Chính quyền Hàn Quốc đối mặt với nguy cơ sụp đổ

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giữa lúc căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chưa được cải thiện, kinh tế đối mặt nguy cơ khủng hoảng từ bê bối của hàng loạt tập đoàn lớn, việc Tổng thống Park Geun-hye tiết lộ hàng trăm tài liệu cơ mật quốc gia đã trở thành giọt nước tràn ly

Sự phản đối của các chính trị gia đối lập, sự giận dữ của người dân đã gia tăng áp lực lên "chiếc ghế nóng" của nữ Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc.

 Người dân Hàn Quốc theo dõi tin tức việc Tổng thống Park Geun-hye nhận lỗi trong vụ bê bối của bạn thân.

Theo Bộ phận nghiên cứu Hàn Quốc thuộc Viện Gallup (Mỹ), tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Park Geun-hye từ tuần trước đã giảm 8% và hiện đang ở mức 17% - mức thấp nhất kể từ khi bà Park trở thành nữ chủ nhân của Nhà Xanh. Tỷ lệ bất tín nhiệm bà Park đã tăng thêm 10%, chiếm 74% số người được hỏi. Tin tức chấn động về bà Choi Soon-sil, bạn thân của Tổng thống Park bị kênh truyền hình JTBC tiết lộ sau khi phát hiện khoảng 200 tài liệu quan trọng trong chiếc máy tính bị vứt đi của cựu trợ lý của Tổng thống. Ngay sau đó, hàng nghìn người dân tại Thủ đô Seoul đã đổ xuống đường và yêu cầu bà Park Geun-hye phải từ chức do  tiết lộ những vấn đề cơ mật của quốc gia với bạn thân. Các đảng phái đối lập cũng lập tức yêu cầu Quốc hội thành lập một đội đặc nhiệm để điều tra bê bối này. 

Làn sóng phẫn nộ với chính quyền của Tổng thống Park đang bùng phát tại nhiều điểm trên cả nước và là điều có thể dự đoán được trước hàng loạt những diễn biến gần đây trên chính trường. Thỏa thuận triển khai hệ thống chống tên lửa đạn đạo (THAD) với Mỹ nhằm đối phó với chương trình hạt nhân gây tranh cãi của CHDCND Triều Tiên đã làm dấy lên những bức xúc về sự yếu kém của chính phủ khi không thể gây sức ép với chính quyền Bình Nhưỡng. Bê bối từ các tập đoàn kinh tế lớn chưa kịp dập tắt, vụ các trợ lý cao cấp của bà Park nhận tiền gây quỹ trái phép đã giáng một đòn mạnh vào uy tín của nữ Tổng thống. Bên cạnh đó, việc bà Park đề xuất nâng thời gian nắm quyền của Tổng thống lên 2 nhiệm kỳ, thay vì chỉ có một nhiệm kỳ 5 năm như hiện giờ đã khiến các đảng đối lập muốn hành động để triệt tiêu tham vọng của bà Park Geun-hye. 

Ngoài lực lượng đối lập, Tổng thống còn phải đối mặt với áp lực từ các thế lực kinh tế. Năm 2012, khi thực hiện chiến dịch vận động tranh cử, Tổng thống Park Geun-hye từng cam kết sẽ kiềm chế sức mạnh của các chaebol (tập đoàn lớn) và hỗ trợ nhiều hơn cho DN nhỏ. Khi lên nắm quyền, bà đã từng bước thực hiện cam kết này nhưng câu chuyện chính phủ khoanh tay đứng nhìn đại gia vận tải biển Hanjin lâm nạn đã cho giới DN thấy khả năng quản lý yếu kém của Tổng thống. 

Nhiều nhà phân tích cho rằng, những rắc rối từ chính trị đến kinh tế đã đẩy chính quyền Tổng thống Park đứng trên bờ vực của sự sụp đổ. Đây không phải là lần đầu tiên bê bối chính trị xảy ra trong nhiệm kỳ tổng thống tại Hàn Quốc. Thậm chí, việc các quan chức chính phủ phải liên tục từ chức vì tham nhũng, gây quỹ trái phép, hậu thuẫn cho người nhà lũng đoạn... đã trở thành "truyền thống" trên chính trường. Tuy nhiên, chưa có đời Tổng thống nào lại khiến người dân mất lòng tin như với bà Park Geun-hye. Ngay cả khi đã cúi đầu xin lỗi người dân, yêu cầu hàng loạt nhân vật thân tín từ chức, gấp rút cải tổ nội các, Tổng thống Park vẫn chưa thể cứu vãn được cuộc khủng hoảng đang đe dọa số phận chính trị của mình… Theo các nhà bình luận, điều bà Park cần làm bây giờ là phải đưa bạn thân Choi Soon-sil trở về nước để đối mặt với dư luận trước khi quá muộn. Nếu không, bà Park Geun-hye sẽ đi vào lịch sử Hàn Quốc với tư cách là nữ Tổng thống Hàn Quốc đầu tiên phải rời Nhà Xanh khi chưa hết nhiệm kỳ. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần