Chính sách ngoại giao nữ quyền: Bí quyết phát triển của Thụy Điển

Tú Anh (ghi)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam (21 - 23/11), Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Margot Wallström đã chia sẻ những kinh nghiệm của nước này trong đảm bảo bình đẳng giới hướng đến phát triển bền vững.

Mở đầu buổi trò chuyện với sinh viên Đại học Ngoại thương Hà Nội hôm 22/11, bà Margot Wallström cho biết: "Một trong những điều thú vị, giàu cảm xúc nhất trong vai trò Bộ trưởng Ngoại giao của tôi là cơ hội được gặp gỡ các bạn trẻ trên khắp thế giới để lắng nghe mong muốn, ước mơ và những dự định mà các bạn trẻ ấp ủ, cũng như những thách thức mà các bạn phải đối mặt”.
Nhận định gì về quan hệ Việt Nam - Thụy Điển trong thời gian qua, bà Margot Wallström cho biết, Thụy Điển là một trong những quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Kể từ năm 1969, Thụy Điển đã liên tục hỗ trợ, gắn bó với Việt Nam thông qua các chương trình hợp tác phát triển, giúp Việt Nam xây dựng hệ thống bệnh viện, phát triển công nghiệp cũng như cải cách trong lĩnh vực nghiên cứu, pháp luật và kinh tế. Trong suốt 30 năm qua, Việt Nam đã có quá trình phát triển nhanh chóng và to lớn.
 Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Margot Wallström

Liên quan đến việc thúc đẩy Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đi vào hiệu quả thực tiễn, theo bà Margot Wallström, Thụy Điển ủng hộ các bên theo đuổi tự do thương mại với kỳ vọng các bên sẽ đạt được những thành quả cùng thắng (win-win). Việc bảo vệ các nguyên tắc của tự do thương mại và hệ thống thương mại đa phương là điều quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế toàn cầu.
Chia sẻ những thành tựu cũng như kinh nghiệm về lĩnh vực bình đẳng giới mà Thụy Điển đã đạt được, bà Margot Wallström cho biết, từ khi nước này đưa ra Chính sách ngoại giao nữ quyền (Feminist Foreign Policy) vào năm 2014, đã có hàng chục quốc gia đưa ra các luật và đề xuất về bình đẳng giới.
 Bà Margot Wallström chụp ảnh lưu niệm với các sinh viên Đại học Ngoại thương

“Chúng ta cũng đã có các mạng lưới những phụ nữ trong vai trò trung gian hoà giải cho các tiến trình hoà bình tại nhiều khu vực Á, Phi, Mỹ La Tinh và Trung Đông", theo bà Margot Wallström. Chính quyền Thụy Điển xác định bình đẳng giới là vấn đề then chốt trong mọi lĩnh vực từ đời sống đến quản trị chính quyền, nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định, phát triển kinh tế, chính trị và ngoại giao. Cho đến nay, phụ nữ giữ tới 50% các vị trí bộ trưởng trong bộ máy chính quyền Thụy Điển và sự hiện diện của nữ giới tại đây ngày càng được tăng cường. "Là một trong những nước cam kết thực hiện thành công Các mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) cho tới năm 2030, Việt Nam chắc chắn đã có những kế hoạch về lĩnh vực này và Thụy Điển luôn sẵn sàng chia sẻ các kinh nghiệm liên quan" - bà Margot Wallström chia sẻ.
 
 
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần