Chủ động nguồn nước tưới cho vụ Xuân

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, việc lấy nước gieo cấy vụ Xuân tại Hà Nội gặp khá nhiều khó khăn do mực nước sông Hồng thấp. TP đang tập trung nhiều giải pháp, bảo đảm mục tiêu không để ruộng đồng thiếu nước.

Nguy cơ gặp khó về nguồn nước
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, vụ Xuân 2018, chỉ có khoảng 30% thời gian mực nước sông Hồng tại trạm thủy văn Hà Nội đạt +2,2m (mực nước tối thiểu) để vận hành các công trình thủy lợi tại Hà Nội. Chính vì vậy, hiệu suất lấy nước của một loạt công trình thủy lợi như: Trạm bơm Phù Sa, Trạm bơm Thanh Điềm, cống Liên Mạc, Long Tửu… chỉ đạt rất thấp, thậm chí nhiều thời điểm không thể vận hành. Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Chu Văn Tuấn nhận định, nếu mực nước sông Hồng tại Hà Nội đạt dưới +1,0m, toàn TP sẽ có khoảng 24.000 ha lúa vụ Xuân gặp khó khăn về nguồn nước, tập trung chủ yếu tại 3 vùng: Bắc sông Hồng, hữu sông Đáy và tả sông Đáy. Đây là khả năng hoàn toàn có thể xảy ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu, diễn biến thủy văn phức tạp hiện nay.
 Công nhân sửa chữa Trạm bơm Thanh Điềm, huyện Mê Linh. Ảnh: Lâm Nguyễn
Thực tế, để bảo đảm mực nước sông Hồng đạt +2,2m, đáp ứng nhu cầu lấy nước của các địa phương Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Hà Nội, hàng năm, Bộ NN&PTNT và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thường xuyên phối hợp trong việc điều tiết nước và bảo đảm phát điện. Tuy nhiên, điều này gây tốn kém, chi phí lớn, mỗi ngày vận hành xả nước tốn... 100 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc cuối tháng 11/2018, Bộ NN&PTNT và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thống nhất chủ trương về việc tăng cường phát điện các nhà máy thủy điện vào 3 đợt, nhằm bổ sung nguồn nước cho gieo cấy vụ Xuân 2019. Cụ thể, đợt 1 từ ngày 22 - 26/1/2019, đợt 2 từ ngày 31/1 - 4/2/2019 và đợt 3 từ ngày 15 - 23/2/2019. Tổng thời gian tăng cường phát điện các nhà máy là 16 ngày.
Đáng lo ngại, tình trạng hạ thấp lòng dẫn sông Hồng đang làm tổng lượng nước xả từ các hồ thủy điện tăng nhanh, từ 2,5 tỷ mét khối năm 2007 - 2008, lên đến 6 tỷ mét khối năm 2017 - 2018. Trong vài năm tới, nếu tình trạng này không được cải thiện, các nhà máy thủy điện vận hành hết công suất cũng không bảo đảm mực nước cho các công trình thủy lợi.

Tập trung nâng cấp hạ tầng

Để chuẩn bị lấy nước gieo cấy vụ Xuân 2019, thời gian qua, TP Hà Nội đã đầu tư gần 14,5 tỷ đồng nâng cấp hệ thống điện và bổ sung 32 tổ máy cho Trạm bơm Phù Sa (thị xã Sơn Tây). Công trình đã cơ bản hoàn thành, đáp ứng nhu cầu lấy nước cho 6.418ha đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản thuộc các địa phương thường xuyên gặp khó về nguồn nước gồm: Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai và thị xã Sơn Tây. TP cũng đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội thi công cải tạo, nâng cấp đường điện, lắp đặt trạm biến áp và bổ sung 5 tổ máy cho Trạm bơm Ấp Bắc (huyện Đông Anh), dự kiến hoàn thành trước ngày 31/12/2018.

Trước thời điểm lấy nước gieo cấy vụ Xuân 2019, Sở NN&PTNT Hà Nội đã xây dựng kế hoạch bổ sung các tổ máy bơm dã chiến cho các trạm bơm: Thanh Điềm (Mê Linh), Sơn Đà (Ba Vì), Liên Mạc (Mê Linh), Quang Lãng (Phú Xuyên), Đông Sơn (Chương Mỹ), Đức Môn (Mỹ Đức), Cẩm Đình (Phúc Thọ), Trung Hà (Ba Vì). Giải pháp tạm thời này sẽ được áp dụng tùy vào tình hình nguồn nước trên hệ thống các sông.

Bên cạnh giải pháp công trình, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Phạm Văn Khương cho biết, từ nay đến năm 2020, TP sẽ chuyển đổi 1.843ha đất lúa sang cây trồng có giá trị kinh tế cao và ít phụ thuộc vào điều kiện nguồn nước hơn. Cũng theo ông Khương, 5 DN thủy lợi của Hà Nội cũng như các địa phương không nên chỉ trông chờ vào các giải pháp công trình mà cần tập trung tu sửa, chủ động bố trí kinh phí nâng cấp hệ thống các công trình thủy lợi. Đồng thời, tổ chức vận hành sớm các trạm bơm cố định và dã chiến khi điều kiện mực nước cho phép. Tranh thủ lấy nước thau rửa hệ thống truyền dẫn, tập trung tích trữ nước sớm vào hệ thống ao hồ, kênh mương…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần