Chống hàng giả, hàng nhái: Chế tài thiếu sức răn đe

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để có thể ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái đòi hỏi các cơ quan lập pháp sửa đổi, ban hành các điều luật phù hợp với thực tế. Đó là ý kiến của các đại biểu tại diễn đàn “Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam: Thách thức và giải pháp” do Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương tổ chức ngày 26/11.

 Quản lý thị trường kiểm tra nguồn gốc xuất xứ mỹ phẩm trên phố Bạch Mai.
Tràn lan hàng giả núp bóng hàng Việt
Báo cáo của Tổng cục QLTT cho thấy, từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT đã kiểm tra, xử lý 6.597 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 19 tỷ đồng. Mặc dù lực lượng chức năng tích cực ngăn chặn nhưng hiện nay, hàng giả, hàng nhái có mặt ở hầu hết các phân khúc của thị trường, từ quầy hàng tạp hóa, các phiên chợ vùng sâu, vùng xa, đến cả hệ thống siêu thị hiện đại… Đặc biệt, nổi lên tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả mạo xuất xứ, nhãn mác "Made in Vietnam”, ảnh hưởng đến uy tín DN, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và môi trường đầu tư.

Để từng bước hạn chế vấn nạn sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên thị trường đối với mặt hàng gas, các cơ quan chức năng cần rà soát Nghị định số 87/2018/NĐ-CP về kinh doanh khí và Nghị định số 67/2017/NĐ-CP của Chính phủ về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kinh doanh khí miền Bắc Trần Trọng Hữu

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Hoàng Ánh Dương, đánh vào tâm lý người tiêu dùng, các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn nhập lậu hàng hóa, gắn mác hàng Việt Nam hoặc các thương hiệu nổi tiếng. Thậm chí xuất hiện tình trạng người nước ngoài trực tiếp làm giả hàng Việt hoặc núp bóng xuất xứ hàng Việt để xuất khẩu sang nước thứ ba. “Giám đốc Đối ngoại và truyền thông nhãn hàng L'Oréal Việt Nam Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh phản ánh, hiện hàng giả chiếm đến 75% thị phần mặt hàng mỹ phẩm. Quảng cáo cho hàng giả thậm chí xuất hiện công khai trên các trang báo mạng tin cậy, gây nhầm lẫn và thiệt hại đáng kể cho người tiêu dùng.
Quy định chưa sát thực tế
Phân tích nguyên nhân khiến hàng ngoại giả mạo xuất xứ hàng Việt có chiều hướng gia tăng, các đại biểu cho rằng việc xử lý hành vi vi phạm gặp nhiều khó khăn khi các chế tài xử lý chưa được hoàn thiện. Điều này tạo ra “lỗ hổng” pháp lý để các đối tượng sản xuất hàng giả lợi dụng sản xuất, tiêu thụ.
Thượng tá Đỗ Đức Tạo - Phó trưởng Phòng 11, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) cho rằng, vẫn còn nhiều bất cập trong việc xử lý hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Cụ thể, Điều 226 Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 có quy định chi tiết về “quy mô thương mại”,“gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý”, nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thế nào là “quy mô thương mại” và “tiêu chí, cách thức đánh giá, xác định mức thiệt hại gây ra cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý”...
Điều 12, Nghị định 99/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp cũng quy định đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý, mức xử phạt cao nhất cho hành vi này là phạt tiền không quá 250 triệu đồng đối với giá trị hàng hóa vi phạm trên 300 triệu đồng, không quy định mức trị giá hàng hóa tối đa để xử lý hình sự. Điều này dẫn đến hành vi vi phạm vừa có thể xử lý bằng biện pháp hình sự vừa có thể xử lý hành chính. “Các cơ quan thực thi pháp luật thường chọn hình thức xử lý hành chính bởi quy trình xử lý đơn giản hơn đối với xử lý bằng biện pháp hình sự” - Thượng tá Đỗ Đức Tạo phân tích.
Phó cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Trịnh Quang Đức nêu rõ, Chính phủ đang sửa đổi Nghị định số 185/2013/NĐ-CP, qua đó hỗ trợ lực lượng chức năng trong việc xử lý hàng giả, hàng nhái nhưng vẫn chưa sát thực tế. Cụ thể, tại khoản 5 Điều 1 sửa đổi khoản 9 Điều 3 quy định "Tem, nhãn, bao bì giả” gồm đề can, nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, các loại tem chất lượng, phiếu bảo hành… có chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ của thương nhân khác. Cách tiếp cận trên vẫn chưa điều chỉnh về các loại tem, nhãn giả khác như tem chống hàng giả, tem truy xuất nguồn gốc, tem rượu nhập khẩu, rượu sản xuất trong nước... dẫn đến việc xử lý của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn.
Cuộc chiến đẩy lùi hàng giả, hàng không rõ xuất xứ núp bóng “Made in Vietnam” đang tiếp tục là vấn đề nóng, trong đó một trong những yêu cầu đặt ra là phải sửa đổi, thống nhất các quy định, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho các lực lượng chức năng kiểm soát tốt thị trường.
Thời gian tới, cần ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng pháp luật trong điều tra, truy tố, xét xử các điều khoản liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ quy định trong Bộ luật Hình sự như: Hướng dẫn cụ thể hành vi vi phạm thế nào thì được coi là “quy mô thương mại” tại điều 225 và 226 BLHS; hướng dẫn xử lý hình sự hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (Điều 226 BLHS) theo hướng cơ quan điều tra được ra quyết định khởi tố vụ án khi không có yêu cầu của bị hại.
Thượng tá Đỗ Đức Tạo - Phó trưởng Phòng 11, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an)