Chính sách tiền lương vừa phải phù hợp đặc thù, vừa đáp ứng nhu cầu hội nhập

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 13/12, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Cải cách chính sách tiền lương - Kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam”, do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam và Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công (BCĐ T.Ư) phối hợp tổ chức.

Chủ trì hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị-Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: Tiền lương vừa là một phạm trù kinh tế vừa có ý nghĩa tác động xã hội rất sâu sắc; chính sách tiền lương là một cấu thành của chính sách kinh tế xã hội của đất nước.
 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội thảo
Là phạm trù kinh tế nên tiền lương cũng phải tuân thủ những nguyên tắc, quy luật kinh tế khách quan. Thể chế kinh tế của Việt Nam là thể chế kinh tế thị trường XHCN, trong đó có vai trò của thị trường, của Nhà nước; nền kinh tế thị trường hiện đại hội nhập quốc tế nên chính sách tiền lương cũng phải phù hợp đặc thù của Việt Nam, vừa phải đáp ứng được nhu cầu hội nhập quốc tế. Trong quá trình phát triển, Việt Nam đã mấy lần cải cách chính sách tiền lương, vào các năm 1960, 1985, 1993; sau đó có một số điều chỉnh lớn vào năm 2004, và từ đó đến nay có một số điều chỉnh về tiền lương cơ sở, chính sách về phụ cấp… Trong nhiệm kỳ 2011-2015, Chính phủ đã nỗ lực nhiều lần nghiên cứu vấn đề này và trình Ban chấp hành T.Ư, nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, chất lượng Đề án cải cách tiền lương cùng những điều kiện cần và đủ chưa tạo được sự đồng thuận cao, T.Ư chưa ra được quyết sách về vấn đề này.
Theo Phó Thủ tướng, dự kiến vấn đề này được bàn và quyết sách vào Hội nghị T.Ư 7 (sẽ diễn ra tháng 5/2018), trong đó sẽ trình hai đề án: Đề án “Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ công chức (CBCC), lực lượng vũ trang và khu vực sản xuất kinh doanh”; Đề án “Cải cách chính sách BHXH của Việt Nam”. Ban Chỉ đạo T.Ư về cải cách chính sách tiền lương được Chính phủ và Thủ tướng giao trọng trách chuẩn bị Đề án này. Quá trình chuẩn bị đã khởi động khá lâu, đặt hàng nhiều chuyên đề cụ thể từ các chuyên gia có uy tín trong nước và tranh thủ nhiều kinh nghiệm quốc tế, nhiều đoàn T.Ư và bộ ngành đi khảo sát tại nước ngoài như Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc… Đề án này hiện đang trong quá trình hậu kỳ để lấy ý kiến các thành viên BCĐ, sau đó lấy ý kiến rộng rãi hơn, để trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, sau đó trình Hội nghị T.Ư Đảng.
“Cải cách chính sách tiền lương ở Việt Nam cũng như các nước khác chưa bao giờ dễ dàng nếu không nói là hết sức khó khăn, là vấn đề lớn, có tác động rất nhiều mặt, phạm vi rất rộng; liên quan đến nhiều vấn đề chính sách và cả kỹ thuật. Vì vậy, cần được tổ chức nghiên cứu một cách rất khoa học và thận trọng; trong đó, cần đánh giá rất kỹ lưỡng thực trạng hiện nay của hệ thống chính sách tiền lương của nước ta, những vấn đề đã đạt được trong quá trình cải cách lĩnh vức quan trọng này, những tồn tại, yếu kém và bất cập hiện nay, đúc rút những kinh nghiệm và bài học cần thiết.
Đồng thời, cần triệt để nghiên cứu, tích cực tiếp thu những kinh nghiệm tốt trên thế giới để có thể có những kiến nghị đề xuất, thiết kế được hệ thống chính sách tiền lương phù hợp thực tiễn của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu đặt ra. Chính sách này làm sao phải đảm bảo được những vấn đề có tính quy luật trong cải cách chính sách tiền lương đồng thời phù hợp đặc thù nước ta về điều kiện, trình độ phát triển kinh tế xã hội của nước ta; vừa phù hợp tính chung của cả nước, vừa phù hợp đặc thù từng ngành từng lĩnh vực, cả khu vực công (giữa công chức với viên chức, giữa công chức viên chức với lực lượng vũ trang và giữa công chức viên chức với các cơ quan khác trong hệ thống), cũng như trong khu vực sản xuất (giữa DN nhà nước với DN khác)”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo BCĐ T.Ư, hội thảo này là một trong những hoạt động quan trọng thuộc Kế hoạch của BCĐ trong quá trình tổng kết, đánh giá thực trạng chính sách tiền lương ở Việt Nam và là một diễn đàn có ý nghĩa rất quan trọng với sự tham gia đông đảo đại biểu là các chuyên gia quốc tế, các thành viên BCĐ, Ban Soạn thảo, Tổ biên tập, các chuyên gia nòng cốt, đạt diện các cơ quan tham gia xây dựng Đề án.