Chính sách nhà ở xã hội: Bàn rồi, xin đừng để đấy!

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần 10 năm kể từ khi Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, các bộ, ngành đã tổ chức nhiều cuộc bàn thảo về giải pháp để hoàn thành kế hoạch đề ra nhưng đến nay công tác phát triển nhà ở cho đối tượng chính sách và những người có thu nhập thấp (hay còn được gọi là nhà ở xã hội – NƠXH) mới thực hiện được chưa đầy một nửa mục tiêu.

 Chính sách về nhà ở xã hội cần sớm đi vào thực tế. Ảnh: Doãn Thành

Không đạt mục tiêu
Mới đây, Bộ Xây dựng đã tổ chức hội nghị thảo luận lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý NƠXH. Qua báo cáo của Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), đến nay, đã có 1.040 dự án đầu tư xây dựng NƠXH dành cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp (bao gồm 507 dự án độc lập và 533 dự án được xây dựng trên quỹ đất 20% của các dự án nhà ở thương mại, phát triển đô thị). Trong đó, đã hoàn thành 248 dự án NƠXH, đang tiếp tục triển khai 264 dự án và 512 dự án chưa triển khai hoặc đang làm thủ tục đầu tư xây dựng. Tuy vậy, với tổng diện tích hơn 5.175.000m2 NƠXH đã xây dựng thì mới chỉ đạt khoảng 41,4% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 (12,5 triệu mét vuông nhà ở).
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, trong nhiều năm qua, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, đặc biệt là NƠXH. Đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi để hỗ trợ các đối tượng chính sách xã hội cải thiện được nhà ở. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế liên quan đến quy định nhóm đối tượng chính sách xã hội; quy định chủ đầu tư các dự án NƠXH phải dành 20% quỹ nhà ở trong dự án; một số thủ tục hành chính còn phức tạp như phải thẩm định về giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua…
Bên cạnh đó, còn có khó khăn, hạn chế về nguồn vốn; quỹ đất do các dự án nhà ở thương mại, dự án khu đô thị tại các đô thị từ loại 3 trở lên mới bắt buộc phải dành diện tích đất cho phát triển NƠXH. Hầu hết các chủ đầu tư dự án có quy mô dưới 10ha đều lựa chọn hình thức nộp tiền thay vì dành quỹ đất hay quỹ nhà trong dự án, dẫn đến việc thiếu quỹ đất cho đầu tư NƠXH … “Vì vậy, các ý kiến đóng góp, đề xuất của địa phương và DN tập trung trực tiếp vào những nội dung cần sửa đổi, bổ sung của Nghị định 100/NĐ-CP để xây dựng được cơ chế, chính sách phù hợp nhất, nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người dân tham gia chính sách, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội” – ông Sinh cho hay.
KTS Trần Huy Ánh – Hội KTS Hà Nội cho biết, thời gian qua, cả nhà quản lý và các chuyên gia đã tốn rất nhiều tâm huyết, tài chính cho công đoạn nghiên cứu giải pháp nhưng sau đó việc đưa vào thực tế thì rất chậm hoặc bị “lãng quên”. Vì vậy, mặc dù đã bàn luận rất nhiều nhưng việc giải quyết các vấn đề về NƠXH, nhà ở cho người thu nhập thấp không mang lại hiệu quả như mong muốn.
Chính sách ưu đãi phải hấp dẫn
Chuyên gia nghiên cứu thị trường BĐS Vũ Quang Vinh cho biết, thời gian qua, những vướng mắc, bất cập về phát triển NƠXH đã được các địa phương và cả nhà đầu tư nhiều lần phản ánh, kiến nghị nhưng chưa có nhiều tiến triển. Các bộ, ngành đã chủ trì tổ chức xây dựng nhiều dự thảo đề cương sửa đổi để tháo gỡ khó khăn nhưng thực tế các DN vẫn không thực sự mặn mà kinh doanh sản phẩm này. “Chính sách ưu đãi đối với NƠXH cần phải có sự hấp dẫn đủ lớn đối với nhà đầu tư, đồng thời phải đi kèm với chế tài vừa để khuyến khích nhưng cũng gắn trách nhiệm của DN” – ông Vinh nhìn nhận.
Chuyên gia tài chính – ngân hàng Bùi Danh Mẫn cho biết, trên thế giới, các nước công nghiệp phát triển như Singapore, Hàn Quốc, Pháp... đều có chính sách NƠXH (social housing) và nhà ở giá thấp (low-cost housing) để giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp (low-income). Với hai loại hình là NƠXH cho thuê và NƠXH cho thuê mua dài hạn, Chính phủ thực hiện chính sách ưu đãi tín dụng dài hạn. Trong đó Singapore là quốc gia có chính sách phát triển NƠXH được cho là hiệu quả nhất, 90% dân số nước này sinh sống tập trung tại các dự án NƠXH.
“Ở Singapore, Chính phủ đã thành lập Ủy ban phát triển nhà là đầu mối duy nhất đứng ra làm nhiệm vụ phát triển hệ thống NƠXH, từ việc lập quy hoạch, thiết kế, thi công cho đến bán hàng và quản lý sau khi bán. Như vậy, tất cả công việc được thống nhất một đầu mối, giảm thời gian, chi phí và hiệu quả cao” – ông Mẫn nói.
Đồng quan điểm KTS Lê Hồng Hiếu – Hội KTS Việt Nam cho biết, hiện nay Bộ Xây dựng đang triển khai soạn thảo kế hoạch phát triển nhà ở thương mại giá thấp (quy định giá bán tối thiểu từ 20 – 25 triệu đồng/m2). Kế hoạch này nên sớm đưa vào triển khai thực tế và lồng ghép với chương trình phát triển NƠXH. “Theo tôi, nên bỏ loại hình NƠXH bán một lần mà thay vào đó là sản phẩm nhà ở thương mại giá thấp. Ở Hàn Quốc đã rất thành công với mô hình này, nhà ở thương mại giá thấp sẽ được bán một lần cho những đối tượng có nhu cầu; còn NƠXH có đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước thì chỉ để cho thuê và thuê mua dài hạn” – ông Hiếu nhìn nhận.

Phát triển NƠXH vừa phải có cơ chế ưu tiên, vừa phải bắt buộc. Đồng thời, cần công khai, minh bạch các dự án NƠXH từ công tác quy hoạch, quy trình thủ tục triển khai đến các đối tượng được thụ hưởng. Nhưng quan trọng nhất là vẫn phải có sự nhất quán về luật tránh sự chồng chéo, gây ra những khó khăn cho DN.

Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính

Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai địa bàn cấp bách nhất về nhu cầu về nhà ở nói chung và NƠXH nói riêng. Cần phải xác định đây là những địa bàn đặc biệt để có cơ chế đặc thù riêng, không thể áp dụng chính sách chung của cả nước đối với hai địa bàn này.

Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần