Chống rác thải nhựa: Bài học từ quốc tế

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phong trào chống rác thải nhựa đang lan tỏa tại nhiều quốc gia, từ châu Á đến châu Âu... với nhiều hoạt động, mô hình, sáng kiến.

 Ngành bán lẻ thế giới đang nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa để bảo vệ môi trường.

Hành động vì một tương lai xanh
Để giảm thiểu rác thải nhựa hiệu quả, Chính phủ Thái Lan đã thông qua lộ trình quản lý rác thải nhựa giai đoạn 2018 - 2030. Theo kế hoạch, đến năm 2022, Thái Lan sẽ chấm dứt sử dụng các loại túi nhựa mỏng hơn 36 micron, các loại hộp xốp đựng thực phẩm, các loại ống hút bằng nhựa và cốc nhựa sử dụng một lần. Chính phủ Thái Lan cũng đặt hạn chót đến năm 2022, tất cả các sản phẩm và bao bì làm bằng nhựa đều phải tái chế.
Rác thải nhựa đang trở thành nỗi ám ảnh với môi trường toàn cầu, đặc biệt gây ô nhiễm đại dương trầm trọng khi có tới hơn 8 triệu tấn rác nhựa bị thải xuống biển mỗi năm. Trong một nỗ lực ứng phó cấp bách với cuộc khủng hoảng rác thải nhựa, một chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2019 đã được phát động và tổ chức có quy mô toàn cầu từ ngày 20 - 22/9 và được Liên Hợp quốc (LHQ) lựa chọn chủ đề về ô nhiễm rác thải nhựa.
Tại quốc gia Đông Nam Á khác, Malaysia cũng có kế hoạch ngừng sử dụng đồ nhựa sử dụng một lần vào năm 2030, trong đó chính quyền nước này đã ban hành lệnh cấm sử dụng ống hút nhựa ở Thủ đô Kuala Lumpur, TP Putrajava và Labuan từ đầu năm nay. Các DN bị phát hiện sử dụng ống hút nhựa có thể bị tước giấy phép kinh doanh.
Còn tại Nhật Bản, để hạn chế tác động của rác thải nhựa tới môi trường, chính quyền Tokyo đã ban hành nhiều quy định về thu gom và xử lý rác nói chung và rác thải nhựa nói riêng, trong đó Luật Tái chế một số đồ gia dụng và Luật Thúc đẩy việc phân loại, thu gom, tái chế hộp và bao bì. Ngoài ra, Nhật Bản cũng yêu cầu các DN tính phí cho các loại túi nhựa sử dụng một lần từ tháng 4/2020 nhằm giúp giảm chất thải nhựa.
Nghị viện Thủ đô Mexico City của Mexico hồi đầu tháng 5/2019 đã phê chuẩn cải cách điều 25 của Luật Chất thải rắn, qua đó cấm việc thương mại hóa, phân phối túi nhựa và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần cho người tiêu dùng vào năm 2021 để hướng tới một TP xanh, thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm nhựa tiêu dùng khác được thiết kế cho việc sử dụng một lần cũng bị cấm thương mại và phân phối. Tổng thống Chile Sebastian Pinera cũng ban hành lệnh cấm sử dụng túi nhựa trong hoạt động thương mại. Ngoại trừ bao bì đóng gói, mọi hình thức sử dụng túi nhựa bị cấm tuyệt đối tại siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng hay hiệu thuốc. Cơ sở vi phạm sẽ phải nộp phạt 370 USD với mỗi túi nhựa được phát ra.
Bán lẻ, hàng không “nói không” với đồ nhựa dùng một lần
Mặc dù chưa có con số thống kê toàn diện về khối lượng rác thải nhựa mà các siêu thị, cửa hàng bán lẻ trên toàn cầu cũng như hệ thống sân bay, các hãng hàng không sử dụng mỗi năm nhưng với quy mô khổng lồ, ngành bán lẻ và hàng không giữ vai trò quan trọng trong hoạt động bảo vệ môi trường.
Chuỗi siêu thị Co-op của Anh hồi tháng 9 năm ngoái tuyên bố sẽ dần xóa bỏ loại bao bì đóng gói không thể tái sử dụng và tiến tới ngừng sử dụng túi nhựa dùng một lần từ năm 2023.
2019 cũng là năm nhiều chính sách quyết liệt đã được Chính phủ các nước đưa ra để hạn chế việc sử dụng túi nhựa trong ngành bán lẻ. Theo quy định mới của Chính phủ Hàn Quốc, từ ngày 1/4, các chuỗi cửa hàng bán lẻ và siêu thị không được phép cung cấp túi nhựa dùng một lần cho khách hàng. Đơn vị vi phạm sẽ bị phạt tới 3 triệu won (2.600 USD). Bộ Môi trường Hàn Quốc ước tính biện pháp trên sẽ làm giảm số túi nhựa sử dụng hàng năm khoảng 2,2 tỷ chiếc.
Đối với ngành hàng không, trong một nỗ lực nhằm hiện thực hóa các cam kết bảo vệ môi trường, sân bay nhộn nhịp nhất thế giới Dubai hôm 10/6 thông báo sẽ cấm các sản phẩm nhựa dùng một lần tại khu vực hành khách kể từ ngày 1/1/2020. Chỉ tính riêng 6 tháng vừa qua, sân bay Dubai đã thu gom và xử lý 16 tấn chai nhựa dùng một lần.
Đặc biệt hơn, hãng hàng không Qantas của Australia ngày 8/5 đã đưa vào khai thác chuyến bay thương mại, hành trình từ Sydney đến Adelaide, "không rác thải" đầu tiên trên thế giới như một phần trong chiến dịch “nói không” với đồ nhựa dùng một lần.
Theo đó, khoảng 1.000 vật dụng bằng nhựa sử dụng một lần đều được Qantas thay thế bằng các đồ dụng thân thiện với môi trường, như đồ đựng thực phẩm làm từ mía đường, bộ thìa dĩa được làm từ bột ngô. Giải pháp này sẽ giúp Qantas giảm khoảng 34kg rác thải/chuyến bay từ Sydney đến Adelaide và khoảng 150 tấn rác thải mỗi năm.
Giám đốc điều hành chuyến bay nội địa Andrew David nhấn mạnh, hãng muốn đảm bảo chất lượng dịch vụ bay cho khách hàng mà không thải ra bất kỳ lượng rác thải nào. Qantas cũng lên kế hoạch triển khai sáng kiến này trên các chuyến bay khác của hãng với mục tiêu cắt giảm 100 triệu đồ dùng bằng nhựa dùng một lần mỗi năm cho đến cuối năm 2020.
Thành công với công nghệ tái chế tiên tiến
Hiện nay, châu Âu đang dẫn đầu thế giới trong việc ứng dụng công nghệ xử lý rác thải, trong đó Đức, Áo và Bỉ là những quốc gia sở hữu hệ thống xử lý rác thải nhựa tốt nhất thế giới. Nổi bật nhất trong hệ thống xử lý rác thải nhựa của châu Âu là công nghệ sinh học enzyme của Áo để tái chế nhựa PET (polyethylene terephthalate) - vật liệu sản xuất ra hàng triệu chai nhựa và là một trong những chất ô nhiễm phổ biến nhất trong môi trường.
Trong khi thế giới đang “bó tay” với vấn nạn rác thải nhựa, khi giải pháp tái chế PET thông thường chỉ đốt chảy hoặc nghiền nhỏ, vốn có chất lượng sau tái chế rất kém, một công ty của Áo đã phát triển một giải pháp công nghệ cao, sử dụng enzyme đột biến như một loại nấm để phân hủy nhựa trong vài ngày.
Dưới tác động của enzyme, nhựa PET sẽ bị phân hủy thành phân tử và sau đó có thể dễ dàng chuyển đổi lại thành nhựa chất lượng cao. Nhờ phát hiện ra loại enzyme “ăn nhựa” này, các nhà quản lý môi trường tại Áo có thêm một lựa chọn hiệu quả để tái chế nhựa PET.
Còn tại Na Uy - quốc gia đi đầu thế giới trong phong trào tái chế chất thải nhựa, tổ chức Infinitum cho biết, nước này đã tái chế được tới 97% chai nhựa. Điều đặc biệt, 92% trong số chai nhựa này được tái chế thành nhựa chất lượng cao và có thể tiếp tục đựng nước uống.
Hiện Na Uy chỉ có chưa đến 1% là nhựa không thể tái chế, loại bắt buộc phải thải ra ngoài môi trường. Vòng đời của một số chai nhựa ở Na Uy có thể lên tới 50 lần tái chế, điều này đưa quốc gia Bắc Âu trở thành hình mẫu của cả thế giới trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, để kêu gọi sự chung tay của cả ngành công nghiệp, Chính phủ Na Uy sẵn sàng miễn hoàn toàn thuế này cho tất cả các DN, nếu tỷ lệ tái chế toàn quốc đạt trên 95%. Trong khi kế hoạch này dường như là mục tiêu “không tưởng” đối với nhiều quốc gia khác, đất nước Bắc Âu lại đạt được kết quả trên liên tiếp trong 7 năm qua.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần