Chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng: Quan trọng là nâng cao nhận thức

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Đó là quan điểm được nhiều chuyên gia đưa ra khi Đoàn giám sát của Quốc hội thảo luận về vấn đề này.

Ảnh minh họa.
Tiềm ẩn nhiều mối nguy với trẻ
Trong cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát của Quốc hội với các bộ, ngành về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” diễn ra ngày 15 - 16/1 và các hội thảo trước đó, các đại biểu đều cho rằng, khi trẻ em sử dụng thiết bị thông minh và mạng xã hội ngày càng nhiều, cũng đem lại nhiều nguy cơ rủi ro, cũng như xuất hiện các hình thức mới xâm hại và bóc lột trẻ em gây tổn hại về thể chất tình cảm, tâm lý, danh dự nhân phẩm của trẻ. Trong khi đó phần lớn trẻ tự tìm tòi, chủ động tham gia mạng xã hội khi chưa được giáo dục, tư vấn các kỹ năng an toàn trên môi trường internet.
Các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng có tác động mạnh hơn đến trẻ em so với hành vi trong đời thực. Bởi thiếu niên và trẻ em là giai đoạn tuổi mà sự phát triển về cả sinh lý, tâm lý có nhiều biến động và thiếu tính ổn định. Mọi tác động từ bên ngoài dù nhỏ cũng rất có khả năng ảnh hưởng lớn đến các em.
Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội Phan Thanh Bình
Qua khảo sát, phần lớn học sinh từ lớp 8 trở lên đã sử dụng điện thoại thông minh, tham gia mạng xã hội nhưng nhiều em cho rằng đó là quyền riêng tư, dẫn đến tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm với các em trên mạng. Theo đại diện Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH), đã có nhiều trẻ em bị xâm hại và trẻ em đứng trước nhiều rủi ro, nguy cơ xâm hại trong môi trường mạng. Cụ thể như, hình ảnh trẻ em bị xâm hại và bóc lột được ghi/quay/chụp lại và phát tán hoặc livestream; tiếp xúc với nội dung bạo lực/nhạy cảm, xúi giục hành vi tiêu cực; ứng xử không phù hợp; gặp những hành vi tiếp xúc không phù hợp; gây nghiện internet/game trực tuyến…
Đưa số liệu cụ thể về xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, Đại tá Phan Mạnh Trường (Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an) cho biết, trong 3 năm qua, các lực lượng bảo vệ pháp luật mới phát hiện hơn 150 vụ việc xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng với số lượng tương ứng đối tượng. Số lượng này không phải lớn nhưng cũng chưa phải là con số phản ánh tình hình thực tế trẻ em bị lạm dụng và xâm hại trên môi trường mạng, và dường như mới là phần nổi của tảng băng chìm.
Không thiếu quy định
Thực tế quy định về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã được đưa ra tương đối đầy đủ tại Luật Trẻ em năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật An toàn thông tin năm 2018. Chính phủ, các bộ, ngành cũng đã ban hành một số văn bản hướng dẫn thi hành luật. Bên cạnh ban hành quy định pháp luật để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, các bộ ngành, tổ chức đoàn thể và từng đơn vị đã triển khai nhiều hoạt động để góp phần thực hiện tốt mục tiêu này… Tuy nhiên, theo một kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững, số trẻ em có kiến thức cơ bản về xâm hại tình dục qua mạng thấp (10,4% tổng số trẻ em được khảo sát), tỷ lệ cha mẹ có kiến thức càng thấp hơn (chiếm 8,6%). Trong khi đó, kết quả nghiên cứu này nhận thấy có 22% số trẻ em được khảo sát đã từng trải qua việc bị xâm hại tình dục trực tuyến.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội Ngô Thị Minh cho rằng, không phải vì thiếu quy định pháp luật, chế tài xử phạt vi phạm, hay thiếu sự tích cực thực hiện từ các cơ quan chức năng, mà chủ yếu do phương thức thực hiện chưa phù hợp, thiếu sự phối hợp giữa các cấp, các ngành...
Góp ý về các giải pháp nhằm phòng chống xâm hại trẻ em, đa số các ý kiến đề nghị tăng cường giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, áp dụng các biện pháp kỹ thuật - công nghệ trên môi trường mạng, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, cần có đội ngũ chuyên gia tâm lý làm việc tại ngay các cơ sở giáo dục. Đồng thời, nâng trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, tạo môi trường mạng lành mạnh, trong sạch để khi trẻ em tiếp cận thì hưởng lợi ích nhiều mà tác động tiêu cực ít.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần