Chính quyền địa phương cần đẩy mạnh thanh, kiểm tra an toàn VSTP mới đạt hiệu quả

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra là cách tốt nhất để công tác quản lý ATTP có nhiều chuyển biến.

Đây là nội dung được đa số đại biểu đề cập tới trong buổi hội thảo: “Vai trò của chính quyền địa phương trong công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm” do báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Sở Y tế Hà Nội, UBND quận Nam Từ Liêm tổ chức  ngày 2/12.
Địa phương dốc sức vào cuộc
Theo thống kê, Hà Nội hiện có trên 59.000 cơ sở kinh doanh, chế biến, sản xuất thực phẩm phân bố ở khắp 30 quận, huyện, thị xã. Để công tác quản lý ATTP được toàn diện, UBND TP đã giao cho UBND các quận, huyện, xã, phường mà người chịu trách nhiệm chính là Chủ tịch UBND cấp cơ sở. Theo yêu cầu của UBND TP, đích thân Phó Chủ tịch cấp quận, huyện phải đi kiểm tra ATTP ít nhất một lần/2 tuần, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn kiểm tra một lần/tuần, còn Phó Chủ tịch kiểm tra 2 lần/tuần. Cách làm này đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và yêu cầu các địa phương khác cần học hỏi kinh nghiệm.
 Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thanh Hải
Là một trong những đơn vị dẫn đầu TP về công tác quản lý ATTP, ông Trần Thanh Long – Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm chia sẻ, năm 2016, quận đã có những hành động quyết liệt trong công tác ATTP. Quận đã giao trách nhiệm cụ thể cho UBND các phường và ban quản lý các chợ về vấn đề ATTP. Nếu nơi nào để xảy ra các tồn tại về ATTP thì UBND phường và ban quản lý chợ phải chịu trách nhiệm trước UBND quận, nhất là tại 2 phường thực hiện thí điểm mô hình thanh tra chuyên ngành ATTP Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2. Rút kinh nghiệm từ những mô hình đã triển khai, ông Long cho hay, công tác quản lý ATTP cần được quán triệt chỉ đạo thấu đáo từ cấp ủy Đảng đến chính quyền, từ quận tới phường. Trong các cuộc họp của chính quyền và Đảng ủy, vấn đề ATTP đều được đưa ra thảo luận, tìm những phương án thực hiện mang tính thực tế, chọn những vấn đề đột phá, thực chất (chẳng hạn xét nghiệm nhanh dư lượng thuốc trừ sâu trên rau, củ, quả, hoặc các điểm cung ứng thực phẩm có kiểm soát của quận).
Hội thảo “Vai trò của chính quyền địa phương trong công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm” nhằm đánh giá, phân tích thực trạng quản lý ATTP của các cấp trên địa bàn TP, vai trò trách nhiệm của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong công tác quản lý ATTP. Bên cạnh đó, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc cũng như kinh nghiệm trong quản lý ATTP tại các quận, huyện, xã, phường; những giải pháp để địa phương phát huy được vai trò của mình, cũng như chia sẻ của DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong việc đảm bảo ATTP.
Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị  Nguyễn Minh Đức
 Bà Phạm Anh Thư - Phó Chủ tịch UBND phường Phú Đô (quận Nam Từ Liêm) chia sẻ, phường có 106 cơ sở kinh doanh nông nghiệp, 165 cơ sở sản xuất bún, 208 cơ sở kinh doanh bún. Tại Phú Đô, công tác bảo đảm ATTP luôn được ưu tiên và coi trọng. Năm 2016, UBND phường đã thành lập Ban chỉ đạo ATVSTP; thành lập tổ kiểm tra xét nghiệm nhanh mẫu thực phẩm.
Tập trung vào các điểm nóng
Song song với sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương, công tác quản lý ATTP trên địa bàn TP đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý của Sở Y tế, Sở NN&PTNT và Sở Công Thương. 3 đơn vị đã cùng “bắt tay” ký kết Quy chế phối hợp và triển khai chuyên đề trọng tâm quản lý ATTP. Mỗi sở, ngành đều có đường dây nóng để tiếp nhận thông tin về ATTP từ phía người dân. Đặc biệt, cái “bắt tay” của 3 Sở đã thể hiện rõ khi 5 đoàn kiểm tra liên ngành của TP đã thường xuyên thanh tra, kiểm tra đột xuất các điểm nóng, các cơ sở kinh doanh, chế biến, sản xuất thực phẩm trên địa bàn TP. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, TP đã kiểm tra trên 90.000 lượt cơ sở, phát hiện 15.571 cơ sở vi phạm ATTP, phạt tiền 4.400 cơ sở với số tiền phạt thu về hơn 24 tỷ đồng.
Ông Trần Mạnh Giang – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội cho biết, trung bình mỗi năm Chi cục tổ chức hơn 10.000 lượt kiểm tra, phạt hành chính khoảng 1,5 tỷ đồng và tiêu hủy trên 3 tấn sản phẩm không đạt chất lượng. Theo ông Giang, nguồn cung và cầu các mặt hàng nông lâm thủy sản ở Hà Nội rất lớn, phần lớn được đưa về từ các địa phương khác. Nguồn lương thực thực phẩm này được đưa về Hà Nội bằng nhiều con đường thông qua các tổ chức, cá nhân thu mua, cung ứng và chủ yếu được tiêu thụ tại các chợ đầu mối, chợ bán lẻ, siêu thị, cửa hàng kinh doanh trên địa bàn các quận, huyện, thị xã. Do đó, việc quản lý chất lượng, ATTP nếu không làm chặt chẽ sẽ dẫn đến nguy cơ mất ATTP cao, lòng tin người tiêu dùng giảm sẽ giảm.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Hiền – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, là cơ quan thường trực của TP về đảm bảo ATTP, Sở Y tế Hà Nội luôn chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành trong triển khai các chương trình ATTP.  Đặc biệt, ông Hiền cho biết thêm, để phát huy hiệu quả tối đa của các xe kiểm nghiệm nhanh thực phẩm mà TP mới đưa vào sử dụng, ngành y tế đã cùng ngồi lại với các ngành để đưa ra kế hoạch sử dụng xe hợp lý, lựa chọn những mặt hàng trọng điểm kiểm tra trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và lễ hội sắp tới.
Còn đó những khó khăn
Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm và ý nghĩa khi chính quyền địa phương đảm nhiệm công tác quản lý ATTP, vậy nhưng trong quá trình triển khai thực hiện không ít đơn vị đã gặp phải những khó khăn vướng mắc. Như đại diện phường Phú Đô chia sẻ, số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn xã, phường chủ yếu nhỏ lẻ, thường xuyên biến động, tồn tại chợ tạm, chợ cóc...nên rất khó trong quản lý. Trong khi đó, cán bộ, công chức tại tuyến xã, phường được giao nhiệm vụ chuyên trách ATTP vẫn phải đảm nhận nhiều việc cùng lúc nên việc các cuộc kiểm tra ATTP sẽ khó thực hiện được thường xuyên. Ngoài ra, cán bộ được giao nhiệm vụ kiểm tra ATTP cấp phường, xã mặc dù đã được tập huấn nhưng thời gian tập huấn còn ngắn, kiến thức và kinh nghiệm còn hạn chế, nên hiệu quả chưa như mong đợi. Mặt khác, tâm lý “làng xóm, họ hàng” làm hạn chế kết quả xử lý vi phạm hành chính.

Phân tích các chỉ tiêu đối với giò chả trên xe kiểm nghiệm an toàn thực phẩm lưu động.  Ảnh: Trần Nga

Không chỉ tại địa phương, cơ quan quản lý là các sở, ngành cũng “vấp” phải  nhiều vướng mắc trong triển khai công tác ATTP. Ông Trần Mạnh Giang  chia sẻ, khó khăn nhất có thể kể đến là hệ thống văn bản quy định còn thiếu, thời gian nhận kết quả phân tích mẫu chậm nên khó khăn trong việc truy xuất nguồn ngốc sản phẩm không đảm bảo an toàn, đặc biệt là các sản phẩm tươi sống. Mặt khác, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội còn manh mún, nhỏ lẻ, phân tán, một số hoạt động sản xuất, kinh doanh theo mùa vụ, thường xuyên biến động, số lượng các cơ sở áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến: GMP, SSOP, HACCP còn ít. Không những thế, vẫn còn cơ sở giết mổ nhỏ lẻ xen kẽ trong khu dân cư, chưa được kiểm soát hàng ngày, thường xuyên.
Về phía ngành công thương, ông Nguyễn Đắc Lộc – Chi cục phó Chi cục quản lý thị trường, Sở Công Thương cho hay, người dân luôn mong muốn truy xuất nguồn gốc của sản phẩm mình mua. Tuy nhiên, theo quy định ghi nhãn mác hàng hóa hiện tại, các sản phẩm rau, củ, quả chỉ cần ghi trên bao bì lớn đựng sản phẩm nên người dân mua nhỏ, lẻ khó có thể kiểm soát được.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra
Trước những khó khăn vướng mắc trên, các đại biểu tham dự hội thảo đều thống nhất rằng, công tác thanh tra, kiểm tra cần được tăng cường, nhất là thanh tra, kiểm tra đột xuất. Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Thanh Long kiến nghị TP cho phép địa phương này nhân rộng mô hình thanh tra chuyên ngành ATTP cấp phường trên toàn quận. Đồng thời, mở thêm các lớp tập huấn chuyên ngành ATTP cho cán bộ chuyên trách cấp phường. Đồng quan điểm, bà Bùi Thị An – nguyên đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng, Hà Nội cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, có chế độ đãi ngộ tốt hơn cho cán bộ thanh tra để công tác này được đảm bảo thực hiện minh bạch, tạo niềm tin cho người dân về những thực phẩm lưu hành trên địa bàn.
 Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Nhiên – Phó Chánh thanh tra Bộ Y tế cũng khẳng định, Thanh tra Bộ Y tế sẽ tiếp tục hỗ trợ TP Hà Nội trong việc đào tạo, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ thanh tra ATTP nhằm đảm bảo công tác thanh tra, kiểm tra trên địa bàn. Cùng với đó, ông Nhiên nhấn mạnh, cần quyết liệt hơn nữa trong công tác bảo đảm ATTP, tăng tần suất thanh tra chuyên ngành, tập trung thanh tra đột xuất các địa bàn trọng điểm (chợ, lò giết mổ…), thức ăn đường phố, các nhóm hàng nổi cộm (rau, thịt)… Sau khi xử lý vi phạm hành chính, công khai danh sách các cơ sở vi phạm, các cơ sở bị đóng cửa và những cơ sở chấp hành tốt các quy định về ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền khẳng định, thời gian tới, Hà Nội sẽ quyết liệt hơn trong quản lý ATTP, tuy nhiên, công tác này có hiệu quả hay không, bên cạnh sự vào cuộc của các sở, ngành chức năng thì vai trò của chính quyền địa phương vô cùng quan trọng.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung:
Tăng cường đào tạo cán bộ chuyên trách
Tổng số nhân lực làm công tác quản lý ATTP hiện nay là 11.946 người nhưng chỉ có 254 cán bộ chuyên trách. Trong đó, ngành y tế chiếm nhiều nhất là 172 cán bộ, ngành nông nghiệp có 78 cán bộ và ngành công thương 4 cán bộ. Như vậy, có tới 11.692 cán bộ làm công tác quản lý ATTP là kiêm nhiệm. Đặc biệt, riêng ngành công thương đến nay vẫn chưa có mạng lưới cán bộ ở tuyến xã, phường. Đây chính là một trong những khó khăn cho công tác quản lý ATTP tại tuyến dưới. Trong khi đó, một số chủ cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm vì lợi nhuận trước mắt mà thiếu trách nhiệm đến sức khỏe của cộng đồng, có những thủ đoạn chế biến thực phẩm không an toàn. Thậm chí, ngay cả người tiêu dùng đôi khi còn dễ dãi khi lựa chọn sản phẩm thực phẩm và cơ sở cung cấp thực phẩm. Do đó, để đảm bảo công tác ATTP tại tuyến dưới, bên cạnh việc tăng cường đào tạo các cán bộ chuyên trách thì chính người tiêu dùng cũng cần cảnh giác với các cơ sở chế biến thực phẩm, thận trọng khi lựa chọn.

Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú:
Xây dựng chuỗi bán lẻ thực phẩm xanh, sạch
Có thể nói, chuỗi sản xuất bán lẻ xanh sạch, đảm bảo ATTP là một "vũ khí" cạnh tranh cao nhất, mạnh mẽ nhất đối với sự phát triển của sản xuất và bán lẻ trước mắt cũng như trong tương lai. Do đó, TP cần đứng ra tổ chức sản xuất sạch và liên kết thu mua hàng hóa sạch với các tỉnh, thành trong cả nước để cung ứng cho thị trường Thủ đô. Mặt khác cần đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống hàng giả, hàng kém chất lượng lọt ra thị trường, làm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. TP cũng cần hỗ trợ xây dựng các chuỗi sản xuất, phân phối, bán lẻ thực phẩm sạch một cách bền vững. Chú trọng lợi  nhuận chính đáng của nhà sản xuất sạch, đó là cái gốc của sự phát triển bền vững trước mắt cũng như trong tương lai. Bên cạnh đó, thực phẩm cần kiểm soát ngay từ gốc, hàng nhập khẩu phải được kiểm soát ngay từ biên giới. Bởi lẽ, ý thức và kỷ luật thị trường của nước mình còn kém nên cần có giải pháp để nâng cao vấn đề này. Đặc biệt, đội ngũ thanh tra, kiểm tra thường xuyên đi làm cần phải được chu cấp, trang bị kiến thức. 

Viện trưởng Viện TNMT và phát triển cộng đồng, PGS.TS Bùi Thị An:
Hỗ trợ cho người sản xuất rau sạch
Công tác ATTP tại Hà Nội trong năm vừa qua có bước tiến so với các năm trước. TP đã quan tâm đến các vấn đề từ gốc như quy hoạch cây trồng, rau sạch, chăn nuôi, lò mổ…, phân cấp quản lý cho các địa phương, quan tâm bếp ăn của khu công nghiệp, trường học. Đồng thời, TP đã có hỗ trợ một phần cho công nghệ để giải quyết vấn đề ATTP như công nghệ sạch cho cây trồng, nguồn nước tưới sạch cho chăn nuôi, các thiết bị kiểm tra thực phẩm nhanh.Việc thiết lập các hệ thống phân phối thực phẩm sạch của Hà Nội cũng đã bắt đầu được quan tâm. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn còn tồn tại một số vấn đề như: Nỗi lo thực phẩm bẩn vẫn thường trực do người dân chưa thực tin thực phẩm ngay cả trong hệ thống siêu thị; Chế tài xử phạt chưa nghiêm mặc dù kiểm tra, thanh tra khá tốt. Do đó, cần phân cấp triệt để hơn, thậm chí luật hóa dần việc gắn trách nhiệm cho người quản lý ATTP. Ngoài ra, TP nên có quỹ hỗ trợ cho người sản xuất rau sạch, chăn nuôi an toàn, tổ chức lại thị trường tiêu thụ, phối hợp các vùng, tỉnh để quy hoạch chung về ATTP. 

Giám đốc Công ty CP sản xuất và thương mại An Việt Đào Ngọc Nam:
Kinh doanh thực phẩm phải tập trung, liên kết
Sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải thực hiện trên quy mô lớn mới có thể dễ dàng quản lý, đảm bảo ATTP khi đến tay người tiêu dùng. Trong sản xuất nếu để một người trồng rau tự đem rau ra bán thì khó có thể kiểm soát được. Do đó, đối với sản xuất nhỏ lẻ có thể gom lại. Từ người sản xuất nên qua nhà phân phối mới đến người tiêu dùng. Bởi lẽ, một nhà sản xuất chỉ có thể sản xuất 4,5 loại rau nhưng một cửa hàng thì phải có nhiều loại nên nếu có đầu mối trung gian sẽ có thể kiểm soát dễ dàng hơn, tránh tình trạng mạnh ai lấy làm. Ví dụ một đơn vị trồng rau ở Mộc Châu nhưng có tới 10 DN đăng ký mua rồi vận chuyển xe về Hà Nội. Vậy nên chăng khi có chung một đầu mối, một lần vận chuyển rồi phân phối về các DN có nhu cầu sẽ tiết kiệm được chi phí vận chuyển mà lại dễ dàng kiểm soát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần