Chọn sách giáo khoa lớp 1 phải phù hợp với địa phương

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ GD&ĐT đã công bố 38 bản mẫu sách giáo khoa (SGK) lớp 1 ở tất cả 9 môn học/hoạt động giáo dục được Hội đồng thẩm định quốc gia đánh giá “Đạt". Vấn đề đặt ra hiện nay là các địa phương lựa chọn SGK như thế nào để sử dụng trong nhà trường.

 Sách giáo khoa lớp 1 là tài liệu quan trọng. Ảnh: Internet

Sách giáo khoa là tài liệu quan trọng
Trước đây, SGK là duy nhất, là pháp lệnh và yêu cầu bắt buộc sử dụng trong trường học. Tuy nhiên, khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018, chương trình là pháp lệnh với nội dung mang tính chất khung và chung cho toàn quốc. Theo các mạch nội dung trong chương trình, các tác giả và nhà khoa học tiếp cận và có nhiều cách thể hiện trong SGK. Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT Thái Văn Tài, SGK là tài liệu quan trọng trong quá trình dạy và học. Trước đây, SGK tiếp cận theo nội dung và chuẩn kiến thức kỹ năng. Bây giờ, chương trình có sự thay đổi lớn, tiếp cận theo hướng hình thành phẩm chất và phát triển năng lực, vì thế các SGK được viết theo hướng này.
Liên quan tới việc Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam có tới 4 bộ SGK được Hội đồng thẩm định quốc gia đánh giá “Đạt”, ông Thái Văn Tài khẳng định sẽ không có sự độc quyền. “Theo tôi, tính độc quyền chỉ có một bộ SGK, còn bây giờ có nhiều bộ, từ nhiều nhóm tác giả và nhà khoa học khác nhau đã thể hiện sự đa dạng trong viết SGK” – ông Tài nhấn mạnh. Trước câu hỏi về việc SGK được Hội đồng thẩm định đánh giá “Đạt” đã được thử nghiệm trong thực tiễn chưa, ông Tài phản hồi: Trước khi NXB gửi bản mẫu SGK lớp 1 lên Hội đồng thẩm định quốc gia phải có hồ sơ thực nghiệm theo đúng quy định. Trách nhiệm của NXB phải tổ chức thực nghiệm với thời lượng theo đúng mạch nội dung của chương trình quy định. Bộ GD&ĐT kiểm tra các hồ sơ này trước khi nhận những bản thảo SGK để thẩm định.
Mỗi địa phương chọn ít nhất 2 bộ SGK
Việc lựa chọn SGK để sử dụng trong các cơ sở GDPT được quy định rõ tại điểm C, khoản 1, Điều 32 Luật Giáo dục. Theo đó, UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở GDPT trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Hiện nay Bộ GD&ĐT đang xây dựng thông tư để hướng dẫn việc lựa chọn SGK. Theo Bộ GD&ĐT, thành phần tham gia vào Hội đồng lựa chọn SGK cấp tỉnh sẽ bao gồm các nhà quản lý giáo dục, nhà khoa học, đặc biệt chiếm tỷ lệ đa số là giáo viên đang trực tiếp giảng dạy môn học, hoạt động giáo dục ở cấp học tương ứng. Việc lựa chọn SGK phải đảm bảo nguyên tắc những sách thuộc danh mục đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt, cho phép sử dụng, công khai, minh bạch. SGK được lựa chọn phù hợp với điều kiện của địa phương và điều kiện tổ chức dạy và học. Mỗi tỉnh nên chọn ít nhất 2 bộ SGK. Với TP Hà Nội, nên chọn SGK có nội dung khó hơn so với các địa phương khác.
Về Hội đồng lựa chọn SGK lớp 1, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, thành phần không thể thiếu là đại diện giáo viên đang đứng lớp cấp tiểu học. Việc lựa chọn SGK môn này cũng cần có sự tham gia của giáo viên môn khác vì một cô dạy tất cả các môn. Theo TS Vũ Thu Hương – Chuyên gia giáo dục, học sinh có tiếng nói quyết định sự hấp dẫn của bộ SGK. Do vậy, rất nên có học sinh lớp lớn chọn SGK cho lớp bé. Như thế, các em sẽ chọn được cuốn sách thật sự yêu thích và cảm nhận được sự tôn trọng của người lớn.
Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, trong tháng 12/2019 sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK lớp 1. Sau khi các địa phương hoàn thành việc lựa chọn SGK lớp 1, các NXB có SGK lớp 1 được những địa phương lựa chọn sẽ phối hợp tập huấn sử dụng SGK cho tất cả các giáo viên dạy lớp 1 năm học 2020 – 2021, hoàn thành trước ngày 30/6/2020.