Chống chuyển giá: Tiếp tục là cuộc chiến gian nan

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nếu 10 năm trước, chuyển giá vẫn là một khái niệm mới thì nay, hoạt động này ngày càng phổ biến. “Chuyển giá không chỉ phổ biến với DN FDI mà còn xảy ra ở cả các DN trong nước” - đại diện Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho hay tại Hội thảo “Chuyển giá - những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý hiện nay” do KTNN phối hợp với Hiệp hội Kế toán công chứng Anh Quốc (ACCA) tổ chức ngày 19/7.

Xuất hiện ngày càng phổ biến
Theo Tổng KTNN Hồ Đức Phớc, chuyển giá không những là một hình thức thất thu ngân sách lớn mà còn làm méo mó môi trường kinh doanh, tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế và chứa đựng nhiều rủi ro khác. Thời gian qua, KTNN đã thu hồi hàng trăm nghìn tỷ đồng cho ngân sách. Trong đó, có các khoản kiến nghị tăng thu từ hoạt động chuyển giá của đối tượng kiểm toán.
 Dây chuyền sản xuất bia tại Nhà máy Bia Sài Gòn
Không phải ngẫu nhiên mà trong giai đoạn 2015 - 2017, có khoảng 50% DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang hoạt động kinh doanh ở Việt Nam kê khai lỗ, trong đó, nhiều DN kê khai lỗ nhiều năm liền song vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất. Đáng nói, theo ông Hồ Đức Phớc, không chỉ các DN FDI mà đến nay, nhiều DN nội địa đã có dấu hiệu rõ ràng của việc chuyển giá làm thất thu ngân sách Nhà nước. Vụ việc tiêu biểu được lãnh đạo KTNN nhắc đến là Sabeco. “Dưới góc độ pháp lý, việc kiến nghị của KTNN truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với Sabeco có thể xem như đã gián tiếp chỉ ra một lỗ hổng trong việc quản lý thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định hiện hành” – Tổng KTNN cho hay.

"Không chỉ các DN FDI mới chuyển giá mà có thể có một số không nhỏ các DN khác cũng đã thực hiện hành vi chuyển giá nội địa. Thực tế đã có cơ sở để xuất hiện hành vi chuyển giá nội địa, đó là các quy định về thuế suất ưu đãi và miễn giảm thuế có thời hạn." - TS Lê Xuân Trường - Học viện Tài chính

Cũng đề cập đến Sabeco, theo PGS.TS Nguyễn Đình Hòa - Quyền Giám đốc trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán - KTNN, tại cuộc kiểm toán Sabeco, KTNN đã phát hiện DN này có hành vi chuyển giá dẫn đến kê khai thiếu thuế tiêu thụ đặc biệt số tiền 408 tỷ đồng. Cụ thể, Sabeco vừa thực hiện sản xuất, vừa thực hiện phân phối sản phẩm bia. Sabeco sản xuất và bán bia cho công ty con của mình là các công ty thương mại Sabeco. Công ty này không bán bia ngay cho người tiêu dùng mà bán qua công ty con khác do DN này chi phối với giá thấp. Sau đó bia được bán lại cho công ty khu vực, đến đại lý cấp 1, cấp 2, cấp 3, đến nhà hàng…, sau đó mới đến người tiêu dùng. Như vậy, theo quy định tại Thông tư 05/2012/TT-BTC, khó xác định giá ở mốc thời điểm nào trong chuỗi bán hàng của Sabeco để tính thuế.

Thiếu hành lang pháp lý

Theo các đại biểu, thời gian qua, Việt Nam đã rất nỗ lực xây dựng và ban hành nhiều chính sách nhằm thiết lập và dần dần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chống chuyển giá, chống thất thu NSNN, tạo những cơ sở pháp lý nhất định cho hoạt động của ngành thuế trong đấu tranh chống chuyển giá của các DN. Tuy nhiên, hành lang pháp lý về chống chuyển giá ở Việt Nam hiện nay vẫn thiếu đồng bộ, chưa bịt kín lỗ hổng, hiệu lực thấp. Việc thực hành pháp luật trong việc chuyển giá chưa hiệu quả, hiệu lực chưa cao. “Những nước đang phát triển như Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều thách thức chuyển giá hơn các nước phát triển” - TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, ĐH Fulbright Việt Nam cho biết. Các nước đang phát triển thường rất muốn thu hút nhà đầu tư, thậm chí thu hút bằng mọi giá, với rất nhiều ưu đãi về thuế, trong khi phương diện quản lý thuế cũng buông lỏng, thiếu giám sát với khu vực này.

Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, các đại biểu nhất trí về việc cần sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế hiện hành. Ông Phan Vũ Hoàng - Chủ tịch Ủy ban Hội viên ACCA Việt Nam, Phó Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam cho biết: “Trong môi trường thuế quốc tế hiện nay, các chương trình hành động chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (gọi tắt là BEPS) đã được triển khai quyết liệt ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Các DN Việt muốn đầu tư ra nước ngoài và các DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam sẽ ngày càng phải lưu ý đảm bảo tuân thủ các quy định về chuyển giá của các quốc gia khi thực hiện dự án đầu tư”.

Các hình thức chuyển giá phổ biến hiện nay mà các DN thường sử dụng gồm: Chuyển giá vào giá trị tài sản đầu tư, tức là thống nhất đưa giá tài sản góp vốn cao hơn giá thị trường nhằm giảm bớt nghĩa vụ nộp thuế trong tương lai; Chuyển giá ẩn trong thu nhập: Có giá giao dịch không theo giá thị trường làm giảm nghĩa vụ thuế; Chuyển giá đa chiều: Đây là hình thức các công ty có liên quan thỏa thuận giao dịch không theo giá thị trường nhằm làm đẹp giả tạo tình hình tài chính của nhau và làm thất thu thuế; Chuyển giá thông qua các hình thức giao dịch thương mại khác.