Chọn đất định đô

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nhà nước đều dành sự quan tâm đặc biệt chọn vị trí đắc địa để định đô. Trong lịch sử Việt Nam, từ Kinh đô Văn Lang, Cổ Loa, Hoa Lư đến Thăng Long đều nằm ở vị trí chiến lược và có quy hoạch thuận theo quy luật tự nhiên hiếm nơi nào có được.

Bước ngoặt lịch sử
Sự kiện lập nước và định đô là những dấu mốc vô cùng quan trọng, đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc ta, đều được thư tịch cổ Việt Nam ghi lại.

Nhà nước và Kinh đô Văn Lang ở Bạch Hạc (Việt Trì, Phú Thọ) hay Nhà nước Âu Lạc và Kinh đô Cổ Loa ở Đông Anh (Hà Nội) được Đại Việt sử lược ghi chép. Nước Đại Cồ Việt và Kinh đô Hoa Lư ở Ninh Bình, được thể hiện trong Đại Việt Sử ký toàn thư - bản kỷ, quyển 1. Kinh đô Thăng Long thời Lý, Trần, Lê được Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “... Ở giữa khu vực trời đất, có thế rồng cuộn hổ ngồi, ở giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện hình thế núi sông sau trước, đất rộng mà bằng phẳng, chỗ cao mà sáng sủa, dân cư không khổ về ngập lụt, muôn vật rất thịnh mà phồn vinh, xem khắp nước Việt chỗ ấy là nơi hơn cả. Thực là chỗ hội họp của bốn phương, là nơi thượng đô của kinh sư muôn đời...”(Ngô Sĩ Liên, 1967: 190).
 Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Phạm Hùng
Về tư liệu khảo cổ học, trong địa bàn của nước Văn Lang và Âu Lạc, các nhà khảo cổ học đã phát hiện, nghiên cứu và xây dựng được phổ hệ các nền văn hóa Tiền Đông Sơn - Đông Sơn. Năm 208 TCN, nước Âu Lạc được thành lập trên cơ sở nối tiếp nước Văn Lang. Thành Cổ Loa, nước Âu Lạc không tồn tại được lâu dài, đến năm 179 TCN, khi cơ đồ Âu Lạc “đắm chìm biển sâu” thì Cổ Loa cũng mất vai trò lịch sử, nước ta bị phương Bắc đô hộ trên nghìn năm.
Trong 1.000 năm Bắc thuộc, hầu hết các vùng miền của lãnh thổ Âu Lạc cũ đều có những chuyển biến sâu sắc, trong đó khu vực nội thành Hà Nội trở thành trung tâm chính trị lớn nhất của các chính quyền đô hộ Tùy - Đường. Và, đây cũng là địa bàn tập hợp, quy tụ sức quật khởi của cả nước đấu tranh chống nô dịch, đồng hóa như các cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan (713 - 722), Phùng Hưng (791), Dương Thanh (819 - 820), các cuộc đấu tranh giành khôi phục quyền tự chủ của họ Khúc, họ Dương… và cuối cùng là cuộc trung hưng vĩ đại của người anh hùng dân tộc Ngô Quyền, năm 938.
Dưới triều nhà Đinh - Tiền Lê, đất nước ổn định, thanh bình, phát triển về mọi mặt ở Hoa Lư (Ninh Bình). Đến thời Lý, ngay sau khi lên ngôi vua được một năm, Lý Công Uẩn đã xuống Chiếu dời đô về thành Đại La và đổi tên thành Thăng Long. Trong những năm đầu của triều đại nhà Lý, việc xây dựng kinh thành mới dựa trên những thành tựu của thời Đại La và thời Đinh - Tiền Lê. Những dấu ấn mới của người Việt, của một quốc gia độc lập phải được xác lập và phải khác với một nghìn năm bị phương Bắc đô hộ. Lý Công Uẩn cùng triều đình và quân dân nước Việt thấu hiểu cần phải có một diện mạo mới cho kinh thành, một kinh thành của một dân tộc khát khao tự do, khát khao khẳng định mình với tư cách một quốc gia không chỉ độc lập về hành chính mà còn cả về tâm hồn, nghệ thuật.

Truyền thống quy hoạch

Trong quy hoạch và thiết kế thành Cổ Loa, điều kiện địa hình tự nhiên được nghiên cứu tường tận và được lợi dụng một cách thông minh, sáng tạo. Sông Hoàng Giang được lợi dụng làm ngoại hào, các đầm nước làm bến cảng, các gò đồi đất được đắp nối với nhau thành các vòng thành, vừa đảm bảo sự kiên cố, lợi hại của toà thành và tiết kiệm sức lao động. Thành Hoa Lư cũng có một kiểu cấu trúc rất độc đáo.

Nếu Kinh đô Âu Lạc được quy hoạch xây dựng trong tứ giác nước, Kinh đô Hoa Lư được xây đắp lợi dụng sự hiểm trở của núi rừng ở sau lưng và sông Sào Khê bao bọc từ bờ Bắc sang Đông, thì Kinh đô Thăng Long của nước Đại Việt rộng lớn, to đẹp được xây dựng bên bờ sông Hồng. Sông Hồng uốn quanh thành Thăng Long từ phía Bắc về phía Đông. Phía Tây và phía Nam được bao bọc bởi dòng Tô Lịch và Kim Ngưu. Cho đến thế kỷ thứ XVII - XVIII, khi nhà Nguyễn xây thành Hà Nội theo kiểu thành Vauban, cũng vẫn kết hợp và tận dụng tối đa điều kiện tự nhiên. Dòng Tô Lịch được cải tạo và nối với hệ thống hào phía Đông Bắc để cung cấp nước cho hệ thống hào quanh thành rồi chảy ra sông Hồng ở cửa Giang Khẩu (khoảng phố Chợ Gạo hiện nay).

