Chính sách thuế không ổn định: Doanh nghiệp kêu khó

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ghi nhận những thay đổi nhanh chóng về chính sách thuế, hải quan theo hướng có lợi cho DN, tuy nhiên, tại Hội nghị Đối thoại DN - Hải quan -Thuế ngày 27/11, cộng đồng DN lại nêu ra một thực tế là các văn bản thay đổi quá nhanh, nhiều quy định vừa ra đã sửa đổi, bổ sung khiến DN chóng mặt.

Đặc biệt, có tình trạng, có nhiều văn bản khác nhau trong một số lĩnh vực nhưng lại không rõ ràng, cụ thể, thậm chí chồng chéo.

Thay đổi bước đầu

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 19/2017, Bộ Tài chính đã rà soát, chuẩn hóa 300 thủ tục hành chính, trong đó cấp tổng cục là 12 thủ tục, cấp cục thuế là 165 thủ tục và cấp chi cục thuế là 123 thủ tục; đã thực hiện khai thuế điện tử đối với hơn 622.600 DN, đạt 99,64% trên tổng số DN đang hoạt động.

Đối với ngành Hải quan, đã tiếp tục triển khai thực hiện thủ tục hải quan điện tử tại tất cả các đơn vị hải quan. Đến nay đã có trên 8,86 triệu tờ khai xử lý trên hệ thống VNACCS/VCIS với khoảng 74.600 DN tham gia, hơn 573.000 hồ sơ xử lý qua Cơ chế một cửa quốc gia với sự tham gia của hơn 14.700 DN.

Doanh nghiệp làm thủ tục về thuế tại Cục Thuế TP Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Khảo sát trên 22.000 DN của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, những thay đổi về chính sách pháp luật thuế, hải quan thời gian gần đây đã theo hướng tạo điều kiện cho DN. Tại buổi đối thoại, đại diện các DN, đặc biệt khối DN FDI đánh giá cao những nỗ lực cải cách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN của cơ quan thuế, hải quan. Đại diện công ty TNHH Canon Việt Nam chia sẻ: “Tại cuộc đối thoại năm 2016, chúng tôi đã đưa ra khoảng 20 kiến nghị về chính sách với cơ quan thuế, hải quan và các kiến nghị này đã được Bộ Tài chính xem xét một cách thấu đáo. Nhiều chính sách đã thay đổi, bản thân DN đã tháo gỡ được rất nhiều khó khăn.”.

Văn bản nhiều vẫn thiếu

Tuy nhiên, bản thân những thay đổi nhanh chóng cũng khiến DN gặp khó khăn trong việc cập nhật thông tin để tuân thủ. “Có nhiều nghị định, thông tư về thuế vừa ra đã chỉnh sửa bổ sung. Điều này khiến DN không kịp nắm bắt các thay đổi về thủ tục, chính sách thuế nói riêng và thay đổi pháp luật liên quan đến sản xuất, kinh doanh nói chung” - Phó Chủ tịch VCCI Đào Duy Khương cho hay.

Một thực tế nữa cũng được DN nêu ra là các thông tư hướng dẫn về thuế của Bộ Tài chính thường được ban hành chậm hơn so với thời hạn hiệu lực thi hành khiến các DN phải điều chỉnh nhiều nghiệp vụ kinh tế đã phát sinh và phải điều chỉnh hóa đơn, chứng từ. Thậm chí, quy định chưa rõ ràng, cụ thể hoặc chồng chéo dẫn đến DN khó thực hiện. Ví dụ, như luật quy định giá mua bán hàng hóa dựa trên cơ sở thỏa thuận, thống nhất giữa người mua và người bán. Tuy nhiên, Luật Thuế Thu nhập DN và Thu nhập cá nhân lại không cho bán dưới giá vốn và yêu cầu người bán phải nộp thuế theo việc áp giá của cơ quan Thuế. Trong khi, người mua chỉ dùng giá mua làm chi phí khấu hao.

