Chống dịch đâu chỉ mỗi khẩu trang

Nguyễn Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau nhiều tháng nghỉ học do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, học sinh các trường trên cả nước háo hức quay lại lớp học. Trở lại trường nhưng do dịch vẫn chưa dứt nên công tác phòng dịch vẫn được các trường chú ý.

 Ảnh: Minh An
Tuy nhiên, bên cạnh sự tích cực trong việc phòng dịch, bố trí lịch học cũng như bảo đảm giãn cách, sau hai ngày đi học trở lại, hình ảnh nhiều em học sinh đeo khẩu trang suốt buổi học, thậm chí đội tấm chắn ngăn giọt bắn trong lớp học được nhiều phụ huynh, giáo viên và học sinh quan tâm. Trở lại trường, học sinh được giáo viên hướng dẫn thực hiện các quy định phòng chống dịch Covid-19, điều này rất đáng được khuyến khích.
Nhưng nếu phòng dịch "quá mức cần thiết" thì có khi lợi không bằng hại. Tất cả các em học sinh đều đã đeo khẩu trang, lại còn đội thêm chiếc mũ chống giọt bắn, liệu có cần thiết không? Các em phải ngồi học suốt buổi với chiếc mũ chống giọt bắn trên đầu, liệu có thoải mái để học, để tiếp thu kiến thức hay không?
Chị Đào Thị Hoa, quận Long Biên chia sẻ: “Tôi thấy ở lứa tuổi các bé, phần lớn đều rất khó chịu mỗi lần đeo khẩu trang do cảm thấy nóng nực hoặc bị cọ sát vào mặt. Nhất là đeo trong suốt buổi học thì càng không khả quan. Chắc chắn con tôi sẽ không chịu đeo lâu như thế mà sẽ tháo ra cất vào ba lô”. Một số phụ huynh khác cho rằng, việc đeo khẩu trang để phòng dịch Covid-19 là rất tốt, nhưng chỉ là một phần chứ khẩu trang không phải là “phép thần thông” ngăn chặn virus Corona không xâm nhập vào cơ thể. Vì thế, nếu như có mầm bệnh xuất hiện thì nguy cơ lây lan có thể thông qua nhiều cách như chạm tay vào khẩu trang, chạm vào mắt, mũi… “Tay các bé không sạch, tháo khẩu trang ra rồi lại đeo vào nhiều lần trong ngày còn nguy hiểm hơn” - đó là ý kiến của không ít phụ huynh.
Trong khi đó, theo ý kiến một bác sỹ về các bệnh truyền nhiễm, việc đeo tấm kính chắn này dùng trong trường hợp mặt đối mặt và chăm sóc trực tiếp với bệnh nhân. Còn trong phòng học thì học sinh cùng đều nhìn về một hướng trên bục giảng cho nên không cần thiết; không những không có tác dụng mà còn gây ra cho các em cảm giác khó chịu, ngột ngạt, thậm chí là gây khó khăn về thị lực.
Đó là trong giờ học, còn giờ nghỉ và ngay sau giờ học, các em lại vui chơi với nhau, cũng tụm năm tụm bảy cũng cần sự giám sát, nhắc nhở của giáo viên thay vì chỉ là yêu cầu đeo khẩu trang, đeo tấm kính chắn giọt bắn.
Đeo khẩu trang sẽ không có tác dụng nhiều bằng việc giáo dục con ý thức phòng bệnh như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn, che mũi miệng khi ho hay hắt hơi. Quan trọng nhất là bé nào có dấu hiệu ho, khó thở, sốt thì không nên cho tới trường. Còn đeo khẩu trang thì cũng phải hướng dẫn các con đeo đúng cách, tháo đúng cách.
Phòng dịch cẩn thận là tốt, nhưng đừng hình thức, mà hãy tính toán hiệu quả.