Chính quyền điện tử: Động lực phát triển đô thị thông minh

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều chuyên gia khẳng định, đô thị thông minh (ĐTTM) là xu hướng phát triển tất yếu của các đô thị trên toàn thế giới. Và chính quyền điện tử là một trong những nguồn động lực mạnh mẽ nhất, quan trọng nhất để hình thành ĐTTM.

Hoạt động giám sát Hệ thống thoát nước của TP Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Chậm trễ là thất bại
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông sẽ giúp đô thị nâng cao khả năng thích ứng với sự biến đổi của hoàn cảnh; tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và năng lượng; nâng cao khả năng ứng phó và chống chịu với thách thức, phối hợp giải quyết các vấn đề ở quy mô lớn hơn, toàn diện hơn và kịp thời hơn. Do đó, phát triển ĐTTM được xác định là giải pháp hữu hiệu nhằm thúc đẩy phát triển đô thị nhanh hơn, bền vững hơn.
Không có ĐTTM nào trên thế giới chỉ được phát triển dựa vào công nghệ; mà nền tảng con người rất quan trọng. Có thể thấy, chính quyền điện tử chính là một trong những yếu tố nền tảng cơ bản đầu tiên mà bất cứ ĐTTM nào cũng cần phải xây dựng trước.

Trưởng Ban phát triển số Ngân hàng Thế giới Samia Melhem
Tuy nhiên, Việt Nam hiện mới ở giai đoạn tiếp cận, chưa thể triển khai một cách toàn diện các giải pháp xây dựng đô thị thông minh. Cùng với đó, Chính quyền các địa phương cũng chưa thực sự nắm bắt và kiểm soát được đầy đủ các vấn đề rủi ro, hạn chế trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết các vấn đề đô thị. Đặc biệt, Việt Nam nói chung và các đô thị lớn như Hà Nội nói riêng, còn thiếu rất nhiều những thành tố trong chính sách hình thành, phát triển ĐTTM.
Trong khi đó, các siêu đô thị như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… đang gặp phải những thách thức vô cùng lớn từ tốc độ đô thị hóa nhanh; các vấn đề về quy hoạch, UTGT, an ninh, y tế, giáo dục, năng lượng, ô nhiễm môi trường... Và những khó khăn thách thức này chỉ có thể được giải quyết căn bản nếu phát triển theo định hướng ĐTTM.
Giám đốc Công nghệ, đô thị số và an ninh nội địa của Dell EMC Martin C. Yates còn cho rằng, đã tới lúc các đô thị Việt Nam phải lựa chọn và đưa ra những giải pháp đột phá nhằm xây dựng ĐTTM. “Nếu chậm trễ sẽ mất đi cơ hội phát triển tương xứng, đồng bộ với khu vực và thế giới” - ông Martin C. Yates nhấn mạnh.

Yếu tố nền tảng

Liên minh Viễn thông quốc tế đã tổng hợp từ 116 khái niệm về ĐTTM trên thế giới để đưa ra một cách hiểu chung. Theo đó, ĐTTM là đô thị sáng tạo, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông, kết hợp với các công nghệ khác để đạt đến 3 mục tiêu: Nâng cao chất lượng cuộc sống; hiệu quả các hoạt động dịch vụ đô thị; nâng cao tính cạnh tranh của TP.

Bên cạnh những nguồn lực quan trọng để xây dựng ĐTTM như nguồn vốn; tiến bộ khoa học; con người… ĐTTM cần một chìa khóa quan trọng để mở ra cánh cửa phát triển, đó là cơ chế, chính sách khuyến khích từ chính quyền T.Ư và đô thị. Muốn có một ĐTTM, trước hết phải có một chính quyền điện tử, quản lý, vận hành đô thị bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin làm việc hiệu lực, hiệu quả và minh bạch hơn; cung cấp thông tin, dịch vụ tốt hơn cho người dân, DN và các tổ chức. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân thực hiện quyền dân chủ của mình trong việc tham gia quản lý nhà nước.

Đồng Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam Denis Brunetti phân tích, mô hình đô thị số và ĐTTM có sự khác biệt cơ bản về cách tiếp cận. Đô thị số phát triển dưới lên, tức là bắt đầu từ việc ứng dụng CNTT riêng lẻ của người dân. Muốn phát triển ĐTTM cần phải thay đổi tư duy chiến lược, có hướng tiếp cận từ trên xuống. Nghĩa là chính quyền phải đưa ra những quyết sách, chính sách phù hợp, định hướng và tạo điều kiện cho việc ứng dụng CNTT vào xây dựng nền tảng của đô thị.

Cần kiến trúc tổng thể

Kiến trúc sư trưởng về Smart city của Tập đoàn Viettel Lê Quốc Hữu cho rằng, hạ tầng kỹ thuật của các ĐTTM cần được định hình ngay từ ban đầu với một kiến trúc tổng thể, toàn diện. Điều quan trọng nhất với hệ thống thông minh là phải có dữ liệu để phân tích mới có cơ sở đưa ra những giải pháp thông minh, đáp ứng, phục vụ nhu cầu, mục đích của cư dân đô thị.
Hiện nay rất nhiều ngành, cơ quan đang thu thập dữ liệu trên mọi mặt của xã hội nhưng theo cách đơn lẻ, không chia sẻ, không đồng bộ. Do đó, không đáp ứng được công tác phân tích, quản lý, đưa ra những quyết định chính xác với từng vấn đề.

Vậy nên, nền tảng thông minh của đô thị cần trước hết là hệ thống cảm biến, thu thập mọi loại dữ liệu thiết yếu đối với người dân như giao thông, an ninh, đo chất lượng nước, không khí... Các cảm biến phải được kết nối lại thông qua mạng mao dẫn, truyền thông tin về Hồ sơ dữ liệu. Để xử lý dữ liệu và đưa ra được quyết định chính xác cho mỗi vấn đề, mỗi tình huống lại cần một Trung tâm điều hành thông minh chung cho cả đô thị.

Ví dụ như Singapore, họ đã lập ra ngân hàng thông tin cá nhân của người dân từ lâu. Mỗi người dân sẽ có một tài khoản, cập nhật toàn bộ thông tin của mình lên đó. Khi họ muốn mở thẻ ngân hàng, hay xin cấp giấy phép lái xe chẳng hạn, họ chỉ cần đăng ký với cơ quan chức năng. Cơ quan chức năng sẽ yêu cầu nạp thông tin cá nhân từ ngân hàng dữ liệu. “Thực tế, việc quản lý thông tin, dữ liệu cá nhân vẫn nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta nên không cần phải lo lắng” - ông Lê Quốc Hữu nhấn mạnh.

Thạc sỹ Quản lý đô thị Đinh Quốc Thái chia sẻ, cùng với xây dựng hạ tầng, các đô thị cần có cách tiếp cận chiến lược đối với vấn đề nguồn lực nhân sự. Trước hết phải có định hướng phát triển ĐTTM một cách rõ ràng, hoạch định kiến trúc tổng thể bao gồm mọi lĩnh vực của đời sống như: Giao thông thông minh; Y tế thông minh; Giáo dục thông minh.
Từ đó có kế hoạch lựa chọn cả về số lượng, chất lượng nhân sự rồi đào tạo chuyên sâu. “Bởi họ là những người vừa trực tiếp cung cấp, vừa có vai trò tuyên truyền, chuyển giao kỹ năng thiết yếu cho người dân sử dụng các dịch vụ công thông minh” - ông Thái nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần