"Chợ lớn chứng khoán" tắc nghẽn, nhà đầu tư quay lưng

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo nhận định của các chuyên gia chứng khoán, việc đặt lệnh trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) gặp nhiều khó khăn do lệnh bị treo khi giá trị giao dịch đạt khoảng 14.000 tỷ đồng đến từ việc quá tải trên hệ thống là một rào cản không nhỏ và có thể hạn chế đà tăng của chỉ số VN-Index trong tháng 3.

Trên các diễn đàn, nhiều nhà đầu tư cũng rút khỏi thị trường chứng khoán (TTCK) hoặc chuyển sang giao dịch ở Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) do mất lòng tin về hệ thống “chợ lớn chứng khoán” HOSE.
Hệ thống “treo” cản đà tăng của VN-Index

Báo cáo chiến lược TTCK tháng 3 của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, hệ thống giao dịch bị quá tải là rào cản chính cản trở đà tăng của VN-Index trong tháng 3. Gần đây, việc đặt lệnh trên HOSE gặp nhiều khó khăn do lệnh bị treo khi giá trị giao dịch đạt khoảng 14.000 tỷ đồng đến từ việc quá tải trên hệ thống của HOSE. Điều này là một rào cản không nhỏ và có thể hạn chế đà tăng của chỉ số VN-Index khi các nhà đầu tư mới sẽ gặp khó khăn trong việc giao dịch.
 Nhà đầu tư giao dịch tại sàn chứng khoán KIS ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Ngoài ra, một rủi ro khác là sự biến động chứng khoán toàn cầu (như sự trở lại của lạm phát, đà tăng của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ, chỉ số tại một số TTCK lớn đi xuống) có thể ảnh hưởng TTCK Việt Nam.

Hiện, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nói chung và HOSE đang có một số giải pháp để hạn chế tình trạng nghẽn lệnh trên “chợ lớn chứng khoán” HOSE. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiệu quả của các giải pháp này vẫn phải chờ kiểm chứng. “Nhiều nỗ lực trong ngắn hạn đã được đề xuất như tăng số lượng giao dịch từ 10 lên 100 cổ phiếu/lô (bắt đầu từ tháng 1/2021), chuyển một số cổ phiếu từ sàn HOSE sang HNX… nhưng mức độ hiệu quả vẫn chưa được kiểm chứng. Hiện tại, các nhà đầu tư đang kỳ vọng việc áp dụng hệ thống giao dịch KRX của Hàn Quốc sẽ giải quyết triệt để vấn đề quá tải về lệnh đặt. Tuy nhiên, việc áp dụng chính thức hệ thống mới cũng còn khá xa (cuối năm 2021)”- các chuyên gia VDSC phân tích.

Quá thất vọng, nhà đầu tư nói lời chia tay

Đánh giá về tính khả thi của giải pháp chuyển một số mã sang HNX, Luật sư Hà Huy Phong - Công ty Luật Inteco cho rằng, trên thực tế, việc chuyển sàn "không khả thi". “Xét về mọi góc độ, HOSE vẫn được đánh giá cao hơn HNX về sự sôi động cũng như tính thanh khoản. Vì thế, kêu gọi DN tự nguyện khi họ đã có sự lựa chọn từ đầu, tôi nghĩ là hiệu quả sẽ không cao” - ông Phong đánh giá.

Thực tế, đến nay, số lượng DN tự nguyện chuyển từ HOSE sang HNX vẫn đếm trên đầu ngón tay. Và “chợ lớn” chứng khoán vẫn tắc, nhà đầu tư vẫn ngậm ngùi “mua không được, bán chẳng xong”.

Trên các diễn đàn chứng khoán, nhiều nhà đầu tư sau những ngày bức xúc đã tỏ ra chán nản và quyết định chia tay HOSE. “Thất vọng với chất lượng dịch vụ HOSE quá tồi tệ, không tương xứng với phí và dịch vụ, thuế nhà đầu tư đang phải trả”- một nhà đầu tư chán nản.

Đa số ý kiến của các nhà đầu tư đều cho rằng, cách giải quyết tình trạng “đơ” của sàn này quá tệ. Người đứng đầu phát ngôn gây hoang mang nhà đầu tư khi chưa tính toán thấu đáo các phương án, giải pháp đưa ra cũng không khả thi. Vì thế, họ chọn phương án giảm tỷ trọng tiền cổ phiếu sàn HOSE và chuyển qua HNX, hoặc tạm biệt TTCK.

"Vấn đề tắc nghẽn trên “chợ chứng khoán" thời gian qua thể hiện việc thiếu tầm nhìn trong “quy hoạch” thị trường của Ủy ban Chứng khoán và HOSE. Anh quy hoạch con đường 2, 3 làn xe nhưng không tính toán, dự báo được là 5, 10 năm tới, lượng phương tiện di chuyển ra sao, gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư. Điều này cũng thể hiện năng lực dự báo của các cơ quan quản lý, điều hành thị trường đang có vấn đề." - Giám đốc Công ty Luật Inteco Hà Huy Phong