Hồ Gươm chính là dòng sông Hồng uốn lượn đã đổi dòng mà thành, có thời kỳ được gọi là hồ Thủy Quân. Sông được tận dụng làm hào tự nhiên, làm hệ thống giao thông và thoát nước. La thành vừa là luỹ phòng vệ, vừa là đê ngăn lũ lụt và đường đi. Hiện nay dấu tích của La thành chính là đường Đê La Thành, đã nói lên chức năng kết hợp Thành – Đê - Đường của vòng thành này, hoàn toàn giống với thành Ngoại Cổ Loa. Cũng như Cổ Loa và Hoa Lư, kinh thành Thăng Long cũng được quy hoạch lợi dụng tối đa điều kiện tự nhiên, cho phép:

Nhị Hà quanh Bắc sang Đông

Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này

Hay

Khen ai kéo hoạ dư đồ

Trước sông Nhị Thủy, sau hồ Hoàn Gươm.

Về cấu trúc, thành Cổ Loa với 3 vòng luỹ, hào đều mở các cửa đường bộ và đường thủy. Thành Nội mở duy nhất một cửa, thành Trung mở 5 cửa, thành Ngoại 3 cửa. Thành Hoa Lư, với 2 vòng thành, hào, được mở 7 cửa bộ và thủy. Thành Thăng Long thời Lý - Trần - Lê về cơ bản giữ nguyên thành Đại La, với 3 vòng: Đại La thành, Hoàng thành, Tử cấm thành và không có nhiều thay đổi về quy mô, nhưng cấu trúc trong các vòng thành có nhiều thay đổi, nhất là việc đặt các cửa thành. Đối với vòng thành ngoài cùng (Đại La thành), năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, đã xây dựng 8 điện 3 cung, đắp thành đào hào, bốn mặt thành mở bốn cửa: Phía Đông cửa Tường Phù, phía Tây cửa Quảng Phúc, phía Bắc cửa Diệu Đức, phía Nam cửa Đại Hưng. Cửa sông có hai bến cảng quan trọng của kinh thành: Giang Khẩu tức cửa sông Tô Lịch và cửa Triều Đông hay Đông Bộ Đầu hay Bến Đông (dốc Hòe Nhai xuống).

Năm 1230, nhà Trần mở rộng thành Đại La và xây đắp thêm bốn cửa thành ở phía ngoài, gồm cửa: Triều Đông (dốc Hòe Nhai), Tây Dương (ô Cầu Giấy), Trường Quảng (ô Chợ Dừa), Cửa Nam(ô Cầu Dền), cửa Vạn Xuân (ô Đống Mác).

Đối với Hoàng thành, từ thời Lý, Trần sang thời Lê sơ, được mở rộng thêm về phía Tây Nam, đặt 4 cửa thành ở bốn phía Đông, Tây, Nam, Bắc. Cho đến nay, còn các cửa: Tường Phù ở phía Đông và cửa Đại Hưng ở phía Nam, cửa Diệu Đức ở phía Bắc.

Đối với vòng Cấm thành mà trung tâm là điện Càn Nguyên rồi điện Thiên An, điện Kính Thiên trên núi Nùng, thì quy mô và vị trí hầu như không thay đổi qua các vương triều và các thời kỳ lịch sử từ Lý đến hết Lê Trung Hưng. Theo Hình luật chí thì Cấm thành đời Lê có nhiều lớp cửa, từ ngoài vào có cửa Đoan Minh (Đoan Môn) còn lại đến nay (Phan Huy Chú 1960: 114).

Thành Hà Nội thế kỷ XIX, được xây theo kiểu Vauban, là một ô vuông giữa các phố Hùng Vương, Phan Đình Phùng, Phùng Hưng, Trần Phú hiện nay. Thành mở 5 cửa: Đông, Bắc, Tây, Đông Nam và Tây Nam. Phía ngoài các cửa thành có luỹ bảo vệ nhô ra hình tháp tù (ta quen gọi là mang cá), phía ngoài cũng có hào.

Như vậy, các kinh thành Cổ Loa - Hoa Lư- Thăng Long ở góc nhìn địa - lịch sử và quy hoạch, dựa trên cơ sở khoa học phản ánh bề dày truyền thống lịch sử văn hóa của những vùng đất thiêng - cố đô qua nhiều vương triều trong nhiều thế kỷ khá liên tục. Kinh đô Cổ Loa, Hoa Lư và Thăng Long đều có bề dày lịch sử mang tính liên tục và hội tụ, kết tinh của một trung tâm văn hóa quốc gia, có giao lưu, trao đổi, thu - nhận, tiếp biến rộng rãi với khu vực và các nền văn hóa khác. Điều đặc biệt quý hiếm là ở cả ba kinh đô cổ này còn để lại đến hôm nay nhiều di tích, di vật biểu đạt một quá trình lịch sử văn hoá lâu dài, có sức sống mãnh liệt, hiện ích cho cuộc sống hôm nay và mai sau.Trong đó, Kinh đô Thăng Long - Hà Nội đã được công nhận là Di sản văn hóa thế giới tròn 10 năm (2010 - 2020).

 PGS.TS Lại Văn Tới - Viện Nghiên cứu Kinh thành (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần