Chính quyền điện tử đang dần rõ nét

Bảo Quyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Hà Nội hiện đang xếp thứ 3 trong số 63 tỉnh, TP về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT).

Ðồng thời là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng hồ sơ giao dịch qua mạng trong năm 2016 và những tháng đầu năm 2017. Ðiều này cho thấy, những nỗ lực trong cải cách hành chính, hiện đại hóa nền hành chính của Thủ đô đã đạt được những kết quả đáng kể.
Năm 2017, TP đã đẩy mạnh triển khai và khai thác có hiệu quả các ứng dụng CNTT, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động từ TP xuống cơ sở. Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, TP đã triển khai đồng bộ 81 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) tới 168 phường, 12 quận và 10 sở. Như vậy, đến nay toàn TP có 391 DVCTT mức độ 3, mức độ 4, đạt gần 20,4% tổng số thủ tục hành chính (TTHC) của cơ quan Nhà nước. Hiện nay, hệ thống DVCTT của Hà Nội đã có hơn 5,2 triệu lượt người truy cập, tỷ lệ hồ sơ giao dịch qua mạng đạt hơn 94%. Một số lĩnh vực có tỷ lệ hồ sơ giao dịch qua mạng đạt kết quả cao như: Ðăng ký kinh doanh đạt hơn 75%, thuế đạt hơn 97%, hải quan đạt 100%, hộ chiếu phổ thông đạt hơn 80%.
 Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân quận Hoàn Kiếm, Ảnh: Phạm Hùng
Đến nay, người dân Hà Nội cũng không còn xa lạ với mô hình khu dân cư, cụm dân cư điện tử tại các phường, xã. Từ thành công ban đầu, mô hình "Khu dân cư điện tử" tại phường Hạ Ðình (quận Thanh Xuân) đã được nhân rộng tại nhiều quận, huyện như Long Biên, Bắc Từ Liêm, Hà Ðông, Gia Lâm... Ở phường Vạn Phúc, một điểm sáng của quận Hà Ðông trong triển khai DVCTT, người dân có thể thực hiện các giao dịch trực tuyến ngay tại phòng đọc sách báo đặt ở Miếu Vạn Phúc và Nhà Văn hóa tổ dân phố 8. Với kinh phí đầu tư khoảng 20 triệu đồng/điểm từ nguồn vốn xã hội hóa, tại các điểm, phường đã bố trí máy tính, máy in, máy scan, bảng danh mục các TTHC cấp phường, quận; cử một đoàn viên thanh niên thường xuyên có mặt hướng dẫn người dân nhập hồ sơ trực tuyến, để sau khi làm quen, công dân có thể tự truy cập tại nhà. Việc này đã tạo thuận lợi nhiều cho người dân, không phải đến phường chờ đợi, xếp hàng như trước.

Cùng với đó, để DVCTT ngày càng lan tỏa tới cơ sở, các hình thức tuyên truyền đã được triển khai. Sở GD&ĐT Hà Nội đã phổ biến, phát tờ gấp tuyên truyền và thực hành việc sử dụng các DVCTT mức độ 3 lĩnh vực tư pháp cho 275.982 học sinh tại các trường học. Nhiều quận, huyện đã có những hình thức tuyên truyền mới, sáng tạo như thành lập câu lạc bộ tin học cựu chiến binh và người cao tuổi; tuyên truyền thông qua bảng quảng cáo lắp đặt trong thang máy tại các tòa nhà chung cư… Từ đó hỗ trợ người dân thực hiện các DVCTT, là cầu nối để tạo nên những công dân điện tử, thiết lập việc giao tiếp giữa công dân với chính quyền điện tử hoàn toàn trên môi trường mạng.

Theo Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Phan Lan Tú, để đẩy mạnh hiện đại hóa nền hành chính, Hà Nội đã triển khai kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan Nhà nước. Trong đó, giao Sở KH&ĐT tiếp tục duy trì và nâng cao tỷ lệ thực hiện đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử; nâng cao tỷ lệ cấp giấy chứng nhận đầu tư qua mạng điện tử. Sở TT&TT cũng thực hiện số hóa toàn bộ dữ liệu về DN trên địa bàn. Tính đến hết tháng 8/2017, 90% dữ liệu hồ sơ đăng ký DN tại Sở KH&ĐT đã được số hóa và đang tiếp tục thực hiện hoàn thiện phần còn lại. Sở Y tế thí điểm việc triển khai ứng dụng quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử tại trên 20 xã, phường của các quận, huyện như Long Biên, Ba Ðình, Nam Từ Liêm, Gia Lâm, Sóc Sơn trước khi nhân rộng; khảo sát để triển khai mở rộng hệ thống quản lý khám, chữa bệnh toàn TP…

Có thể nói rằng, với những bước đi đồng bộ, mô hình chính quyền điện tử của TP đang dần rõ nét thông qua việc xây dựng cơ quan điện tử, công chức điện tử và công dân điện tử, hướng tới một nền hành chính hiện đại, nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân và DN.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần