Chính sách cách ly phòng dịch Covid-19: Chuyện chỉ có ở Việt Nam

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong cuộc chiến chống Covid-19 hiện nay, Chính phủ và các cấp chính quyền được người dân đồng lòng, cùng chung tay phòng chống dịch. Và để được sự đồng lòng như vậy là bởi những chính sách đúng đắn, hợp lòng dân.

Với khẩu hiệu “Chủ động ngăn chặn - phát hiện sớm - cách ly kịp thời - khoanh vùng gọn - dập dịch triệt để - điều trị khỏi bệnh”, thời gian qua, nhờ sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, Việt Nam đã làm rất tốt công tác kiểm soát, ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng, điều trị, cứu trợ mùa dịch Covid -19.
Kiểm soát tốt việc cách ly
Thống kê từ Bộ Y tế cho thấy, tính đến nay (chiều 26/3/2020), Việt Nam đã có 148 ca nhiễm bệnh Covid - 19; 17 ca đã bình phục; 26 bệnh nhân xét nghiệm âm tính lần 1; 7 bệnh nhân xét nghiệm âm tính lần 2. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 46.933 người, trong đó có 412 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 20.386 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 26.135 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
 Kiểm tra y tế đối với hành khách tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Ngọc Tú
Để phòng chống dịch Covid -19 hiệu quả, nhiều địa phương trên cả nước đã kiểm soát tốt việc cách ly và chuẩn bị phương án sử dụng nhiều công trình làm nơi cách ly tập trung trong trường hợp đón số lượng lớn công dân từ vùng dịch về Việt Nam.
Đơn cử như khu cách ly tập trung nằm trong khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai); khu cách ly KTX Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh… Trên thực tế, nhiều đơn vị đã nhanh chóng, tự nguyện hưởng ứng lời kêu gọi trách nhiệm của DN với cộng đồng, tự nguyện đăng ký trở thành cơ sở cách ly cho du khách và người dân nếu có nhu cầu.
Đơn cử, tại Hà Nội tới đây, Bệnh viện dã chiến Mê Linh, huyện Mê Linh sẽ được đưa vào sử dụng sau 10 ngày "thần tốc" cải tạo, bảo đảm quy mô hơn 200 giường, trong đó khu khối nhà 4 tầng có khoảng 144 giường bệnh, khu khối nhà 3 tầng điều trị 66 bệnh nhân (các trường hợp nặng hơn). Hay như quận Long Biên cũng đã sẵn sàng xây dựng kế hoạch đưa vào sử dụng một số khu chung cư trên địa bàn, chưa có người ở làm nơi cách ly tập trung khi cần…
Hay như tại khu cách ly Covid-19 quận 7, TP Hồ Chí Minh - nơi cách ly nhiều người nước ngoài nhất, không chỉ được sự quan tâm của cộng đồng người nước ngoài mà còn cả các lãnh sự quán. Lãnh sự quán Hàn Quốc cũng đã tới thăm và đánh giá cao điều kiện cơ sở vật chất nơi đây tốt, các phòng đều có ti vi, máy nước nóng, toàn bộ khu vực được phủ sóng wifi miễn phí.
 Kiểm tra thân nhiệt tại UBND huyện Phú Xuyên. Ảnh: Công Hùng
Cùng với việc bố trí chỗ ở đầy đủ các điều kiện sinh hoạt cá nhân thuận tiện cũng như đảm bảo các điều kiện về cách ly theo quy định của ngành Y tế, các tỉnh/TP đã thực hiện miễn phí toàn bộ các chi phí gồm xét nghiệm, cung cấp 3 bữa ăn trong ngày, bố trí phương tiện đưa người sau cách ly trở về nơi cư trú.
Chính sách ưu đãi này được thực hiện đồng bộ cho cả người Việt Nam và người nước ngoài khi có mặt tại các cơ sở cách ly. Dù trước đó, có nhiều ý kiến trái chiều cho rằng, Việt Nam cần thu phí với những trường hợp nhiễm bệnh.
Nhưng nhận định, giai đoạn 2 dịch Covid -19 khốc liệt hơn và cũng là giai đoạn vàng trong việc phòng chống, hạn chế lây nhiễm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia xem xét cụ thể các mức tăng chi cho người cách ly; đề xuất mức hỗ trợ cho bác sĩ, y tế, nhân viên y tế và các cá nhân liên quan phục vụ công tác cách ly.
Đồng thời, yêu cầu các địa phương, người dân tiếp tục thực hiện phương thức cách ly tập trung cùng với cách ly tại gia đình theo quy chế, cách ly theo nhóm được giám sát. Phát hiện sớm, cách ly kịp thời, khoanh vùng dịch và điều trị bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân là mục tiêu tối thượng hiện nay.
“Ngành Y tế và các cơ quan chức năng chủ động, phát hiện sớm các ca dương tính để cách ly khỏi cộng đồng kịp thời hơn, chống lây lan. Ngành Y tế đề xuất, giao các địa phương cùng với lực lượng quân đội cũng như ngành văn hóa, thể thao, du lịch chuẩn bị các cơ sở vật chất phục vụ cách ly” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Cứu trợ mùa dịch Covid -19: Thế giới ngả mũ
Những ngày qua, đã có không ít người trong nước cũng như cộng đồng mạng bày tỏ tình cảm và không thể cầm lòng khi chứng kiến hình ảnh những chiến sĩ áo xanh sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo, nơi ăn, chốn ngủ, đôi khi chỉ là bát mì tôm, chiếc bánh mì, cơm nắm, lương khô, dành chỗ ăn nằm sạch sẽ, ấm áp của mình cho người cách ly. Đó là những người thầy thuốc làm việc xuyên đêm, nhịn cả ăn, cả uống để phục vụ bệnh nhân… Những con người sẵn sàng cống hiến hy sinh trong mọi hoàn cảnh, điều kiện vật chất khó khăn đã chạm đến trái tim của bất cứ ai.
Mới đây thôi, Bộ Chính trị đã kêu gọi toàn thể đồng bào, chiến sĩ cả nước hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, vào cuộc mạnh mẽ hơn trong phòng, chống dịch Covid-19. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch; mỗi thôn, tổ dân phố, gia đình là một pháo đài. Việt Nam nhất định sẽ chiến thắng đại dịch Covid -19. Bộ cũng kêu gọi cộng đồng đoàn kết, ủng hộ tinh thần và tiếp thêm sức mạnh để các thầy thuốc đứng vững trong cuộc chiến chống dịch.
Trước những hình ảnh đầy xúc động ấy, trước lời kêu của Bộ Chính trị, cộng đồng đã có những hành động thiết thực, chia lửa với hàng triệu y bác sĩ, chiến sĩ, tình nguyện viên đang đồng hành, chung tay chống dịch với một quyết tâm chiến thắng dịch bệnh.
Toàn bộ hệ thống chính trị các cấp cùng các DN, đơn vị, các nhóm trên mạng xã hội chung tay góp sức đẩy lùi dịch Covid-19 bằng cách kêu gọi, ủng hộ kinh phí mua trang thiết bị bảo hộ, khẩu trang y tế, nước xịt tay khử khuẩn, sữa… gửi tới những chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu chống dịch.
Đây là những món quà thay cho những bó hoa gửi lời cảm ơn tận đáy lòng của cộng đồng tới những người hy sinh nhiều nhất trong trận chiến cam go chống Covid-19 và nhắn nhủ với họ rằng, những chiến sĩ áo trắng không đơn độc trên mặt trận chống dịch, xung quanh họ còn có cả một cộng đồng - những người con đất Việt chung sức đồng lòng hướng về họ với lòng biết ơn sâu sắc nhất.
Thông qua đó, cộng đồng cũng muốn kêu gọi, lan tỏa thông điệp yêu thương “Chung sức, vững tâm vượt qua đại dịch”. Mỗi hành động nhỏ sẽ trở thành sức mạnh lớn tạo không khí thi đua sôi nổi, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.

"Tại Hà Nội, trong giai đoạn 1 vừa qua, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã sử dụng 6 cơ sở quân sự trên địa bàn làm nơi cách ly tập trung đối với những người từ vùng dịch về Việt Nam cách ly 14 ngày.

Trong những ngày tới, các cơ sở quân sự trên địa bàn TP sẵn sàng tiếp nhận công dân từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch trở về nước. Ngoài các cơ sở cách ly tập trung của quân đội, TP đã họp bàn trong Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của TP, đã xin ý kiến Thường trực Thành ủy, dự kiến sử dụng một số điểm để mở rộng khu vực cách ly tập trung trong trường hợp học sinh, sinh viên, người lao động của Việt Nam ở vùng có dịch về nước đông tới đây.

Tuy nhiên, TP cần phải chuẩn bị kỹ về trang thiết bị, công tác hậu cần cho những nơi này. Hiện nay các đơn vị cung cấp suất ăn cho các hãng hàng không trong điều kiện các hãng hàng không đang giảm số chuyến bay, nếu phải mở rộng các cơ sở cách ly tập trung, có thể tính toán phương án mua và sử dụng các suất ăn này cung cấp cho những nơi cách ly tập trung vì các đơn vị cung cấp suất ăn có đầy đủ trang thiết bị, phương tiện vận chuyển tận nơi." - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung


117 khách sạn, cơ sở lưu trú trên cả nước đăng ký làm nơi cách ly phòng bệnh Covid-19 cho du khách chắc chắn không phải là con số cuối cùng. Tổng Cục Du lịch Việt Nam kỳ vọng con số này sẽ tăng cao trong mấy ngày tới, nhằm giảm tải cho các địa điểm lưu trú và tạo sự thoải mái cho du khách.