Chơi ảnh và cái tôi của người trẻ

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vác máy trên vai, ba lô đeo vài ba ống kính, sẵn sàng lăn, lê, bò, trườn để săn lùng những khoảnh khắc đẹp… là cách những người trẻ thể hiện qua các khung hình ống kính.

Từ trào lưu…
Trào lưu khoe ảnh, chụp ảnh ở bất cứ đâu trong giới trẻ đang thịnh hành. Nắm bắt nhu cầu, thị hiếu đó, các đại gia nhiếp ảnh Canon, Nikon, Sony liên tiếp tung ra những sản phẩm hay cả về tính năng và giá thành. Thậm chí, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, bất cứ ai cũng có thể thỏa sức sáng tạo với bộ môn nghệ thuật ánh sáng. Ban đầu, người trẻ đến với nhiếp ảnh vì muốn bắt kịp trào lưu và xu thế của thời đại. Và rồi, những người không có niềm đam mê sẽ sớm từ bỏ. Song cũng xuất hiện không ít tay máy sẵn sàng cháy hết mình cho những khoảnh khắc đẹp.
 Nguyễn Tất Thái và bạn đang trao đổi kinh nghiệm chụp ảnh.
Chia sẻ về niềm đam mê, Nguyễn Tất Thái (SN 1992) - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Du lịch Phượt an toàn cho hay: “Với mỗi nhiếp ảnh gia, niềm hạnh phúc của họ chính là “đứa con tinh thần” nhận những lời ngợi khen, thán phục của người xem; được chia sẻ kinh nghiệm và đồng hành cùng những người có chung đam mê. Thế nên, họ thường thích du lịch bụi, và tôi đã thành lập Câu lạc bộ Du lịch Phượt an toàn – Smart travelling”. Đến nay, Thái nhận ra: “Chụp ảnh không đơn thuần chỉ là sở thích mà nó đã trở thành đam mê tự bao giờ”.

… tới đam mê

Để có một bức ảnh thật sự chất lượng, lột tả được toàn bộ vẻ đẹp của đối tượng thì “thợ săn” bắt buộc phải có máy chuyên dụng. Loại rẻ nhất tầm 10 triệu đồng. Nhưng, đây là bước khởi đầu, bởi bạn sẽ phải tiếp tục sắm thêm những thiết bị khác khá đắt đỏ, và chơi máy ảnh càng đầu tư càng thấy thiếu. Đơn cử như ống kính cũng có cả chục loại, mỗi loại một ưu điểm, rẻ thì vài ba triệu, đắt thì hàng trăm triệu đồng. Đầu tư tốn kém là thế, nhưng số người trẻ theo đuổi bộ môn nghệ thuật ánh sáng chưa bao giờ giảm.

Thường thì, mỗi tay máy có xu hướng thiên về một thể loại nhất định. Có người chuyên chụp chân dung. Có người lại thích phong cảnh. Nếu muốn có hình độc, đẹp, lạ, ấn tượng; nhiều khi, bạn phải dậy từ rất sớm, chờ đợi hàng giờ, thậm chí hàng tuần để canh me những khoảnh khắc hiếm thấy của thiên nhiên. Rồi, chuyện các tay máy vừa phải đeo, mang, vác đồ nghề lỉnh kỉnh, vừa phải trèo, bò trên những triền núi, dốc cao dựng đứng, trơn trượt đầy nguy hiểm chỉ để có một tấm hình về sự hùng vĩ của núi rừng… không phải là hiếm.

Và thể hiện cái tôi

Tại sao người trẻ lại can đảm và phi thường đến thế? Đó là vì khoảnh khắc chỉ có một, nếu bỏ lỡ, bạn sẽ không thể tìm lại ở bất cứ thời điểm nào khác. Và, sau mỗi tấm hình, họ thể hiện và khẳng định cái tôi, bản lĩnh cá nhân một cách chân thực, sắc nét nhất. Từng là giám khảo của rất nhiều cuộc thi ảnh, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Đình An – Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội chia sẻ: “Thời gian gần đây, những tay máy trẻ với lợi thế tiếp cận nhanh với công nghệ, kỹ thuật đã cho ra đời nhiều bức hình có giá trị nghệ thuật, ứng dụng cao. Dù không biết tác giả là ai, nhưng qua ảnh, có thể hình dung tính cách của người đó. Chẳng hạn, người thích chụp hoa, trẻ con thì tâm hồn thường lãng mạn, bay bổng, đôi khi yếu đuối. Người thích chụp núi non hùng vĩ thường có tính cách mạnh mẽ”.

Nhưng, người trẻ đâu chỉ biết say sưa với những chiếc máy kỹ thuật số đắt tiền, hiện đại. Họ còn tìm về những dòng máy phim như một niềm đam mê hoài cổ về nhiếp ảnh. Nguyễn Nam, sinh năm 1989, cựu sinh viên Đại học Xây dựng, là một trong số những bạn trẻ trung thành với máy phim Canon AF cũ kỹ. Nam cho biết: “Sở dĩ mình muốn sử dụng máy phim vì nó rèn tính “tiết kiệm”, kiên nhẫn, lựa chọn góc máy tối ưu nhất. Với máy phim, khi đã nhấn nút thì không thể chỉnh sửa, phải đợi rửa ra mới biết sản phẩm ra sao. Một lý do nữa khiến Nam yêu máy phim là vì khi lên phim, nó phát ra tiếng “xách”, rồi tiếng “tách” khi bấm máy, và khi lấy phim ra, cảm thấy rất hồi hộp…” - Nam tâm sự.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần