Chỗ dựa cho người sau cai nghiện

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Qua thực tiễn cho thấy tình nguyện viên là một trong những lực lượng hết sức qu...

Kinhtedothi - “Qua thực tiễn cho thấy tình nguyện viên là một trong những lực lượng hết sức quan trọng hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng” - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH) Lê Đức Hiền khẳng định như vậy khi trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị bên lề Lễ phát động phong trào Tình nguyện viên (TNV) giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện và hòa nhập cộng đồng vừa diễn ra tại Hà Nội.

Nhân Tháng hành động phòng, chống ma túy (từ 1 - 30/6), ông có đánh giá như thế nào về hoạt động của các TNV công tác xã hội đã làm trong những năm qua?Chỗ dựa cho người sau cai nghiện - Ảnh 1

- Đội công tác xã hội tình nguyện được thành lập đến nay đã 11 năm. Hiện nay, chúng tôi có gần 3.000 đội với hơn 18.000 TNV ở 39 tỉnh, thành. Qua thực tiễn hoạt động, chúng tôi thấy TNV không chỉ là một trong những lực lượng hết sức quan trọng, mà còn tiên phong hỗ trợ người nghiện sau cai hòa nhập cộng đồng. TNV là người kết nối, chuyển gửi, tư vấn, hướng dẫn làm việc với các chương trình kinh tế - xã hội trên địa bàn với chính quyền, tổ chức xã hội, chủ DN, cá nhân để tìm việc làm cũng như ổn định sức khỏe cho người sau cai nghiện ma túy. Đây là công việc rất khó khăn và gian khổ, nhưng sau hơn 10 năm, đã có hàng trăm người sau cai nghiện được TNV giúp đỡ, ổn định cuộc sống. Thậm chí, nhiều người được kết nạp vào Đảng, làm công an xã, tham gia chính quyền xã, làm chủ cơ sở sản xuất, DN và lại quay lại tiếp tục giúp đỡ những người trước đây đã từng nghiện như mình.

Những đóng góp của đội ngũ TNV được ghi nhận, tuy nhiên, thực tế hoạt động của họ vẫn gặp không ít khó khăn. Vậy, cần có các biện pháp gì để hỗ trợ, thưa ông?

- Hiện nay, trong xã hội, sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nghiện ma túy còn lớn, thậm chí, người ta nghĩ nghiện ma túy không bao giờ cai nghiện được. Trong khi đó, người nghiện ma túy tự kỳ thị với mình và xa lánh cộng đồng. Bởi thế, TNV hoạt động cũng có những khó khăn nhất định. Thứ nhất, nhiều TNV tuổi cao nhưng vẫn hăng hái, nhiệt tình, tâm huyết, tiếp cận với người nghiện ma túy lúc họ chưa hiểu được không phải dễ dàng. Thứ hai, tìm kiếm công việc cho những người sau cai nghiện cũng không đơn giản. Tôi cũng băn khoăn khi phụ cấp cho TNV rất thấp. Chẳng hạn, Hà Nội cấp cho mỗi TNV 50.000 đồng, cao nhất là vài trăm ngàn đồng. Thực tế, rất nhiều TNV không đủ tiền xăng xe đi lại, hay để mời người sau cai nghiện uống nước. Với đầy khó khăn, nhưng có rất nhiều mô hình, UBND xã, phường đã hết lòng giúp đỡ TNV. Chúng tôi nghĩ những mô hình như thế cần phải nhân rộng, phát triển để TNV hoạt động hiệu quả hơn.

Ông có thể cho biết giải pháp cụ thể hơn cho TNV?

- Hiện, chúng tôi đã có phụ cấp hoạt động cho TNV, mỗi người một bộ quần áo trị giá 500.000 đồng. Sắp tới sẽ có những cơ chế chính sách cao hơn và động viên khuyến khích cả về vật chất lẫn tinh thần. Tiếp đến là đang phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng bộ tài liệu và tăng cường tập huấn về kiến thức, kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng xã hội để giúp các TNV tác nghiệp. Sau nữa là thường xuyên kết hợp với các cơ quan thông tin tuyên truyền để phát hiện, biểu dương những mô hình, tấm gương tiêu biểu để khích lệ phong trào. Chúng tôi cũng cho rằng công tác rất quan trọng là kiểm tra, giám sát, và đánh giá.

Các TNV cho biết khó khăn nhất là kinh phí. Vậy, thời gian tới, mức phụ cấp có được tăng lên, thay vì 50.000 đồng như hiện nay?

- Trong quy định của Nhà nước nói rõ mức tối đa của đội trưởng là 0,6% mức lương tối thiểu, tương đương 700.000 đồng; đội phó là 0,5% và TNV là 0,4%. Nhiều tỉnh, TP đã cho mức cao nhất. Chúng tôi cho rằng, hoàn thiện cơ chế chính sách là một loạt vấn đề chứ không chỉ là phụ cấp. Điều quan trọng là về tinh thần, bảo hiểm y tế, biểu dương khen thưởng và đánh giá. Vật chất đối với TNV là tốt, nhưng không phải tất cả.

Một điều khiến mọi người thực sự băn khoăn trước hoạt động của đội ngũ TNV trong việc hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện và hòa nhập cộng đồng là định kiến của xã hội. Vậy, có cách gì để hỗ trợ việc này không, thưa ông?

- Bản thân TNV chỉ có tấm lòng, nhiệt huyết, nhưng họ giỏi ở chỗ kết nối với chính quyền, tổ chức xã hội và các tổ chức, cá nhân. Họ tuyên truyền để xã hội giảm kỳ thị đối với người nghiện ma túy. Tất nhiên, việc kết nối, chuyển gửi, thuyết phục và động viên rất khó khăn, nhưng với tấm lòng, sự cảm thông của người sinh sống trên cùng địa bàn, họ hiểu người nghiện thì họ sẽ tìm một việc làm phù hợp với nhu cầu và điều kiện. Tôi không nói tất cả các TNV đều tìm được việc làm phù hợp cho người sau cai nghiện, bởi đây là quá trình tìm tòi khó khăn, nhưng đã có rất nhiều người sau cai nghiện được giúp đỡ. Có thể là quán nước bên đường, là dịch vụ trông giữ xe, chăn nuôi, khi khó vay vốn thì là một gánh hàng rong, chứ không phải nhà máy, công trình lớn.

Xin cảm ơn ông!