Chính thức bỏ “viên chức suốt đời”

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức sửa đổi được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020. Theo đó, sẽ có nhiều chính sách mới tác động trực tiếp đến mọi cán bộ, công chức, viên chức từ năm 2020.

“Viên chức suốt đời” chỉ còn áp dụng với 3 trường hợp
Theo Luật mới này, từ tháng 1/7 năm nay, vẫn giữ nguyên hai loại hợp đồng làm việc là không xác định thời hạn và xác định thời hạn với viên chức. Tuy nhiên, hợp đồng không xác định thời hạn hay “chế độ viên chức suốt đời” chỉ còn được áp dụng với 3 trường hợp: Viên chức được tuyển dụng trước ngày 1/7/2020; cán bộ, công chức chuyển thành viên chức; viên chức được tuyển dụng làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Ngoài những trường hợp trên, viên chức mới trúng tuyển từ ngày 1/7/2020 đều phải ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn với khoảng thời gian từ đủ 12 - 60 tháng. Như vậy, sau năm 2020 sẽ không còn những hợp đồng không xác định thời hạn với viên chức. Đây cũng là nội dung nhận được sự quan tâm rất nhiều của các đại biểu Quốc hội cũng như dư luận trong suốt quá trình hoàn thiện Luật.
 Nhân viên làm việc tại Bệnh viện đa khoa Đống Đa. Ảnh: Chiến Công
Nhiều quan điểm đã dẫn ra còn bộ phận không nhỏ công chức, viên chức làm việc không hiệu quả, bộ máy cồng kềnh nhưng rất khó thực hiện sàng lọc để loại bỏ những người không xứng đáng ra khỏi khu vực hưởng lương từ ngân sách, vì chỉ chưa đến 1% cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ. Nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra, trong đó có việc hợp đồng “viên chức suốt đời” khiến nhiều người yên tâm, “chắc chân” và làm việc theo kiểu cầm chừng. Bỏ “viên chức suốt đời” là một quy định được đánh giá là cần thiết lúc này và góp phần cùng các giải pháp khác để cơ cấu, nâng cao chất lượng đội ngũ trong thời gian tới.
Kiểm định chất lượng đầu vào công chức

Cùng với quy định trên, từ 1/7, nhiều quy định khác của Luật cũng được thực thi và có những tác động nhất định đến hệ thống công chức, viên chức. Cụ thể, thu hẹp các đối tượng công chức với việc không còn quy định người được tuyển dụng, bổ nhiệm làm lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập là công chức. Công chức sẽ được nâng ngạch cao hơn trong quá trình làm việc theo 2 cách là thi tuyển và xét tuyển.
Luật và các văn bản quy định chi tiết đã phân cấp cho cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức trong công tác tuyển dụng. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm tổ chức tuyển dụng đối với công chức thuộc phạm vi quản lý, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện do Chính phủ quy định và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan có thẩm quyền trong việc tổ chức thực hiện. Đồng thời, đã bổ sung quy định về thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức theo lộ trình, bảo đảm công khai, minh bạch, thiết thực, hiệu quả. Đây là quy định mới nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác tuyển dụng thời gian vừa qua.
Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, Luật đã bổ sung quy định đánh giá theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Cùng với đó, bổ sung quy định cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm gắn với hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật.

Để thống nhất về việc xử lý người có hành vi tham nhũng, Luật đã bổ sung quy định trường hợp cán bộ bị kết án về tội phạm tham nhũng thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.