Chủ động nguồn cung thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để không thiếu hàng hóa thiết yếu phục vụ Nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhất là trong bối cảnh mặt hàng thịt lợn đang có nhiều biến động và dịch Covid-19, Hà Nội đã lên kế hoạch cân đối cung - cầu, kết nối giao thương, chủ động chuẩn bị hàng hóa.

Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Big C. Ảnh: Thu Hương
39.400 tỷ đồng dự trữ hàng Tết
Sở Công Thương Hà Nội dự báo, trong những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhu cầu mua sắm của người dân tăng từ 3 - 20% đối với các mặt hàng gạo, thịt lợn, thịt bò, thịt gà, rau, củ, quả... Mặc dù nhu cầu tiêu thụ tăng nhưng khả năng sản xuất của DN Hà Nội chỉ đáp ứng 50 - 65% nhu cầu tiêu thụ của người dân.

Thực tế cho thấy, thời điểm giáp Tết không tránh khỏi sự biến động về giá cả các loại mặt hàng thiết yếu, đặc biệt dịch Covid-19 và dịch tả lợn châu Phi đã khiến nguồn cung thực phẩm bị thiếu hụt. Để khắc phục tình trạng này, Sở Công Thương đã chỉ đạo, phối hợp với các DN triển khai dự trữ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu với tổng giá trị 39.400 tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2020.

Theo Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Vũ Thanh Sơn, Hapro đã lên kế hoạch dự trữ các mặt hàng thiết yếu như thịt bò, thịt lợn, trứng, thủy sản… góp phần ổn định thị trường. Còn hệ thống siêu thị Big C đã xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa, tăng cường tìm kiếm các nhà cung cấp, trong đó chú trọng các DN Việt.

Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, lượng hàng hóa tại kho của các DN luôn bảo đảm cung ứng đủ cho thị trường Hà Nội trong vòng 60 - 90 ngày, đồng thời chủ động nguồn cung sẵn sàng bổ sung, đưa hàng về Hà Nội khi nhu cầu tăng đột biến. Một số đơn vị bán lẻ lớn như Tập đoàn Central Retail (quản lý hệ thống siêu thị Big C, Lan Chi), Tập đoàn BRG (quản lý hệ thống các siêu thị Hapro, Intimex, SEIKA mart, BRG Mart…), Co.opmart... đã tăng lượng dự trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu từ 300 - 500% so với bình thường.

Đưa hàng Việt về các vùng quê

Nhằm đưa hàng Tết đến với người dân các huyện ngoại thành, xã miền núi, khu công nghiệp, trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tổ chức 12 phiên chợ Việt, 300 chuyến bán hàng lưu động phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và người lao động. Bên cạnh đó, DN bán lẻ sẽ tổ chức bán hàng phục vụ Tết tại 28 trung tâm thương mại, 142 siêu thị, 455 chợ, và 11.382 trang web, sàn thương mại điện tử và hàng nghìn cửa hàng tiện lợi, chuỗi kinh doanh mặt hàng nông sản thực phẩm.

Đặc biệt, Sở Công Thương Hà Nội giới thiệu tới DN các tỉnh, thành đưa hàng về bán tại 28 điểm kinh doanh cố định do TP Hà Nội bố trí, tạo điều kiện cho DN tiêu thụ hàng hóa, người tiêu dùng tiếp cận đặc sản vùng miền bảo đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, đúng giá. Đánh giá về việc tổ chức các chuyến bán hàng lưu động phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu cho rằng, đây là hoạt động góp phần thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, kích cầu tiêu dùng, bình ổn thị trường.

Nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng, Sở Công Thương đã yêu cầu các DN tham gia phải bày bán hàng Việt Nam chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý; đề nghị các quận, huyện tạo điều kiện và hỗ trợ DN, hộ kinh doanh tổ chức tốt công tác dự trữ hàng hóa. Đồng thời yêu cầu Cục Quản lý thị trường Hà Nội tăng cường kiểm tra thị trường, chống vận chuyển, buôn bán hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại, thực hiện các quy định về đăng ký, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống Nhân dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Để bảo đảm nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết, Sở Công Thương Hà Nội đã xây dựng kế hoạch kích cầu tiêu dùng cuối năm trên cơ sở bám sát tình hình thị trường để tham mưu cho lãnh đạo TP. Ngoài ra, Hà Nội phối hợp với các địa phương đưa nguồn hàng các tỉnh, thành khác như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình vào Hà Nội để vừa hỗ trợ các địa phương tiêu thụ sản phẩm, lại đa dạng nguồn cung cho thị trường Thủ đô.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan
Một số mặt hàng chuẩn bị dự trữ để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 gồm: Gạo 292.500 tấn, thịt lợn 56.700 tấn, thịt gà 18.900 tấn, thịt bò hơn 18.459 tấn, trứng gia cầm 396 triệu quả, rau củ hơn 315.000 tấn, thủy hải sản 15.750 tấn, thực phẩm chế biến 18.114 tấn, trái cây 156.000 tấn, khoảng 9.000 tấn bánh mứt kẹo, 600 triệu lít rượu, bia, nước giải khát.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần