Phát biểu tại Hội nghị, khối DN FDI cho biết, họ thường lo lắng về sự thay đổi chính sách trong các cam kết của Nhà nước. Chính sách thay đổi nhanh thì DN không dám đầu tư, bởi lộ trình đầu tư thường kéo dài 15 – 20 năm, nhưng cứ 5 năm chính sách lại thay đổi một lần khiến DN không tính được lợi nhuận đầu tư. Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài Nguyễn Mại thông tin, qua điều tra của các tổ chức khác nhau, vẫn còn nhiều vấn đề đang được DN FDI quan tâm như tính ổn định của pháp luật. Điển hình là Luật thuế thay đổi liên tục và quá nhanh, thông tư của Bộ Tài chính ban hành rồi sửa đổi làm DN không kịp trở tay. Thủ tục thông quan hải quan tuy đã được cải tiến, nhưng vẫn mất khá nhiều thời gian so với các nước ASEAN-4. Việc thuê lao động nước ngoài có kỹ năng là cần thiết, nhưng lại xuất hiện quy định từ ngày 1/1/2018 lao động nước ngoài phải đóng bảo hiểm xã hội, đến thời điểm 12/2017 vẫn chưa có thông tư hướng dẫn.
|
Doanh nghiệp trong và ngoài nước trao đổi thông tin tại Hội chợ thương mại quốc tế 2017 tổ chức ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng |
Thay đổi về chính sách thuế là vấn đề được khối DN FDI đề cập khá nhiều. Theo các chuyên gia, những thay đổi này sẽ làm thay đổi toàn bộ kế hoạch kinh doanh ban đầu, do chi phí tăng cao, giảm doanh thu và do đó, giảm tỷ suất lợi nhuận hoặc kéo dài thời gian thu hồi vốn đầu tư. Nhà đầu tư có thể do dự trước những quyết định mở rộng đầu tư vào Việt Nam khi họ đã phải đối mặt với những thay đổi thường xuyên về chính sách hay về thuế suất.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nêu quan điểm, giảm được thủ tục thuế thì bộ máy quản lý hành chính cồng kềnh để vận hành cũng giảm, theo đó giảm chi phí. “Việc làm cụ thể thời gian tới là hoàn thành việc loại bỏ ít nhất 1/2 số mặt hàng thuộc điện kiểm tra chuyên ngành xuất nhập khẩu; đồng thời, chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm” – bà Lan nhấn mạnh.
Cảnh báo nhiều quy định không phù hợp với thông lệ quốc tếĐại diện Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Hà Nội quan ngại, những thay đổi gần đây trong chính sách và các quy định không phù hợp với thông lệ quốc tế. Cụ thể, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt cũng là quy định “không thông dụng và không được khuyến khích”. Chỉ có 4 quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chiếm khoảng 2% dân số khu vực, áp dụng loại thuế này, trong khi nó có tác động không tốt đến nền kinh tế và chưa được chứng minh là giúp bảo vệ sức khỏe.
Giám đốc Liên minh Thuận lợi hóa thương mại Việt Nam Herbert Cochran cho rằng, việc tăng thuế giá trị gia tăng và bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt có thể “lợi bất cập hại”. Các DN nhỏ và vừa trong lĩnh vực này sẽ chịu tổn hại nhiều nhất, thậm chí có thể không tiếp tục hoạt động. Người tiêu dùng có thu nhập thấp sẽ bị ảnh hưởng và tổng thu ngân sách từ thuế của Chính phủ không những không tăng mà có thể giảm xuống. Đó là kinh nghiệm thực tế của Indonesia và Đan Mạch. Mặt khác, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ đối với nước ngọt sẽ tạo ra sự phân biệt đối xử trong ngành thực phẩm và nước giải khát…
Nhiều DN dẫn chứng, theo Nghị định 54/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật dược dành cho khối FDI có nhiều bất cập. Điều 91.10 ghi rõ các DN FDI nhập khẩu thuốc không được thực hiện các hoạt động liên quan trực tiếp đến phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc... Điều này khiến cho các DN đang cung cấp dịch vụ bảo quản thuốc chuyên nghiệp sẽ phải ngừng hoạt động hoặc “thay đổi mô hình kinh doanh”, gây tổn thất cho dự án đầu tư. Các DN nhập khẩu thuốc sẽ phải đầu tư xây dựng hệ thống kho bảo quản mới, và đầu tư nhân lực để tự vận hành hệ thống kho bảo quản đó. Từ đây phát sinh lãng phí và thiếu hiệu quả do không đạt quy mô tối thiểu để hoạt động kinh tế. Chi phí trên mỗi đơn giá thuốc sẽ tăng, giá thuốc sẽ tăng làm giảm khả năng chi trả cho các sản phẩm thuốc của người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp.