Chợ bán lẻ ế ẩm, chợ đầu mối đắt khách

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Vin vào giá xăng tăng, giá nhiều tiểu thương tại các chợ bán lẻ cũng điều chỉnh tăng giá một số loại thực phẩm khiến người dân lại càng thắt chặt chi tiêu và tính toán hơn trong việc mua sắm.

Xăng tăng kéo theo nhiều mặt hàng thực phẩm cũng tranh thủ tăng giá khiến người tiêu dùng chuyển sang các chợ đầu mối mua hàng với giá rẻ hơn, các chợ bán lẻ cũng vì thế mà ế ẩm.

Chợ bán lẻ ế ẩm

Vin vào giá xăng tăng, giá nhiều tiểu thương tại các chợ bán lẻ cũng điều chỉnh tăng giá một số loại thực phẩm khiến người dân lại càng thắt chặt chi tiêu và tính toán hơn trong việc mua sắm.

Chị Hòa, một tiểu thương tại chợ Thành Công cho biết, sáng sớm chị đã phải đi lấy hàng ngoài chợ đầu mối về để bán, nhưng đến hết buổi chiều, nhiều loại rau vẫn còn chất đầy sạp vì không có mấy người mua.

"Tôi không dám tăng giá nhiều mặt hàng mà chỉ tăng giá một vài loại thôi vì sợ khách hàng bỏ đi hết, thế mà lượng khách vẫn ít, lượng hàng bán ra cũng không được như trước nữa, có hôm đến cuối ngày phải bán rẻ cho vơi bớt hàng, sáng hôm sau còn lấy hàng mới.” Chị Hòa nói.

Không chỉ các loại rau củ quả bán chậm, các loại thịt, cá cũng lâm vào tình trạng tương tự. Cứ mặt hàng nào điều chỉnh tăng giá là lượng khách hàng ít hẳn.

 

Chị Hạnh, một tiểu thương bán hải sản tại chợ Cầu Giấy than thở: “Từ tuần trước giá các loại hải sản đã tăng thêm từ 5.000-10.000 đồng/kg do chi phí vận chuyển tăng, đây là mức tăng khá cao nên hàng bán cũng chậm hẳn. Ngồi cả buổi chiều mà chỉ bán được mấy 2, 3 kg tôm, ngao vẫn còn nhiều. May mà mùa này trời chưa nóng nên hàng cũng không bị hỏng nhanh.”.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại nhiều chợ, lượng khách đã giảm đi đáng kể dù trước đây không khí mua bán vốn sôi động cả sáng lẫn chiều. Các tiểu thương cũng vì thế mà không dám nhận hàng về nhiều vì lo ế và cũng không dám mạnh tay điều chỉnh tăng giá thêm nữa vì nguồn cung cũng đang dồi dào.

“Nguồn cung rau hiện nay vẫn khá dồi dào nhưng tôi không dám nhập hàng về nhiều như trước vì sợ ế, nhất là kinh doanh rau củ để qua 1, 2 ngày là rau hỏng, lại phải bán lỗ vốn.” Chị Hòa nói.

Chợ đầu mối đắt khách

Chợ đầu mối bắt đầu từ 2, 3 giờ và kết thúc khoảng 6, 7 giờ sáng. Chợ đầu mối là địa điểm thường chỉ dành cho những dân buôn lấy hàng nhưng trong thời buổi phải thắt chặt chi tiêu khi giá cả tăng cao, thực phẩm ở các chợ lẻ, chợ dân sinh đắt đỏ, người dân đổ xô đến các chợ đầu mối..

Những ngày gần đây, các chợ đầu mối như Ngã Tư Sở, Long Biên, Lĩnh Nam, Dịch Vọng, Mai dịch, Phùng Khoang... không chỉ thu hút dân buôn lấy hàng mà cả những người dân xung quanh cũng tìm đến mua thực phẩm, hoa quả vào buổi sáng. Đa số họ là những người nội trợ về hưu, công nhân, sinh viên tranh thủ vào buổi sáng sớm đi chợ để mua được thực phẩm tươi với giá rẻ.

Người dân đến các chợ đầu mối để mua các thực phẩm cho cả ngày ăn, thậm chí 2, 3 ngày sau. Những thứ có thể tích trữ được, giữ lâu như các loại củ, đồ khô bán chạy hơn là rau xanh. Mặc dù mua lẻ nhưng người dân đến chợ đầu mối mua hàng có thể mua hàng bán lẻ với giá bán buôn.

"Các bà nội trợ và sinh viên quanh khu vực Ngã Tư Sở mấy ngày gần đây đến đây mua rau đông lắm. Tầm khoảng 5 giờ đến 6 giờ sáng là đông nhất. Giá cho những người mua lẻ, nếu mua 1,2kg thì chỉ cao hơn một tí so với dân buôn, nếu mua nhiều hơn tôi cũng bán cho họ với giá bán buôn," chị Lanh, người bán buôn rau ở chợ Ngã Tư Sở nói.

Bác Tâm, một người thường xuyên đi mua rau tại chợ đầu mối Dịch Vọng chia sẻ: “Tôi hay đi vào ngày thường, tầm 7 giờ, lúc ấy ai bán buôn còn hàng họ cũng bán rẻ để về, mua lúc đó rẻ hơn được rất nhiều. Những ngày cuối tuần thì lại khác, đông người đi mua hơn nên nếu đi muộn lại hết hàng để mua thì tôi đi sớm hơn.”

"Nếu mua ở chợ bán lẻ khoai tây phải 10.000-12.000 đồng/kg thì ở các chợ đầu mối chỉ 6.000-7.000 đồng/kg, rau xanh cũng rẻ hơn 1.000-3.000 đồng/mớ, không chỉ rau xanh, thịt tại chợ đầu mối cũng rẻ hơn, thịt lợn chỉ khoảng từ 70.000-90.000 đồng/kg, trong khi ở chợ bán lẻ phải 100.000-130.000 đồng/kg, nhìn chung mỗi thứ rẻ hơn 1/3 so với chợ bán lẻ." Bác Tâm nói.

Theo bác Tâm tính toán, nếu đi chợ cho một gia đình có 6 người thường phải hết ít nhất 150.000 đồng mới đủ mua thực phẩm cho một ngày, còn đi chợ đầu mối với khoản tiền ấy có thể mua thêm cả rau xanh cho 2, 3 ngày sau nữa. Vì thế, việc đi chợ đầu mối đã thành thói quen của bác để chi tiêu tiết kiệm hơn.

Theo những người bán hàng tại các chợ đầu mối, chợ thường họp ngay đường và khoảng 6, 7 giờ phải tan chợ nên họ luôn mong bán hàng hết nhanh còn về, không vì thấy đông khách mà đẩy giá lên cao như các chợ bán lẻ, chính vì thế ngày càng có nhiều người lựa chọn chợ đầu mối thay vì các chợ bán lẻ hơn./.