Chợ thương mại điện tử: Tràn lan hàng giả, hàng nhái

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mua sắm thuận tiện, tiết kiệm thời gian đi lại là những ưu điểm mà thương mại điện tử (TMĐT) đem lại cho người dùng. Tuy nhiên, vì là “siêu chợ” nên website TMĐT cũng là nơi buôn bán hàng giả, hàng nhái.

 Giao diện một website chợ thương mại điện tử.
Thiên đường của “hàng hiệu” giá bèo

Các website TMĐT như Sendo, Lazada, Shopee đang được ví như “chợ hàng nhái” bởi phần lớn sản phẩm đều là hàng có thương hiệu nhưng giá rất rẻ. Chỉ cần bỏ ra vài trăm nghìn đến một triệu đồng, người tiêu dùng đã có thể mua được giày Adidas, túi Chanel, đồng hồ Rolex... Tại website sendo.vn, nhiều mẫu giày Adidas chỉ có giá 325.000 - 550.000 đồng/đôi; website lazada.vn, đồng hồ Michael Kors chỉ có giá từ 269.000 - 399.000 đồng/sản phẩm; tại trang shopee.vn, nước hoa Pháp chính hãng Lancôme giá chỉ có 180.000 đồng/sản phẩm, Acqua di Gio giá 250.000 đồng/sản phẩm, Luxy Victoria giá 299.000 đồng/sản phẩm.
Trước tình trạng hàng giả, hàng nhái trên các website TMĐT, Cục đã có kế hoạch hợp tác với hải quan, quản lý thị trường, công an để triệt tận gốc những loại hàng hóa kém chất lượng bán tràn lan trên mạng này.
Cục trưởng Cục TMĐT & Kinh tế số (Bộ Công Thương) Đặng Hoàng Hải
Thực tế cho thấy, việc quá dễ dàng đăng ký trở thành chủ cửa hàng và đăng bán sản phẩm trên các website TMĐT như Lazada, Shopee, Sendo đã trở thành “lỗ hổng” cho những “gian thương” trà trộn hàng giả hàng nhái, kém chất lượng để lừa người tiêu dùng. Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), lazada.vn là website TMĐT lớn nhất Việt Nam nhưng lại bị nhiều khách hàng khiếu nại về chất lượng, xuất xứ hàng hóa nhiều nhất. Từ đầu năm 2018 đến nay, Cục đã tiếp nhận một lượng lớn đơn khiếu nại liên quan đến chất lượng sản phẩm và dịch vụ khi mua hàng tại lazada.vn, chủ yếu là giao hàng không đúng như quảng cáo, giao hàng cũ đã qua sử dụng, người tiêu dùng phải mua sản phẩm với giá chưa giảm như quảng cáo...

Phối hợp để xử nghiêm vi phạm

Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, hoạt động buôn bán hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng nhái qua mạng internet đang diễn ra rất phổ biến nhưng chưa được kiểm soát, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng. Lực lượng chức năng đã có nhiều cố gắng đấu tranh, ngăn chặn, tuy nhiên số lượng các vụ việc được phát hiện, xử lý còn rất thấp. Nguyên nhân là do Nhà nước chưa có biện pháp quản lý chặt chẽ các đối tượng quảng cáo, kinh doanh trên các website TMĐT và các trang mạng xã hội. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản pháp luật liên quan chưa theo kịp với sự phát triển của thị trường, chế tài xử lý chưa đủ mạnh. Trang thiết bị, kiến thức, chuyên môn phục vụ trong lĩnh vực TMĐT của các lực lượng chức năng còn nhiều hạn chế; công tác phối hợp chưa thường xuyên, liên tục.

Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Đàm Thanh Thế cho biết, sự quản lý lỏng lẻo nằm ở việc đăng ký bán hàng trên các website TMĐT hiện nay khá dễ dàng. Người kinh doanh không cần phải có giấy phép kinh doanh, không phải trả phí cho các website TMĐT, bán gì và đăng thông tin như thế nào do người bán chịu trách nhiệm. “Nghị định số 52/2013 yêu cầu những người kinh doanh trên trang TMĐT khi đăng ký làm gian hàng phải cung cấp thông tin như tên, địa chỉ trụ sở thương nhân, địa chỉ thường trú cá nhân, địa chỉ tổ chức, ngày cấp và nơi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh... Tuy nhiên, các website TMĐT lại không yêu cầu người bán cung cấp các thông tin trên” - ông Thế nói.

Muốn giải quyết triệt để vấn nạn hàng giả bán tràn lan trên mạng rất cần sự phối hợp của các cơ quan quản lý, hiệp hội và ban quản lý các website TMĐT để vạch mặt, chỉ tên những cá nhân, tổ chức bán hàng kém chất lượng. Còn người tiêu dùng sau khi mua hàng, nếu phát hiện hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng nên đưa lên website của Cục TMĐT để tố cáo vi phạm, qua đó cơ quan chức năng sẽ có biện pháp xử lý.