Chống thất thu hay tận thu?

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, Tổng cục Thuế đã có văn bản gửi Cục Thuế các tỉnh, TP đề nghị các đơn vị liên quan đưa ngay các hộ kinh doanh xe ôm, xe lam, chủ thầu xây dựng vãng lai, kinh doanh quán cóc, vỉa hè, hộ kinh doanh tại các địa điểm tự phát, không chính thức được hoạt động như chợ tạm, chợ cóc… vào diện quản lý thuế năm 2019. Ngay lập tức, thông tin này đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều trong dư luận.

 Ảnh minh họa
Văn bản chỉ đạo của Tổng cục Thuế bắt nguồn từ việc các thông tin chênh lệch giữa số liệu thống kê và số liệu quản lý thuế đối với hộ kinh doanh của cơ quan thuế. Cụ thể, theo số liệu tổng điều tra thống kê năm 2017 thì số cơ sở kinh tế cá thể là 4,32 triệu. Nếu so sánh với số lượng hộ kinh doanh đang quản lý thường xuyên của cơ quan thuế năm 2018 là 1,68 triệu hộ kinh doanh thì số chênh lệch là 2,21 triệu cơ sở kinh tế cá thể. Nguyên nhân của chênh lệch lớn về số liệu này theo cơ quan thuế là do có sự khác nhau giữa tiêu chí thống kê và tiêu chí quản lý thuế. Ngoài ra, sau khi loại trừ các nhóm kinh tế cá thể khác tiêu chí quản lý thường xuyên của cơ quan thuế như nêu trên thì số liệu chênh lệch vẫn còn là 581.000 hộ kinh doanh.
Để xác định chính xác số liệu chênh lệch này, Tổng cục Thuế đã đề nghị các đơn vị liên quan đưa ngay các hộ kinh doanh xe ôm, quán cóc, vỉa hè... vào diện quản lý của năm 2019. Theo đại diện cơ quan thuế, việc rà soát và đưa vào diện quản lý chỉ bao gồm các hộ kinh doanh có địa điểm cố định, thường xuyên và hộ kinh doanh có mức doanh thu trên 100 triệu đồng/năm thì cơ quan thuế mới ra thông báo để yêu cầu nộp thuế. Trong bối cảnh số thu khu vực hộ cá thể vẫn khiêm tốn thì việc rà soát để quản lý thuế các đối tượng này là cần thiết nhằm đảm bảo công bằng cho người nộp thuế, chống thất thu ngân sách.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngành thuế vẫn chưa quản được hết khu vực này, đặc biệt là các hộ cá thể có doanh thu lớn nhưng mức thuế khoán thấp. Như vậy, thay vì tập trung nhân lực, thời gian để rà soát và tăng thu cả các đối tượng như xe ôm, xe lam, bán hàng rong… khiến cán bộ thuế quá tải, tại sao, ngành thuế không tập trung chống thất thu ở những khu vực thu khả thi hơn? Chưa kể, các đối tượng như xe ôm, hàng rong… thường doanh thu rất nhỏ, rải rác, không ổn định, nếu thu không cẩn thận sẽ thành tận thu, ảnh hưởng đến các đối tượng người thu nhập thấp. Ngoài ra, các chuyên gia cũng cảnh báo, nếu "thiết kế" không tốt, đây có thể trở thành kênh để lạm dụng cho những người được giao để thu thuế các đối tượng trên.

Có thể thấy, công tác chống thất thu khu vực hộ cá thể là cần thiết. Tuy nhiên, thu đối tượng nào để đạt hiệu quả cao nhất, không mất quá nhiều thời gian, nhân lực và đảm bảo được mục tiêu chống thất thu cũng như đảm bảo đời sống người nộp thuế là câu chuyện cần bàn đến. Vì thế, thay vì mở rộng đối tượng thu khả thi thấp, doanh thu nhỏ thì việc tập trung vào các khu vực thu khả thi như các hộ kinh doanh cá thể doanh thu lớn… sẽ giảm bớt thời gian, công sức cho ngành thuế, đặc biệt là không tác động đến đời sống của người dân, đảm bảo ý nghĩa của việc thu thuế.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần