Chợ đầu mối hoa quả cầu Bính, TP Hải Phòng: Có hay không việc làm luật thu tiền?

Vĩnh Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong vai một tiểu thương buôn bán hàng hoa quả tại chợ đầu mối hoa quả cầu Bính thuộc phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng, Hải Phòng, phóng viên tận mắt chứng kiến tình trạng để đưa hàng vào chợ bán phải qua rất nhiều công đoạn thu tiền. Trong đó có những khoản tiền thu không nằm trong quy định và không có hóa đơn chứng từ.

Sân sau "bóp chết" sân trước
Chợ đầu mối hoa quả cầu Bính là nơi buôn bán hoa quả lớn nhất ở Hải Phòng đi các tỉnh, thành trên cả nước, được đưa vào sử dụng đầu năm 2018. Chợ có khoảng 500 tiểu thương đang kinh doanh, hoạt động từ 12 giờ đêm cho tới sáng. Theo chân các tiểu thương từ buôn bán củ, quả, phóng viên được biết, bất kỳ ai cũng có thể vào mua bán tại khu sân sau này nhưng phải trả rất nhiều phí. Cụ thể, phí chỗ ngồi cho một lốt thời vụ là 200.000 đồng, đối với xe tải từ 5 tấn trở lên phải trả cho một đêm là 100.000 đồng, dưới 5 tấn thu 50.000 đồng.
 Hoạt động tại chợ đầu mối Hải Phòng. Ảnh: Vĩnh Quân
Tại chợ có một nhóm người xưng đại diện cho Công ty Phương Nghĩa (chủ đầu tư tại chợ đầu mối) đứng ra để thu tiền của các tiểu thương và có người xưng là Lợi (đại diện bên giám sát xã hội - Công ty) đứng ra ghi sổ ngay khi các tiểu thương đưa hàng vào chợ. Theo ông này, mỗi xốp (1 thùng hàng) sẽ được Ban quản lý thu từ 20.000 – 30.000 đồng. Cứ như vậy, số tiền được nhân lên với số xốp, đến khoảng 4h sáng thì nhóm người này bắt đầu đi thu tiền. Mỗi tiểu thương được nhóm người xé vé và dán trực tiếp từng xốp hoa quả. Có điều tại đây thu khác so với thực tế ghi trên vé. Nếu trên vé ghi 100.000 đồng thì đại diện của Ban quản lý lại thu 200.000 đồng, vé mệnh giá là 50.000 đồng nhưng thu 100.000 đồng.

Ghi nhận của phóng viên cho thấy, việc thu này không theo quy định có sẵn nào, mà tùy vào từng mặt hàng mỗi tiểu thương mang đến. Một người đàn ông bán củ quả cho biết, bán su hào ở chợ theo thời vụ, mỗi tháng cả vé xe ô tô và chỗ ngồi được gói gọn với giá 2.000.000 đồng. Mặc định là vậy, nhưng phía Ban quản lý chợ vẫn thu theo ngày, còn mua lốt có giá cố định là 5.000.000 đồng trọn gói. Nhiều tiểu thương có vài chục xốp sẽ phải trả giá tới 600.000 đồng/đêm, bởi cứ mỗi xốp bị thu 20.000 – 30.000 đồng nhưng thực tế họ nhận lại vé tổng cộng 200.000 đồng. Được biết, giá vé được công ty phát ra có nhiều mệnh giá, thấp nhất là 10.000 đồng, cao nhất là 200.000 đồng. Một vấn đề đặt ra là với mệnh giá cao nhất 200.000 đồng được phát cho các tiểu thương thì số tiền mà Ban quản lý thu được với mỗi xốp từ 20.000 – 30.000 đồng sẽ đi về đâu? Tuy nhiên, phần lớn các tiểu thương đều tỏ ra thờ ơ hoặc không quan tâm đến tấm vé do Ban quản lý đã xé cho họ, mà chỉ mặc định cứ đưa vé là cầm, cốt sao không làm mất vé để không bị nộp phí lần 2.

Phí cõng phí

Người đàn ông tên S. cho biết, ông này nhận là thu tiền ở vòng ngoài chợ. Theo ông S., tiền phí đối với loại xe 4 bánh là 1.000.000 đồng/xe/buổi, loại xe 3 bánh là 800.000 đồng/xe/buổi. Số tiền này phải nộp cho một người tên là Hợi vào khoảng 7 giờ sáng mỗi ngày và không có bất kỳ giấy tờ nào đưa cho lái xe. Bên cạnh đó là việc nộp phí bốc xếp, nếu xốp to (1 thùng hàng khoảng vài chục kg) thu 6.000 đồng, 5.000 đồng/xốp bé. Ông S. cũng cho biết, ở chợ mỗi đêm có khoảng 40 nhân viên bốc xếp, mỗi nhân viên bốc xếp được trả 300.000 đồng. Việc thu 6.000 đồng/xốp thì đội bốc xếp phải chung chi cho rất nhiều người, thậm chí có cả phí "bôi trơn. Cụ thể, chi cho Ban quản lý chợ từ 30 – 32%, so với năm 2017 thì số tiền phải nộp đã bị tăng từ 25% lên 30%; chi cho 5 ca trưởng, thậm chí là phải "bôi trơn" cho phường...

Một lái xe cho biết, mỗi tháng chở khoảng 3 chuyến hoa quả từ miền Tây ra chợ đầu mối, mỗi chuyến anh phải trả tiền “bao dưỡng” bốc vác cho xe là 1.000.000 đồng, trả trực tiếp cho ông Hợi (bên kiểm hàng) không có giấy tờ. Một số tiểu thương phản ánh, họ mua ki ốt ở trong chợ để bán hàng nhưng chính các tiểu thương buôn bán ở sân sau, không cố định đã khiến cho việc buôn bán của họ trở nên khó khăn hơn. Chị A. cho biết, giá ban đầu cho mỗi kiốt là 194.000.000 đồng nhưng đa phần họ không được mua giá gốc mà phải mua đắt gấp nhiều lần thậm chí giá lên tới 500.000.000 đồng/ki ốt.

Theo ghi nhận của phóng viên, vào dịp tuần rằm hay mùng một đầu tháng, phía sân đằng trước có tới hàng trăm chiếc xe tải đậu đỗ chờ đổ hàng, phía sân sau cũng có sức chứa khá lớn để các tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ. Trung bình mỗi ngày, đội chuyên thu tiền xe đã thu một khoản tiền không nhỏ cùng với tiền bốc xếp hàng. Nhiều tiểu thương cũng cho rằng để làm ăn buôn bán ở thời điểm hiện tại là vô cùng khó khăn, vì hàng hóa của họ phải cõng đủ loại phí mới tới tay người tiêu dùng. Biết là vậy nhưng vì cuộc sống nên đành “chấp nhận”.