Chợ cóc phục vụ cho khách đi tập thể dục

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngay trước cổng công viên Thống Nhất (phố Đại Cồ Việt), một chợ “cóc” với quy mô thực sự mọc lên mỗi sáng với đủ các loại mặt hàng từ quần áo, rau quả, ngô khoai đến thịt cá...

KTĐT - Ngay trước cổng công viên Thống Nhất (phố Đại Cồ Việt), một chợ “cóc” với quy mô thực sự mọc lên mỗi sáng với đủ các loại mặt hàng từ quần áo, rau quả, ngô khoai đến thịt cá...

Sáng sớm, khu vực quanh công viên Tuổi Trẻ, Thống Nhất ... thường tấp nập, nhộn nhịp bởi những chợ cóc chủ yếu phục vụ cho khách đi tập thể dục.

Hàng ngày, “chợ công viên” thường họp từ 5 giờ đến gần 8 giờ sáng hay “khi nào hết người đi tập thể dục”, một chị bán cam trước cổng công viên Tuổi trẻ (Võ Thị Sáu, Hà Nội) cho biết. Hầu hết những người đến bán hàng đều là gánh hàng rong.

Sáng sớm, họ đạp xe hoặc quẩy gánh ra đây bán cho những người đi tập thể dục. Công viên vắng người thì họ lại đi bán rong trên đường phố. Do chỉ là sự tập hợp của những xe hàng rong nên mặt hàng ở đây khá đơn giản, chỉ là hoa quả, quần áo và các vật dụng gia đình.

Ngay trước cổng công viên Thống Nhất (phố Đại Cồ Việt), một chợ “cóc” với quy mô thực sự mọc lên mỗi sáng với đủ các loại mặt hàng từ quần áo, rau quả, ngô khoai đến thịt cá... Bên cạnh những gánh hàng, bạt hàng rong “tá túc”, có một bộ phận không nhỏ những người bán hàng từ các chợ ra đây kinh doanh. Chị Tuyết, một người bán cá ở đây chia sẻ: “Ngồi ngoài mặt đường thế này dễ bán hơn, chợ trong ngõ nên khuất. Tầm 7 rưỡi, 8 giờ sáng thì lại vào chỗ trong chợ ngồi bán”.

Giá cả tại các khu chợ này khá phải chăng, ngang bằng hoặc thấp hơn đôi chút so với giá các mặt hàng cùng loại tại các chợ dân sinh. Cụ thể, áo len, áo nỉ và bộ đồ mặc ở nhà có giá từ vài chục đến hơn một trăm ngàn, tùy kiểu dáng và chất lượng. Một bộ quần áo gió hay áo rét, giá từ 150.000 đến 250.000 đồng; quần áo trẻ em từ 25.000 – 50.000 đồng; mỗi cân cam có giá từ 20.000 – 25.000 đồng tùy cam sành hay cam đường; rau muống, rau cải, giá 3000 – 5000 đồng một mớ; giá các loại thịt lợn từ 55.000 đến 80.000 đồng một cân...

Một người bán quần áo trước cổng công viên Thống Nhất cho biết: “Tôi chỉ bán ở đây chốc lát lúc sáng sớm nên cũng không mất phí, nhờ thế mà hàng hóa vẫn như những nơi khác nhưng có một số mặt hàng, giá giảm hơn chút đỉnh”. Bên cạnh lý do không mất “phí” chỗ ngồi hoặc vé chợ, một lý do khiến các gánh hàng rong thường tụ tập tại khu vực quanh các công viên vào đầu giờ sáng là bởi: “Sáng sớm ngày ra, có đi bán dạo cũng chẳng có mấy khách, người ta còn vội đi làm, ai dừng lại ngang đường mua đâu”, chị Hà, quê Hà Nam, bán chuối tại cổng công viên Tuổi trẻ tâm sự.

Trong khi đó, nếu đến cổng công viên, người dân đi tập thể dục đông nên lượng khách cũng nhiều hơn và dễ mua bán. Một người bán quần áo ở công viên Tuổi trẻ chia sẻ: “Đi bán dạo khó tạo được khách quen lắm. Tôi ngồi cố định một chỗ thế này mỗi sáng, quen khách nên bán được hơn. Nhiều người đi tập thể dục ghé mua, hôm sau lại rủ cả vài người nữa ra mua hàng”.

Đối với những người đi tập thể dục buổi sáng, khu chợ kiểu này cũng là một lựa chọn thú vị. “Mình đi tập về rồi còn vòng vào chợ mua đồ ăn thì nhiều hôm bị muộn giờ làm. Tập xong, mua thực phẩm ngay tại cổng công viên thế này cũng tiết kiệm được chút thời gian”, chị Thúy, thường đến công viên Thống Nhất tập thể dục mỗi sáng nói.

Tuy nhiên không phải ai cũng tỏ ra thích thú với những chợ cóc tự phát kiểu này, đặc biệt là những người thường xuyên đi làm, đi học qua các tuyến đường này vào mỗi buổi sáng sớm. “Mỗi khi đi đến đoạn này (cổng công viên Thống Nhất trên đường Đại Cồ Việt), mình sợ nhất là mấy người đang đi xe bỗng phanh gấp hay xe tạt ngang vào cổng công viên để mua hàng”, Tuyết, một sinh viên ngành truyền thông ngày nào cũng đi học qua đây chia sẻ.