Cho đi là còn mãi

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 5/6, báo Hànộimới, Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội phối hợp tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề “Cho đi là còn mãi”.

Nhiều năm qua, Thủ đô Hà Nội đã quan tâm đẩy mạnh các phong trào thi đua, phong trào “Người tốt, việc tốt” (NTVT). Năm 2019 là năm thứ 27 TP Hà Nội thực hiện triển khai phong trào NTVT nhằm phát hiện, cổ vũ nhân rộng gương NTVT góp phần tạo hiệu ứng xã hội sâu rộng, để cái tốt ngày càng nhân rộng và phát triển, cái xấu ngày càng bị đẩy lùi. Nhờ đó, trên mọi lĩnh vực của đời sống đều xuất hiện nhiều tấm gương sáng, góp phần làm Thủ đô thêm giàu đẹp, giúp lan tỏa và nhân lên những nghĩa cử cao đẹp, những việc làm, hành động tốt trong xã hội.
 Quang cảnh buổi giao lưu.
Dù cuộc sống của chúng ta đang ngày một cải thiện, ngày một văn minh, nhưng hiện vẫn còn nhiều người vứt rác không đúng nơi quy định, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; không ít hộ gia đình chưa tuân thủ chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước và TP. Bên cạnh đó, những ngày gần đây, qua báo, đài, mạng xã hội, chúng ta vẫn nhận được những thông tin không vui. Ở nơi này, nơi khác, không ít vụ việc đau lòng đã xảy ra.
Nhưng trên địa bàn Thủ đô, tại khắp các quận, huyện, thị xã, những bông hoa đời thường vẫn lặng lẽ tỏa hương. Đó là tấm gương bà Phạm Thị Dần, ở thôn Tạ Xá, xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên. Từ nhiều năm nay, bà Dần đã tiết kiệm những khoản tiền nhuận bút nho nhỏ của mình để lặn lội tới từng cơ sở nuôi giấu cán bộ, chiến sỹ, tìm gặp những nhân chứng và đồng đội của những người đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc để viết bài ca ngợi nhằm góp phần tri ân công lao của họ.
Không những vậy, bà còn giúp gia đình họ hoàn thiện hồ sơ để được công nhận là Liệt sỹ hay Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân vì những đóng góp của mình với đất nước. Việc tìm nhân chứng có lúc như “mò kim đáy bể”, người còn sống, người đã mất, có người bà phải mất vài năm mới tìm gặp được để nghe họ kể về những năm tháng chiến đấu bên đồng đội của mình, từ đó lấy chứng cứ đưa vào hồ sơ.
Đó còn là tấm gương em Lê Hương Giang, sinh viên năm cuối Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội. Khi sinh ra, một mắt của Giang hỏng hoàn toàn, mắt còn lại thị lực chỉ có 1/10. Đến năm lớp 6, căn bệnh thoái hóa võng mạc quái ác lại cướp nốt ánh sáng của con mắt còn lại, nhưng không vì thế mà Giang nản chí. Em tự trang bị cho mình không chỉ tri thức mà còn cả những kỹ năng sống, học đàn, học hát, học vẽ tranh, sử dụng máy tính, điện thoại thông minh với mơ ước trở thành MC truyền hình. Nhờ nghị lực vượt khó, Giang là chủ nhân của nhiều giải thưởng khoa học, kỹ thuật như: Giải Nhì ngành công nghệ máy tính Intel, giải Ba chung cuộc tại Hội thi Khoa học kỹ thuật Intel Isef toàn quốc năm 2012, Á khôi 1 tại Liên hoan "Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết" năm 2019...
Thông qua những câu chuyện, những việc làm ý nghĩa được các khách mời chia sẻ, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn chân dung của những NTVT xung quanh chúng ta đồng thời cùng hiến kế, đề xuất những giải pháp để nhân rộng những điều tốt đẹp ứong mỗi con người và toàn xã hội, đẩy lùi cái xấu, điều ác, góp phần tạo hiệu ứng xã hội, để lòng nhân ái, tình yêu thương trở thành sợi dây gắn kết con người với nhau, từ đó góp phần cùng nhau xây dựng một đất nước Việt Nam văn minh, thịnh vượng.
Tại buổi giao lưu, các khách mời đã đưa ra nhiều sáng kiến thiết thực, ý nghĩa đối với cuộc sống và nhiều giải pháp hay để thực hiện hiệu quả những lời dạy bảo quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần