Chống lãng phí: Chỉ rõ địa chỉ để quy trách nhiệm

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 12/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017. Trong đó, vẫn còn nhiều hạn chế được chỉ ra về tình trạng lãng phí, thất thoát trong quản lý sử dụng tài sản công, tài chính công. Đặc biệt, nhiều bộ, ngành, địa phương không gửi báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu ý kiến tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Dương Giang
Vẫn còn những tồn tại
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, các cấp, ngành, chính quyền địa phương và Nhân dân trong cả nước đã tích cực triển khai, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTKCLP) trong tất cả các lĩnh vực theo quy định. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế chậm được khắc phục đã và đang gây ra sự lãng phí không nhỏ các nguồn lực của đất nước cũng như trong sản xuất, đời sống của Nhân dân.

Trong đó, các bộ, ngành, địa phương đã đẩy mạnh thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, gắn với lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công. Tuy nhiên, hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp còn cồng kềnh, manh mún, phân tán, chồng chéo. Chi ngân sách Nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập còn quá lớn, chiếm tỷ lệ trên 50% tổng kinh phí hoạt động của các đơn vị (khoảng 140.000 tỷ đồng), tăng 2,2% so với năm 2016. Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước trong năm 2017 phát hiện thừa biên chế 57.175 người trong khu vực Nhà nước. Đây được coi là lĩnh vực còn nhiều dư địa để tiến hành thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Cùng với đó, hệ thống tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công chưa bao quát hết các đặc thù trong thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Chế độ khoán kinh phí sử dụng xe công theo cơ chế tự nguyện, nên còn ít người đăng ký áp dụng. Qua công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện tình trạng chi ngân sách Nhà nước sai tiêu chuẩn, định mức, chế độ còn xảy ra tại nhiều đơn vị.
Trước thực tế còn 4/34 bộ, cơ quan T.Ư, 12/63 tỉnh, TP; 13/23 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn Nhà nước không gửi báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhận định: Không thể đánh giá được đầy đủ, toàn diện tình hình triển khai THTKCLP, nhất là các vi phạm, sai sót. Thực trạng này cũng thể hiện ý thức chưa nghiêm trong việc tuân thủ các quy định của Luật THTKCLP và là một trong những nguyên nhân dẫn đến những bất cập.

Cần chỉ rõ trách nhiệm

Cho rằng “báo cáo chưa thấy biểu dương hay phê bình, đề nghị xử lý trách nhiệm bộ ngành, địa phương nào”, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đề nghị: Làm rõ quy định của pháp luật có đi vào cuộc sống hay không, hiệu quả thế nào hay tổ chức thực hiện có vấn đề, để từ đó có “bài thuốc hữu hiệu”.
“Riêng việc sử dụng sai nguồn kinh phí tiền lương đã lên đến hàng trăm tỷ đồng là quá nguy hiểm, dẫn đến không công bằng trong quản lý ngân sách Nhà nước. Phát hiện xong có thu hồi hay không? Tiền đâu chịu nổi! Ngược lại, một số chính sách thí điểm được coi là tốt, nhưng lại chưa được đánh giá cụ thể như khoán xe công, mua sắm tập trung” - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đặt vấn đề.

Tiếp thu các ý kiến, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, ngay trong ngày 12/4 sẽ báo cáo Thủ tướng kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu những đơn vị chưa nghiêm túc thực hiện việc báo cáo theo Luật THTKCLP.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận định: Tình hình THTKCLP đã có nhiều tiến bộ, nhưng tình trạng lãng phí, thất thoát trong quản lý sử dụng tài sản công, tài chính công, nguồn lực còn kém hiệu quả; lãng phí diễn ra ở các góc độ khác nhau. Ý thức của một số ngành chưa cao, xử lý một số vụ việc chưa kịp thời và chưa nghiêm túc. “Báo cáo của Chính phủ cần làm rõ địa chỉ trách nhiệm để công tác THTKCLP có bước tiến mới trong năm sau” – Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. Đồng thời, quyết liệt hơn các giải pháp và cần công bố công khai những hiện tượng lãng phí để dư luận theo dõi.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê bình các bộ, địa phương, tập đoàn, tổng công ty chưa có báo cáo, thể hiện chưa nghiêm túc. Đây cũng là nội dung giám sát của Quốc hội về chấp hành Luật THTKCLP.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển

Đề xuất những công cụ mới để phát triển đô thị

Chiều 12/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật Quản lý phát triển đô thị. Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, Dự Luật quy định về quản lý hệ thống đô thị; phát triển đô thị theo quy hoạch; đầu tư phát triển đô thị; nguồn lực tài chính phát triển đô thị; quản lý Nhà nước và sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong phát triển đô thị.

Trong đó, liên quan đến nguồn lực tài chính phát triển đô thị, có một số hình thức được quy định mới hoặc làm rõ hơn, bao gồm chuyển quyền phát triển đô thị; huy động đầu tư theo hình thức đối tác công tư; góp quyền sử dụng đất và điều chỉnh lại quyền sử dụng đất.

Về quản lý Nhà nước, Dự Luật quy định rõ phạm vi trách nhiệm, phân cấp quản lý giữa các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các cấp trong quản lý phát triển đô thị, đặc biệt trong đầu tư hạ tầng đô thị và cung cấp dịch vụ công cộng; thu thập số liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu… Bên cạnh đó, quy định về nội dung của hệ thống cơ sở dữ liệu và thông tin quản lý phát triển đô thị; nội dung giám sát, đánh giá quá trình phát triển đô thị… (Hà Bình)