Chính phủ trình dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

Như Hương-Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng ngày 26/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội họp phiên toàn thể trực tuyến, nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Sửa đổi toàn diện tổng thể Luật Bảo vệ môi trường
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Luật Bảo vệ môi trường 2014 đã đưa ra nhiều chính sách, cách tiếp cận đổi mới, từng bước đưa phương thức quản lý, giải quyết các vấn đề về môi trường từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững. Tuy nhiên, những vấn đề và thách thức mới phát sinh từ thực tiễn cuộc sống, được nghị trường và các đại biểu Quốc hội quan tâm, phản ánh, trao đổi và thảo luận đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường.
 Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trình bày Tờ trình dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)
Luật Bảo vệ môi trường hiện hành chưa tiếp cận và cập nhật kịp với những thay đổi nhanh chóng của thực tiễn; cách thức quản lý còn mang nặng tính mệnh lệnh hành chính, chủ yếu dựa vào quy trình, thủ tục, chưa chú trọng quản lý theo mục tiêu và kết quả về Bảo vệ môi trường; một số quy định mới chỉ ở mức khung, chưa quy định chi tiết nên chưa bảo đảm các yếu tố thực thi; nhiều nội dung về Bảo vệ môi trường còn phân tán tại các luật khác nhau.
Môi trường nước ta đang diễn biến ngày càng phức tạp; chất lượng môi trường tại một số nơi đã vượt ngưỡng cho phép, không còn khả năng tiếp nhận chất thải; đã xuất hiện những sự cố môi trường lớn, sự bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch COVID-19 đang gióng lên hồi chuông cảnh báo, đòi hỏi phải nhanh chóng thay đổi phương thức quản lý, kiểm soát về môi trường.
Nhiều quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển bền vững, Bảo vệ môi trường và cam kết quốc tế mới liên quan đến môi trường (Hiệp định CPTPP, EVFTA, v.v.) cần sớm được thể chế hóa; thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi cần đổi mới tư duy, cách thức trong quản lý môi trường.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh, đã đến lúc cần hình thành đạo luật về Bảo vệ môi trường một cách tổng thể, toàn diện, đồng bộ và thống nhất, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả.
 Quốc hội họp toàn thể trực tuyến, nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, dự thảo Luật gồm 16 chương, 186 điều. Dự thảo luật đã cải cách mạnh mẽ, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính từ 20-75 ngày. Góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định: thu hẹp khoảng 20% đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; tích hợp các thủ tục hành chính vào giấy phép môi trường; không duy trì chế độ quan trắc môi trường định kỳ đối với doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật về bảo vệ môi trường.
Hướng đến tăng cường hiệu quả quản lý môi trường
Cho biết về những điểm mới căn bản của dự thảo Luật, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nêu rõ:
Một là, tăng cường hiệu lực, hiệu quả, tính khả thi của các chính sách hiện hành; thay đổi phương thức quản lý hành chính kém hiệu quả, phức tạp sang quản lý dựa vào kết quả, mục tiêu cuối cùng; giảm thủ tục hành chính với các đối tượng thân thiện môi trường, tăng cường kiểm soát các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Hai là, lần đầu tiên đưa các quy định rải rác, phân tán về bảo vệ môi trường trong các luật khác vào dự thảo Luật nhằm đặt nền móng hướng đến một bộ luật thống nhất về môi trường; đưa các chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đang phân tán ở một số Bộ về Bộ Tài nguyên và Môi trường như quản lý chất thải rắn, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường nhằm bảo đảm nguyên tắc đồng bộ, thống nhất trong quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; phân công, phân cấp đi đôi với phân quyền; chuyển vai trò của Nhà nước sang vai trò trung tâm của doanh nghiệp, cộng đồng và người dân.
Ba là, tiếp cận phương pháp quản lý khoa học dựa trên cách mạng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin; quản lý liên thông các giai đoạn phát triển từ chủ trương, quy hoạch, xây dựng dự án, triển khai thực hiện đến hết vòng đời dự án.
Bốn là, xây dựng nền tảng thể chế phục vụ kiến tạo các mô hình phát triển bền vững như: kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế phát thải ít các-bon trong quy hoạch, thiết kế sản xuất, thương mại, tiêu dùng và tái chế xử lý chất thải, sản phẩm, bao bì hoặc sản phẩm sau sử dụng. Hình thành các ngành kinh tế mới như: đầu tư vào vốn tự nhiên, công nghiệp môi trường; hình thành thị trường phát thải.
Năm là, lần đầu tiên đưa chính sách môi trường của Việt Nam hài hòa tiệm cận với pháp luật quốc tế; tạo môi trường pháp lý thuận lợi để Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, EVIPA, CPTPP, v.v.; góp phần phòng vệ, ngăn chặn, sàng lọc các dự án có công nghệ lạc hậu đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, chủ động vượt qua các hàng rào kỹ thuật trong cạnh tranh thương mại toàn cầu.
Dự thảo Luật thiết kế khung chính sách hướng đến việc hình thành đạo luật về bảo vệ môi trường có tính tổng thể, toàn diện và hài hòa với hệ thống pháp luật về kinh tế-xã hội; đưa các quy định về bảo vệ các thành phần môi trường lên đầu, thể hiện mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ các thành phần môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, coi đây là nội dung trọng tâm, quyết định các chính sách bảo vệ môi trường khác. Quy định đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định, thực hiện, đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án như: chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch bảo vệ môi trường , đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá sơ bộ tác động môi trường, đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, đăng ký môi trường, v.v.
Với vai trò là đạo luật cơ bản về bảo vệ môi trường, dự thảo Luật đã bổ sung các quy định về bảo vệ môi trường có tính nguyên tắc trong mối tương quan với các luật chuyên ngành khác để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất như các quy định về đa dạng sinh học, bảo vệ chất lượng nước nhằm bảo đảm tính thống nhất trong quy hoạch, quan trắc, điều tra cơ bản về đa dạng sinh học, tài nguyên nước; góp phần hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin, kết nối các thành phần môi trường, thể hiện bao quát, đầy đủ bức tranh chung về môi trường phục vụ công tác quản lý nhà nước./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần