Chờ khảo sát để định hướng ôn thi

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ 14 - 17/3, Hà Nội sẽ tổ chức khảo sát học sinh (HS) lớp 12 trên toàn TP mô phỏng theo kỳ thi THPT quốc gia. Nhiều trường đã sẵn sàng tham dự để có cơ sở khách quan đánh giá HS trước khi bước vào kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.

 Học sinh khối 12 trường THPT Mê Linh trong giờ học Toán. Ảnh: Phạm Hùng 
Không lấy điểm khảo sát làm điểm kiểm tra
Hiệu trưởng trường THPT Đồng Quan (huyện Phú Xuyên) Lê Anh Dũng cho biết, 527 HS lớp 12 của trường đã được thông báo và chuẩn bị tâm lý tham dự khảo sát toàn TP. Mỗi HS sẽ dự thi 4 bài, trong đó 3 bài kiểm tra bắt buộc gồm các môn: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh và một bài kiểm tra tự chọn Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (tổ hợp môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
“Các trường được bố trí thi theo cụm trường. HS được bố trí theo các phòng tại các điểm thi. Giám khảo giám sát sẽ bố trí trông chéo giữa các trường trong cụm” – ông Dũng cho biết.

Sau khi tổ chức thi khảo sát, các cụm trường THPT nộp kết quả kiểm tra khảo sát về Sở GD&ĐT, chậm nhất là ngày 31/3. Theo yêu cầu từ Sở, các trường tuyệt đối không lấy kết quả thi THPT quốc gia vào điểm kiểm tra định kỳ. Đề khảo sát sẽ do Sở ra dựa theo đề thi tham khảo đã được Bộ GD&ĐT công bố cuối tháng 1/2018.
Phạm vi kiến thức kiểm tra khảo sát gồm chương trình lớp 11 và lớp 12, chủ yếu tập trung ở chương trình lớp 12 theo kế hoạch dạy học tính hết ngày 10/3. Ngoài ra, kết quả khảo sát lần này dù không tính vào điểm kiểm tra định kỳ của HS, nhưng là căn cứ tin cậy, khách quan để các trường đánh giá HS, từ đó có biện pháp bồi dưỡng, ôn thi phù hợp trước khi kỳ thi THPT quốc gia diễn ra vào tháng 6.

Vẫn có học sinh chọn cả 9 môn thi

Tại trường THPT Ba Vì (huyện Ba Vì), ông Nguyễn Đình Thắng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường có gần 500 HS lớp 12 dự thi THPT quốc gia 2018. “Các em đều đã được định hướng để lựa chọn bài thi phù hợp để xét tốt nghiệp THPT cũng như xét tuyển ĐH, CĐ. Cho đến nay, tỷ lệ HS đăng ký bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội khá cân bằng, chênh lệch không đáng kể.
Tuy nhiên, trong kỳ khảo sát lần này, trường vẫn có một số HS đăng ký dự thi cả 9 môn, gồm 3 môn bắt buộc và cả 2 bài thi tự chọn tổ hợp. Nhà trường đều tạo điều kiện để các em được dự thi đầy đủ giúp các em thử sức” – ông Thắng cho biết. Trong khi đó, số thí sinh trường THPT Đồng Quan chọn bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên chỉ nhiều hơn tổ hợp Khoa học xã hội 43 em, chỉ có 1 HS đăng ký thi cả 2 bài thi tổ hợp.

Việc lựa chọn bài thi tự chọn không bị hạn chế và đã có không ít trường hợp chọn cả 2 bài thi tổ hợp trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Theo đó, trong năm 2017, thí sinh chọn cả 2 bài thi tự chọn tuy tỉ lệ không vượt quá 10% tổng số thí sinh, nhưng con số đã lên đến gần 70.000 HS, gấp nhiều lần năm 2015 và 2016.
Tuy nhiên, kết quả điểm của thí sinh (TS) thi cả 2 bài tự chọn không cao so với TS chỉ thi một bài tự chọn. Kết quả khảo thí năm 2017 của một chuyên gia đưa ra, điểm bình quân bài thi của TS chỉ thi một bài tự chọn Khoa học tự nhiên là 5,47 hoặc bài Khoa học xã hội là 6,59, thì điểm bình quân các bài thi tương ứng của TS thi cả 2 bài tự chọn khá thấp, chỉ là 4,00 và 5,99.
Theo các chuyên gia giáo dục, dù thi cả 2 bài tự chọn, có thể đăng ký xét tuyển ở nhiều khối, nhưng không đồng nghĩa với tăng khả năng trúng tuyển vì điểm thi các môn cao mới là yếu tố quyết định. Bởi vậy, TS cần lựa chọn kỹ, đăng ký môn thi sở trường để có kết quả cao nhất.