Cho trẻ học trước lớp 1: Đừng tạo áp lực cho con

Thanh Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tháng 9 mới khai giảng năm học mới, nhưng ngay từ tháng 5, tháng 6, nhiều trẻ trước khi vào lớp 1 đã được gia đình cho đi luyện chữ.

Theo các chuyên gia giáo dục, việc cho trẻ học chữ sớm không cần thiết, ảnh hưởng tới tâm sinh lý của bé.
Sợ con chậm hơn bạn

Hơn một tháng trước, cứ thứ 5 hàng tuần, sau khi đi học mẫu giáo về, bé Bông lại được mẹ đưa đến lớp học chữ, học số. Còn từ khi nghỉ hè, chị tăng tốc cho con học tuần 4 buổi. Theo chị Thắm (Đội Cấn, Ba Đình) - mẹ của bé, hầu hết các bạn ở lớp con đều đã đi học. Nếu không cho con học, sợ vào năm học mới, con sẽ không theo kịp các bạn. “Hai mẹ con đặt mục tiêu, trước khi vào lớp 1, con sẽ viết đẹp và biết hết mặt chữ với số. Ở lớp học chữ cô cũng dạy Toán và Tiếng Việt trước cho con” - chị Thắm cho hay.
 Cho trẻ học trước khi vào lớp một không phải là giải pháp tốt cho sự phát triển của trẻ.
Dù không muốn cho con học sớm, nhưng chị Ngọc Anh (Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn phải tìm cô giáo cho con học vì thấy các bạn trong lớp đều đã học chữ. Chị Ngọc Anh kể, vợ chồng chị ban đầu thống nhất không cho con đi học sớm để tránh gây áp lực, đồng thời cũng muốn con có thêm một mùa Hè vui vẻ trước khi bước vào năm học mới. Tuy nhiên khi đến đón con ở mẫu giáo, nghe phụ huynh nói về chuyện đã cho con học từ lâu hoặc có cháu đã đọc thông, viết thạo… chị thấy lo con sẽ chậm hơn các bạn khác nếu không được học trước.

Đó cũng là tâm lý của nhiều bậc phụ huynh khác. Theo khảo sát của phóng viên, hiện nay trên địa bàn Hà Nội rất nhiều lớp dạy chữ được mở để phục vụ nhu cầu của phụ huynh. Trung bình một buổi học chữ có mức giá từ 100.000 – 200.000 đồng trong thời gian 2 giờ.

Không gây căng thẳng cho trẻ

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho biết, theo chương trình giảng dạy, khi vào lớp 1 các con sẽ bắt đầu học bảng chữ cái, chữ số, tập viết… Trẻ 6 tuổi mới phát triển đầy đủ về tâm sinh lý để có thể tiếp thu bài học. “Mỗi trẻ có năng lực khác nhau. Có trẻ ghi nhớ nhanh, học nhanh, có trẻ lại chậm hơn. Khi bố mẹ cho con đi học sớm, nhiều cháu sẽ phản ứng và ảnh hưởng tới tâm lý cũng như sức khỏe của trẻ. Bố mẹ ép quá, trẻ sẽ sợ đi học” - TS Nguyễn Tùng Lâm khẳng định. GS Nguyễn Minh Thuyết cũng cho rằng, việc cho trẻ đi học chữ sớm không cần thiết và gây tâm lý chủ quan cho trẻ. “Thực tế hiện nay rất nhiều phụ huynh cho con đi học trước vì tâm lý sợ con thua kém bạn. Tuy nhiên, dạy trước chương trình khiến trẻ đã biết rồi và khi bắt đầu học trẻ sẽ không chú ý nghe giảng, lười suy nghĩ”.

Chị Trần Minh Hà (Bà Triệu, Hà Nội) có hai cậu con trai chuẩn bị lên lớp 4 và lớp 2 cho biết, với con trai lớn, vợ chồng chị cho đi học chữ, học số ngay từ đầu năm mẫu giáo lớn. Hàng ngày về nhà lại bắt con luyện viết, luyện đọc khiến cả bố mẹ và con cái đều căng thẳng, mệt mỏi. Đến bé thứ hai vợ chồng chị quyết định không cho con đi học sớm để con chơi hè. “Kết thúc năm học, mình thấy kết quả học tập của hai con không khác gì nhau dù có học sớm hay không. Không ép con đi học sớm bố mẹ đỡ áp lực và con lại rất vui vẻ” - chị Hà tâm sự.

“Đối với trẻ chuẩn bị vào lớp 1, bố mẹ nên rèn cho con làm quen với nền nếp học tập, chữ cái, chữ số nhưng phải tạo không gian vui vẻ, không gây căng thẳng cho trẻ. Mỗi trẻ sẽ có năng khiếu và thiên hướng khác nhau. Nuôi dạy con đừng chạy theo thành tích mà hãy đánh giá đúng năng lực của con để con phát triển tốt nhất. Trẻ có cuộc sống sung sướng nhất là khỏe mạnh, ngoan ngoãn và phát triển theo năng lực, sở trường của mình” - GS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh.