Cho mùa lễ hội “không chèo kéo” tại Chùa Hương, Mỹ Đức

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối tuần qua, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp UBND huyện Mỹ Đức tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức về du lịch cho gần 300 học viên là các lãnh đạo, cán bộ quản lý và người làm du lịch trên địa bàn xã Hương Sơn, nhằm nâng cao nhận thức cho các cá nhân và hộ gia đình kinh doanh dịch vụ, trước thềm khai hội Chùa Hương 2020 (Mùng 6 tháng Giêng âm lịch)

PGS. TS. Phạm Hồng Long - Trưởng khoa Du lịch, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn chịu trách nhiệm giảng dạy lớp bồi dưỡng.

Phát biểu khai mạc “Lớp bồi dưỡng kiến thức về du lịch cho cộng đồng dân cư năm 2019” sáng 14/12, bà Nguyễn Thị Minh Hạnh - Chánh Văn phòng Sở Du lịch Hà Nội nhấn mạnh vai trò nòng cốt của người dân địa phương trong nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng.
Liên kết này càng trở nên quan trọng giữa thực tế du lịch cộng đồng đang ngày càng phát triển, góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân tại nhiều địa phương trên cả nước.
Trước gần 300 học viên tại xã Hương Sơn, PGS. TS. Phạm Hồng Long đã chia sẻ những kinh nghiệm làm du lịch thực tế, từ đó vận dụng vào từng trường hợp có thể xảy ra của người bán hàng, chèo đò, bảo vệ… tại khu danh thắng Hương Sơn.
Điều này giúp bà con dễ dàng nắm bắt được nội dung bài giảng, bao gồm phong thái ứng xử chuyên nghiệp với khách của người làm du lịch, cũng như ý thức bảo vệ môi trường nhằm tạo ấn tượng tốt cho du khách, hướng tới phát triển du lịch bền vững.
Chánh Văn phòng Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Thị Minh Hạnh. 
Lần thứ 2 tham dự lớp bồi dưỡng thường niên do Sở Du lịch Hà Nội phối hợp tổ chức tại huyện Mỹ Đức, ông Nguyễn Văn Huynh, người dân đạo Công giáo nhưng đã có nhiều năm tham gia công tác bảo đảm an ninh trật tự bến bãi tại Di tích Chùa Hương, chia sẻ những thay đổi qua từng năm trong ý thức làm du lịch của người dân địa phương, đặc biệt là nạn chèo kéo khách, tranh giành địa bàn lẫn nhau đang thực sự tiêu biến.
Theo ông Huynh, cải thiện đáng kể này có được là nhờ kiến thức được trang bị nay trở thành tiềm thức nơi bà con nhân dân, kết hợp với công tác quản lý sát sao của các cấp.
Ông Nguyễn Xuân Hoan - Phó Trưởng Ban Quản lý Di tích thắng cảnh Hương Sơn khẳng định, công tác đảm bảo an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng dịch vụ ở khu danh thắng Hương Sơn luôn là nội dung được các cấp chính quyền huyện Mỹ Đức đặc biệt quan tâm.
Nhiệm vụ càng trở nên quan trọng khi lễ hội tháng Giêng 2020 sẽ mở đầu năm thứ 2 quần thể Di tích danh thắng Hương Sơn - Chùa Hương được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Năm 2019, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức gần 40 lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, kiến thức cho hơn 5.000 học viên là nhân lực trực tiếp tham gia quản lý nhà nước về du lịch các cấp và cho các nghệ nhân, người bán hàng, kinh doanh dịch vụ tại các điểm du lịch trên địa bàn Thủ đô. Theo Nghị quyết số 06-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội, đến 2020, ngành Du lịch Hà Nội sẽ có khoảng 126.700 lao động trực tiếp, chiếm 13,5% lực lượng lao động toàn ngành Du lịch Việt Nam.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần