh giá.
Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí với lộ trình phát hành TPCP như Chính phủ đề nghị. Đối với số lãi phát sinh, có thể phát hành TPCP để nhận nợ với Quỹ bảo hiểm xã hội Việt Nam phù hợp với thực tế hoặc sẽ được cộng dồn vào năm 2020 để thanh toán. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ giải trình rõ tính hợp lý của việc tính lãi từ thời điểm 01/01/2016 trong khi phát hành TPCP ghi nợ có lộ trình 3 năm, bắt đầu từ năm 2018.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần