Chính sách đầu tư nông nghiệp còn dàn trải

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 18/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Theo thống kê, tổng vốn đầu tư bố trí cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong 3 năm (2009 - 2011) là 286.212 tỷ đồng, bằng 52,3% tổng vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ. Các nguồn vốn ODA ưu đãi khác dành cho nông nghiệp, thủy lợi, lâm nghiệp và thủy sản lên tới gần 4 tỷ USD. Dư nợ cho vay theo cơ chế thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng bình quân gần 24%/năm.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, việc đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng hiện đại; từng bước giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội ngày càng tốt hơn… Tuy nhiên, cũng qua giám sát cho thấy những bất cập trong chính sách, nhất là Luật Đất đai nên đã hạn chế việc đầu tư phát triển sản xuất. Bên cạnh đó là tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài, hiệu quả không cao, một số nơi còn xảy ra sai phạm trong quản lý đầu tư; công tác lập và thực hiện quy hoạch chưa sát thực tế; nguy cơ phát sinh nghèo và tái nghèo vẫn còn ở mức cao…

Mặc dù đánh giá cao nỗ lực của đoàn giám sát về việc "phải thu thập, xử lý khối lượng thông tin khổng lồ về một vấn đề hệ trọng, ảnh hưởng đến đại bộ phận dân cư", nhưng nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc giám sát quá dàn trải, bao gồm cả việc đảm bảo an sinh xã hội, phương thức hoạt động của các hợp tác xã... cần thu hẹp nội dung để Quốc hội nắm rõ và ra Nghị quyết.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Phan Xuân Dũng, việc đầu tư thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay vẫn có tình trạng nơi thừa nơi thiếu. Ví như có xã rất cần giường bệnh lại được giao máy vi tính... Nên các kiến nghị cũng cần phân tích sâu hơn, nêu rõ hướng xử lý cụ thể; đặc biệt lưu ý những bất cập trong Luật Đất đai.

Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội đề nghị, báo cáo cần khát quát được bộ mặt "tam nông" trong 10 năm tới như thế nào và đề xuất giải pháp để người nông dân thoát nghèo bền vững. Bà Mai cho rằng, nhóm cận nghèo rất đông là đặc điểm của dân cư nông thôn Việt Nam. Nhà nước cần có thêm những chương trình hướng đến nhóm đối tượng này. Ngoài ra, có một vấn đề rất quan trọng chưa được đánh giá, đó là năng lực, hiệu quả quản lý của chính quyền nông thôn.

Sau khi tiếp thu ý kiến của UBTVQH, báo cáo giám sát sẽ được trình Quốc hội vào tháng 5 và cuộc thảo luận về vấn đề này sẽ được truyền hình trực tiếp, đây cũng là điểm mới của kỳ họp tới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần