Chới với mùa đuối nước

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù có rất nhiều biện pháp đã triển khai nhưng số người tử vong do đuối nước ở Việt Nam còn rất lớn, đặc biệt đau xót là gần 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước mỗi năm.

Đó là những con số biết nói được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tại lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng, chống đuối nước trẻ em năm 2019.
Mặc dù hồi chuông cảnh báo liên tục được gióng lên nhưng tình trạng tử vong do đuối nước vẫn không dừng lại. Trong đó, đa số vụ đuối nước thương tâm xảy ra đối với trẻ em. Tuy nhiên, không phải năm nào cũng xảy ra những vụ đuối nước thương tâm.
 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Trong khi dư luận chưa hết bàng hoàng bởi vụ đuối nước xảy ra vào ngày 23/6, trong 3 nam sinh bị đuối nước ở sông Lam đoạn qua huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An có 2 nam sinh chuẩn bị thi THPT quốc gia. Những dự định dang dở các em để lại là nỗi đau khôn nguôi với gia đình, bạn bè. Thì ngày 25/6, 3 chị em trong một gia đình ở Thanh Châu, xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình ra sông tắm, không may đều tử vong do đuối nước.
Thực tế hiện nay cho thấy, các trường hợp xảy ra đuối nước có tỉ lệ nạn nhân là trẻ em chiếm số lượng lớn. Những tai nạn thương tâm xảy ra không chỉ khiến xã hội bàng hoàng mà còn là nỗi lo sợ của rất nhiều gia đình. Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các vụ tai nạn đuối nước thương tâm liên tiếp là việc các em không biết bơi.
Dẫu rằng, hiện nay, nhiều học sinh không biết bơi, chưa được trang bị các kĩ năng mềm, kĩ năng sống khi gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, vì yếu tố tâm lý nên nhiều người lớn đã chủ quan, chưa có sự quản lý chặt chẽ cộng với sự thiếu kiến thức, kỹ năng đã khiến nhiều vụ đuối nước thương tâm xảy ra.
Điều đáng nói ở đây chính là ý thức của người dân trong việc tự bảo vệ mình và con em. Rất nhiều trường hợp không biết bơi vẫn cho con em đi tắm ở những vùng nước sâu. Hoặc chủ quan vì biết bơi mà không tuân thủ đúng các nguyên tắc vận động trước khi bơi thậm chí coi thường, phớt lờ các cảnh báo nguy hiểm. Đây là nguyên nhân khiến các em không thể ứng phó khi xảy ra sự cố.
Theo các chuyên gia y tế, nếu không biết bơi thì việc gặp tai nạn khi tham gia các hoạt động dưới nước rất dễ xảy ra. Dạy kỹ năng bơi cho trẻ và người lớn là câu chuyện bắt buộc.
Để trẻ em có một môi trường sống an toàn, lành mạnh cần có một kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực, sự chung tay trách nhiệm của cả cộng đồng xã hội. Trong đó, có vai trò, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và “bàn tay” của chính quyền địa phương trong việc chỉ đạo, vào cuộc nghiêm túc, tích cực để giảm thiểu tỉ lệ đau lòng này. Đúng như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu: “Chúng ta phải thực sự làm nghiêm túc, trách nhiệm trước tính mạng của nhân dân, đặc biệt của trẻ em. Việc biết bơi chưa đủ mà mỗi người phải được trang bị kỹ năng ứng phó, xử lý để cứu người bị đuối nước”.