Chính sách tiền tệ linh hoạt và thận trọng

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với các giải pháp điều hành tiền tệ thận trọng, linh hoạt, nhiều đổi mới, hệ thống ngân hàng tiếp tục gặt hái được nhiều thành công trong năm 2017.

Bước sang năm 2018, kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới, đòi hỏi hoạt động quản lý, điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) phải chặt chẽ, linh hoạt trong việc thiết kế chính sách.
Giữ vững các cân đối lớn
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết: “Tín dụng 2017 tăng trưởng hợp lý ở mức 18,17%. Nếu không tính khoản tín dụng ủy thác, tín dụng thực tế thì tăng 17,5%. Đây là chỉ số phù hợp với định hướng của NHNN và chỉ đạo của Chính phủ. Bên cạnh đó, tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh (chiếm khoảng 80% tổng dư nợ), trong đó tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ diễn biến tích cực như khuyến khích cho vay nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch nhằm nâng cao giá trị nông nghiệp. Trong khi đó, tín dụng đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như kinh doanh bất động sản, chứng khoán được kiểm soát.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng. 
Tính đến 30/12/2017, toàn hệ thống xử lý được trên 50.000 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42/2017/QH14 chủ yếu từ nguồn khách hàng trả nợ và xử lý bằng nguồn dự phòng của TCTD (chiếm trên 80%). Các ngân hàng như VietinBank, Vietcombank, Agribank, BIDV, Techcombank… đã tập trung tự xử lý nợ xấu quyết liệt.
Theo người đứng đầu NHNN, thời gian qua, Chính phủ kiên định, nhất quán quan điểm chính sách, mục tiêu giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo môi trường cho kinh tế phát triển bền vững, ổn định niềm tin của nhà đầu tư. Từ quan điểm này, ngành ngân hàng đã triển khai những giải pháp để không có biến động lớn về thanh khoản hay tỷ giá, thị trường ngoại tệ đã hoạt động thông suốt. Dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục trên 53 tỷ USD, cùng với đó, các tổ chức quốc tế đánh giá VND ổn định nhất châu Á. Thị trường vàng tiếp tục diễn biến ổn định. Nhu cầu vàng miếng trong nền kinh tế ngày càng suy giảm. Mặt bằng lãi suất cho vay giảm trong năm 2017 từ 0,5 - 1%/năm và tiếp tục giảm trong những ngày đầu năm 2018. Mới đây nhất, nhằm hỗ trợ thêm điều kiện để các tổ chức tín dụng xem xét giảm lãi suất cho vay, NHNN đã giảm lãi suất cho vay trên thị trường mở (OMO) từ 5%/năm xuống 4,75%/năm. Việc điều chỉnh lãi suất OMO cũng diễn ra trước mùa cao điểm thanh toán và chi trả cuối năm, cận Tết Nguyên đán.
Kiên định mục tiêu đảm bảo an toàn hệ thống
Bước sang năm 2018, bối cảnh kinh tế thế giới được dự báo còn diễn biến khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó đáng chú ý là việc các ngân hàng T.Ư thắt chặt CSTT. Trước biến động khó lường của thị trường tài chính quốc tế, NHNN sẽ tiếp tục kiên định mục tiêu dài hạn là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. NHNN phối hợp đồng bộ và nhịp nhàng với  chính sách tài khóa cũng như các chính sách khác, nâng cao năng lực phân tích, dự báo, quản lý giám sát...
Hoạt động nghiệp vụ tại chi nhánh VietcomBank Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải.
Triển khai nhiệm vụ năm 2018, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, NHNN định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16%, tín dụng tăng khoảng 17%, tùy theo tình hình thị trường sẽ được điều chỉnh linh hoạt. Đồng thời, kiểm soát chặt tốc độ tăng trưởng và chất lượng tín dụng của toàn hệ thống, cũng như từng tổ chức tín dụng (TCTD); Chú trọng đưa tín dụng vào đúng lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Theo Thống đốc, công tác xử lý nợ xấu bước đầu đã đạt kết quả khả quan, NHNN vẫn đặt nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018 là tiếp tục hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt và triển khai thực hiện phương án xử lý TCTD yếu kém, đặc biệt là 3 ngân hàng được mua lại… Triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp mua, bán, xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường đảm bảo khách quan, minh bạch và tuân thủ quy định của pháp luật. “Năm 2018, công tác cơ cấu lại và xử lý nợ xấu cần được thực hiện nhanh và quyết liệt hơn nữa” - Thống đốc nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ngành ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động thanh toán; Đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử, thanh toán thẻ; Rà soát, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật về an ninh, an toàn, bảo mật thông tin liên quan tới thanh toán điện tử, thanh toán thẻ, ứng dụng công nghệ nhằm đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, trung gian thanh toán.