Chọn thế mạnh để cạnh tranh

Thắng Văn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Thế giới có 7 tỷ người, nếu mỗi người ăn một cân tôm thì nhu cầu tiêu dùng là 7 triệu tấn nhưng nguồn cung hiện chỉ đạt 5 triệu tấn nên dư địa xuất khẩu còn rất nhiều" - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết như vậy khi giải trình tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội ngày 1/11.

Dẫn chứng đó cho thấy, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức bởi biến đổi khí hậu và hội nhập, nếu xác định được các mặt hàng thế mạnh để tập trung đầu tư, nông sản Việt hoàn toàn có thể vươn sức cạnh tranh được trên thị trường thế giới.
 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông Nguyễn Xuân Cường giải trình trước Quốc hội sáng 1/11 (ảnh: Quang Vinh - VOV)
Câu chuyện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đã được Bộ NN&PTNT triển khai từ 4 năm nay. Trong đó từ năm 2017 tập trung vào 3 trục sản phẩm chính gồm: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, TP và nhóm sản phẩm chủ lực vùng, miền. Trên thực tế, việc xác định các trục sản phẩm chủ lực này để tập trung phát triển đã mang lại hiệu quả rõ rệt khi nhiều mặt hàng thế mạnh ngày càng khẳng định được vị thế. Đơn cử, Đồng bằng sông Cửu Long trước đây chú trọng ưu tiên phát triển theo thứ tự lúa gạo - thủy sản - trái cây, nay đã chuyển sang thứ tự thủy sản - trái cây - lúa gạo. Nhờ được chú trọng đầu tư, thủy sản trở thành mặt hàng đóng góp lớn nhất vào giá trị xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp với 7 tỷ USD năm 2016 và đạt 6,73 tỷ USD trong 10 tháng năm 2017.

Bên cạnh đó, trong khi các mặt hàng lúa gạo, cà phê, tiêu liên tục sa sút trong những năm gần đây thì rau quả lại vươn lên mạnh mẽ khi góp mặt vào nhóm mặt hàng xuất khẩu “tỷ đô” của Việt Nam nhờ được quy hoạch vùng trồng đạt chuẩn và xúc tiến mở rộng thị trường. 10 tháng năm 2017, xuất khẩu rau quả đạt 2,84 tỷ USD và được coi như một điểm sáng của toàn ngành nông nghiệp. Điều đó cho thấy, nếu lựa chọn đúng hướng, đầu tư trọng tâm, trọng điểm sẽ đạt kết quả tốt.

Với nhiều vùng nông nghiệp thế mạnh, mơ ước đưa Việt Nam trở thành bếp ăn của thế giới không phải quá xa vời như kỳ vọng của nhiều chuyên gia và tái cơ cấu toàn diện ngành chính là chìa khóa để hiện thực hóa giấc mơ. Hiện nay, nông sản Việt đã được xuất khẩu đi 180 nước với kim ngạch đạt 30 tỷ USD/năm cũng là một con số đáng tự hào. Tuy nhiên, nhìn lại, việc quy hoạch và xác định sản phẩm thế mạnh trong tái cơ cấu nông nghiệp ở nhiều địa phương vẫn còn nhiều điều đáng băn khoăn. Thực tế, tình trạng quy hoạch “sách vở” vẫn còn phổ biến ở nhiều địa phương, trong đó có cả một số huyện ngoại thành Hà Nội. Địa phương nào cũng “vẽ” ra các vùng lúa hàng hóa, rau an toàn, vùng cây ăn quả, vùng chăn nuôi tập trung…mà không ưu tiên những cây, con chủ lực. Chính điều này dẫn tới câu chuyện “được mùa mất giá” trở thành nỗi niềm đau đáu mà năm nào, người nông dân và ngành nông nghiệp cũng phải loay hoay tìm hướng giải quyết. Câu chuyện thịt lợn, thịt gà rớt giá thê thảm thời gian qua cho thấy rõ điều đó.

Biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng lớn đến nước ta, nhất là sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, đây cũng là phép thử cho cả ngành nông nghiệp lẫn các địa phương để tìm được chìa khóa thích ứng, trụ vững và vươn lên trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Như Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường giãi bày trước Quốc hội: “Nếu chúng ta không tính toán kỹ, lựa chọn sản phẩm mang tính thế mạnh để phát triển với giá thành phù hợp, có sức cạnh tranh về chất lượng thì sẽ không thể thắng được mà thua trên sân nhà”.