Chính quyền điện tử bắt đầu từ những khu dân cư điện tử

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần 200 hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến, đó là kết quả khả quan của phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân) sau hơn một năm chính thức đưa vào áp dụng mô hình “Khu dân cư điện tử”.

Cách làm hay của Hạ Đình đang được nhiều đơn vị nghiên cứu học tập, thực sự là bước tiếp cận tích cực để hình thành những “công dân điện tử”, hướng tới “chính quyền điện tử”.
 Hiệu quả thiết thực
Trong 8 khu dân cư (KDC) của phường Hạ Đình, KDC 6, 7, 8 có trên 3.000 dân nhưng nằm cách xa UBND phường nhất, công dân muốn giao dịch hành chính phải đi qua đường Nguyễn Xiển có mật độ giao thông lớn, rất nguy hiểm. Vì thế, sau khi lấy ý kiến người dân, tháng 8/2015, UBND phường đã chính thức vận hành “KDC, Tổ dân phố điện tử” tại nhà sinh hoạt cộng đồng KDC số 6 với một phòng làm việc 20m2, máy tính, máy scan, máy in, bảng danh mục thủ tục hành chính (TTHC) cấp quận, phường. Sau đó, UBND phường hoàn thiện phần mềm ứng dụng cho 4 TTHC cấp phường để đạt mức độ 3 (khai sinh, khai tử, chứng nhận tình trạng hôn nhân, đăng ký kết hôn); in trên 500 tờ rơi hướng dẫn chi tiết quy trình thực hiện. Đặc biệt, vận động 6 tình nguyện viên (TNV) là công dân các KDC này, tập huấn kỹ năng sử dụng phần mềm ứng dụng 48 TTHC mức độ 3 cấp quận và 4 TTHC mức độ 3 cấp phường.
Tại hội nghị đối thoại mới đây với lãnh đạo phường về cải cách TTHC, đa số người dân đánh giá KDC điện tử tạo được nhiều thuận lợi. Trước đây, người dân muốn nộp hồ sơ nhất thiết phải đến trụ sở UBND quận, phường trong giờ hành chính, rồi hôm khác quay lại nhận kết quả. Từ khi có KDC điện tử, công dân có thể nộp bất cứ lúc nào (kể cả buổi tối, thứ Bảy, Chủ nhật) và chỉ cần một lần đến trụ sở quận, phường nhận kết quả. Với những tiện ích này, từ tháng 8/2015 đến hết tháng 10/2016, UBND phường đã tiếp nhận 192 hồ sơ qua mạng, chiếm 20% tổng hồ sơ hành chính được tiếp nhận trên toàn phường. Trong đó, tới 90% hồ sơ được người dân nộp tại KDC điện tử, còn lại thực hiện từ nhà. 
Nhân rộng mô hình
Theo Phó Chủ tịch UBND phường Hạ Đình Nguyễn Ngọc Khương, khoản đầu tư ban đầu 50 triệu đồng cho KDC điện tử là đóng góp của cá nhân Chủ tịch UBND phường và từ ngân sách. Chi phí vận hành hàng tháng cho nhà sinh hoạt cộng đồng KDC số 6 (trong đó có KDC điện tử) cũng chủ yếu do phường cấp; người dân không phải chịu chi phí gì. “Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là xây dựng được những “công dân điện tử”. Sau thời gian hoạt động KDC điện tử, người dân thành thạo nộp hồ sơ trực tuyến rồi thì sẽ tự làm từ nhà, mô hình này sẽ dần tự tiêu” - ông Khương nhấn mạnh.
Bí thư Chi bộ KDC số 6 Vũ Xuân Huyên cho biết: Nếu không phải buổi trực của TNV, người dân có thể gọi điện cho họ kể cả vào buổi tối, thứ Bảy, Chủ nhật..., một TNV sẽ có mặt tại KDC điện tử để hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến. Cán bộ phường giải quyết xong thì sẽ báo về KDC điện tử hoặc gọi trực tiếp cho người dân mang hồ sơ gốc ra phường nhận kết quả. “Khó khăn duy nhất là chưa có TNV trực thường xuyên ở KDC điện tử, nên khi công dân muốn ra nộp hồ sơ trực tuyến thì nhiều khi phải hẹn trước. Giá như có cơ chế phụ cấp cho TNV để liên tục có người trực thì sẽ tiện hơn cho công dân” - ông Huyên đề xuất.
Chủ trì buổi khảo sát tại mô hình này tuần qua, Trưởng phòng Cải cách hành chính (Sở Nội vụ) Phạm Tuấn Anh nhận xét: Ưu điểm nổi bật nhất là không phát sinh bộ máy, biên chế; không tăng chi ngân sách; lại thuận lợi tối đa cho công dân khi giao dịch hành chính, tạo thân thiện giữa người dân - chính quyền. Việc khảo sát mô hình này nhằm giúp các đơn vị học hỏi kinh nghiệm, áp dụng phù hợp với địa phương mình, phục vụ người dân.
Đề án “Xây dựng chính quyền điện tử quận Thanh Xuân giai đoạn 2016 - 2020” đã xác định sẽ nhân rộng mô hình KDC điện tử ra các khu chung cư lớn tại quận. Để làm tốt hơn mô hình này, UBND phường Hạ Đình cũng kiến nghị TP hướng dẫn chi tiết hơn trong các biểu mẫu, xây dựng thêm nhiều TTHC mức độ 3 liên thông để người dân thực hiện được qua mô hình này; đồng thời kiến nghị UBND quận bổ sung kinh phí để nhân rộng mô hình.