Trong lĩnh vực hải quan, DN thường bị động về thông tin chính sách mới. Chính sách hải quan có nhiều thay đổi nhưng chưa phổ biến rộng rãi, DN chưa tiếp cận được và gặp khó khăn trong tìm thông tin về các buổi trao đổi, tập huấn của các cơ quan liên quan đến chính sách, thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa.

Băn khoăn về thuế giá trị gia tăng

Bên cạnh nỗ lực của cơ quan thuế, hải quan, các DN cũng phản ánh nhiều khó khăn, vướng mắc đối với một số quy định về thuế GTGT. Cụ thể, các DN cho rằng điều kiện hoàn thuế GTGT cho DN còn hạn chế. Ví dụ, trong vòng 2 - 3 quý liên tiếp, DN chưa khấu trừ hết thì đủ điều kiện được hoàn thuế. Do vậy, DN kiến nghị cơ quan thuế nên phân loại DN và phân loại số tiền được đề nghị hoàn để quy định thời gian được đề nghị hoàn thuế GTGT cho từng loại DN được phù hợp hơn.

Đại diện Tổng Công ty 319 Bộ Quốc phòng cho biết, các dự án bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, các dự án ODA thuộc diện chịu thuế GTGT… là các dự án được Kho bạc Nhà nước khấu trừ số tiền thuế GTGT vãng lai ngoại tỉnh 2%. Tính đến tháng 9/2017, Tổng Công ty 319 đã nộp thừa số thuế GTGT vãng lai ngoại tỉnh lên đến hơn 38 tỷ đồng, song điều đáng nói là theo quy định tại công văn số 272/TCT-KK ngày 20/01/2017 của Tổng cục Thuế thì Tổng Công ty không được hoàn thuế. Khảo sát của VCCI cũng cho thấy nhiều DN phản hồi việc trích nộp thuế GTGT vãng lai mỗi lần thanh toán qua kho bạc sẽ bị chênh lệch so với tờ khai vãng lai.

Tại buổi đối thoại, đại diện Bộ Tài chính, thuế, hải quan đã trực tiếp đã trả lời các thắc mắc của DN. Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho rằng, thời gian qua, Bộ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tuy nhiên, trong bối cảnh CNTT phát triển như hiện nay, Bộ cũng sẽ tiếp tục đổi mới cách thức tuyên truyền để người nộp thuế cập nhật tốt hơn các chủ trương, chính sách. Cùng với đó, ngành tài chính tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển DN, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của DN. “Trước mắt, phấn đấu đạt mục tiêu môi trường kinh doanh bằng mức trung bình ASEAN-4, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu còn 70 giờ, hàng hóa nhập khẩu còn 90 giờ, triển khai hóa đơn điện tử, hoàn thuế điện tử đạt tối thiểu 70% về số thủ tục và 70% về số hồ sơ hoàn thuế GTGT điện tử giải quyết trong quý IV/2017”- bà Mai nhấn mạnh.

Theo Dự thảo sửa đổi Luật Thuế TNDN, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng chỉ được trừ một phần nhất định khi tính thuế TNDN, thay vì được trừ toàn bộ như hiện nay. Điều này sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của DN, cổ tức của cổ đông, trong đó có cổ đông Nhà nước và rộng hơn sẽ tác động đến nền kinh tế. Chúng tôi kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi đề xuất này để tạo điều kiện cho các ngân hàng trong trích lập dự phòng rủi ro.
Đại diện BIDV
Việc áp dụng CNTT trong công tác quản lý được DN phản ánh gặp khó khăn do không được hỗ trợ về mặt thuế. Ví dụ, như việc phê duyệt các chứng từ online nhưng vẫn yêu cầu in ra và ký trên giấy. DN đề xuất các chứng từ đã được phê duyệt online theo quy trình của DN nên được xem là chứng từ hợp pháp về mặt thuế.
Phó Chủ tịch VCCI  Đoàn Duy Khương