Sunday, 00:00 01/01/2012
Chính sách chưa cụ thể, doanh nghiệp còn khó khăn
KTĐT - Theo nhìn nhận của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại phiên thảo luận tổ (sáng 24/5) về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2011 và những tháng đầu năm 2012, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của Chính phủ chưa tìm đúng đối tượng và hiệu quả vẫn đang ở phía trước.
Giảm phát không còn là dấu hiệu Báo cáo của Chính phủ thừa nhận, những dấu hiệu suy giảm tăng trưởng kinh tế đã xuất hiện khiến nhiều đại biểu lo lắng và cho rằng, trong chưa đầy 3 quý còn lại, nếu không có quyết tâm cao, khó đạt được mục tiêu GDP đặt ra là 6 - 6,5%. ĐB Lê Văn Lai (Quảng Nam) nhấn mạnh, các chỉ tiêu của quý I đều rất đáng báo động. Đầu tư công giảm có thể hiểu, vì chúng ta có chủ trương, nhưng đầu tư tư nhân giảm chứng tỏ nhà đầu tư bắt mạch nền kinh tế và không mặn mà. Phải chăng chúng ta đang lặp đi lặp lại kích cầu và thắt chặt. Vì năm 2009, khi nền kinh tế có dấu hiệu suy giảm, Chính phủ đã tung ra gói kích cầu và kết quả năm 2010 lạm phát cao. Sau đó, Chính phủ lại thắt chặt và hiện đang có xu hướng giảm phát, một gói hỗ trợ doanh nghiệp (bản chất cũng là kích cầu) trị giá 29.000 tỷ đồng lại được tung ra.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ: Tăng chi cho an sinh xã hội Với mục tiêu Chính phủ dự kiến tăng trưởng kinh tế năm 2012 từ 6 - 6,5%, việc xây dựng dự toán NSNN năm 2012 đã được triển khai một cách tích cực; ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; bố trí dự toán chi NSNN năm 2012 theo nguyên tắc, ưu tiên trước hết cho đầu tư cho con người, cải cách tiền lương, các chính sách an sinh xã hội, an ninh quốc phòng. Phân bổ chi theo hướng tiết kiệm, tập trung, chống dàn trải, đảm bảo đủ kinh phí thực hiện các cơ chế, chính sách đã ban hành... |
Nhiều ý kiến cũng khẳng định, việc thực hiện chính sách tài khoá thắt chặt, chính sách tiền tệ chặt chẽ đã góp phần kiềm chế lạm phát, nhưng lãi suất vay cao, nhiều doanh nghiệp (DN) khó tiếp cận và hấp thụ vốn dẫn đến hàng ngàn DN phá sản. ĐB Phạm Hồng Hà (Nam Định) cho rằng: Để "giải cứu" cho DN, ngân hàng đã hạ lãi suất xuống còn 15%/năm, nhưng DN không vay được do "vướng" những quy định kèm theo như doanh nghiệp nợ xấu, không có thế chấp... ĐB Nguyễn Thế Trường (Vĩnh Phúc) đặt vấn đề: Mâu thuẫn lớn nhất hiện nay là DN đang "khát" vốn, còn ngân hàng lại rất nhiều tiền, cho lĩnh vực bất động sản vay, tạo ra sốt ảo. Theo ĐB - doanh nhân Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội), việc tăng trưởng thấp, nguy cơ giảm phát đã hiện hữu từ cuối năm 2011 chứ không phải bây giờ mới xuất hiện. Cái cần hiện nay là giải pháp thực hiện để ngăn chặn điều này. Giải pháp của Chính phủ nhằm "cứu" DN bằng giảm 30% thuế thu nhập DN là cần thiết, nhưng chưa tác động sâu cho giải quyết khó khăn. Ngay cả khi cho giãn thuế, cũng không có tiền nộp vì hàng hóa không bán được. ĐB Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) nhận định: Giải pháp tiền tệ vừa qua là đúng thuốc, nhưng liều cao quá, chúng ta không kịp thời giảm liều. Điều này dẫn đến những cái lo, số DN phá sản hiện nay tăng lên rất cao. Năm 2011, đến hơn 53.000 DN phá sản, giải thể, tăng 24,7% so với năm 2010. Trong 4 tháng đầu năm 2012, lại có 17.735 DN ngừng hoạt động, phá sản. Sau lưng các DN phá sản là hàng vạn người lao động thất nghiệp.

Đại biểu Bùi Thị An phát biểu tại buổi thảo luận tổ của đoàn Hà Nội ngày 24/5.
Ảnh: TTXVN
Cần thêm giải pháp kích thích nền kinh tế
Đồng tình với những giải pháp của Chính phủ và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra, nhưng các ĐB cũng cho rằng: Nếu không có giải pháp tốt để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế, cứ kiềm chế như thế này giảm phát sẽ xảy ra. ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi: Cần đánh giá việc lạm phát liên tục được kéo xuống là tín hiệu tốt hay không tốt? Phải chăng giải pháp thắt chặt đầu tư công và thắt chặt tiền tệ khiến nền kinh tế thiếu máu, DN gặp nhiều khó khăn, sức mua giảm quá mạnh, khiến nhập khẩu giảm. Điều đó cho thấy các giải pháp hiện nay chưa căn cơ. Mặt khác, các ĐB nhấn mạnh: Khi bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, dù Chính phủ đã đưa ra một số chủ trương, nhưng chưa có phương án, giải pháp cụ thể, nên không hiệu quả. ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, năm 2012 cần nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích nền kinh tế, đồng thời kích thích được những trọng điểm, những lĩnh vực có thế mạnh, nhưng thắt chặt đầu tư công. Chính phủ nên chủ động giảm giá một số nguồn lực mà Nhà nước có thể cung ứng cho thị trường như đất đai. Nên thực hiện đồng bộ 3 giải pháp: Hỗ trợ DN, kích thích sức mua và giảm giá một số nguồn lực mà Chính phủ có thể kiểm soát. Nhất trí phải kiên định mục tiêu năm 2012 và các nhóm giải pháp đã đưa ra, nhưng vấn đề là cần sự kiên quyết trong điều hành để khơi thông bế tắc DN, tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, để tăng trưởng tín dụng tăng, kích thích sức mua, giải tỏa hàng tồn kho, tăng sản xuất. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, tạo việc làm nâng cao đời sống nhân dân, nhất là công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất; đồng thời có chính sách cụ thể để phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân./.
Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh): Hàng triệu hộ sản xuất kinh doanh đang trông chờ vào Quốc hội Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội về gói giải cứu kinh tế của Chính phủ, Đại biểu Trần Du Lịch (TP. HCM) cho biết: Tôi ủng hộ hoàn toàn. Tôi kiến nghị Ủy ban Tài chính Ngân sách nên ủng hộ, không nên dè dặt. Nếu chúng ta tới TP. HCM xem tiểu thương người ta bỏ chợ, bỏ sạp không kinh doanh nữa, thì mới thấy rằng giảm thuế khoán là cần thiết. Người kinh doanh mua bán mà chê sạp thì như nông dân chê đất. Tôi đề nghị, Quốc hội ủng hộ giảm thuế cho các hộ cá thể. Đang có tới 3 triệu hộ kinh doanh, sản xuất áp phương thức thuế khoán, đóng góp lớn vào nền kinh tế và xã hội. Đây là lựa chọn khó khăn của Quốc hội vì như vậy là giảm thu ngân sách, nhiều công trình phải dừng lại, nhưng nếu không tạo điều kiện, năm 2013 sẽ có thêm nhiều hộ sản xuất, kinh doanh phá sản và thất thu còn lớn hơn. Hàng trăm ngàn doanh nghiệp, hàng triệu hộ sản xuất kinh doanh đang trông chờ vào Quốc hội. Doanh nghiệp không tồn tại được thì tái cấu trúc cách nào đây. Song Hà ghi |