Chủ động phòng, chống "giặc lửa"

Đông Phong - Đạt Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trên địa bàn hai huyện Thường Tín và Phú Xuyên có hàng trăm cơ sở, xưởng sản xuất với nhiều loại hình ngành nghề khác nhau tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của lực lượng Cảnh sát PCCC địa bàn, thời gian qua công tác phòng chống cháy nổ được đảm bảo.

Cần thành lập tổ chữa cháy cơ động cơ sở
Có dịp cùng Thượng úy Nguyễn Văn Quảng, cán bộ PCCC phụ trách địa bàn các xã Tiền Phong, Vạn Điểm đi kiểm tra công tác phòng, chống cháy nổ trên địa bàn theo chuyên đề của Phòng Cảnh sát PCCC số 12, mới thấy không ít những trở ngại. Tại đây, nơi có những làng nghề truyền thống sản xuất, kinh doanh chăn ga, gối đệm… thượng úy Nguyễn Văn Quảng cho biết, tuy Tết đã đến rất gần, bà con gần như nghỉ công việc sản xuất thường ngày, song công tác PCCC vẫn phải chú trọng. Bởi lẽ, các xưởng sản xuất lớn đều đã cho công nhân nghỉ Tết, hàng hóa, vật liệu dễ cháy được chất đống, các hệ thống điện phục vụ sản xuất rất cần được kiểm tra mức độ an toàn. Một làng nghề có hàng trăm hộ sản xuất, chỉ cần một cầu giao tổng lãng quên không ngắt điện thì tiềm ẩn rủi ro về cháy nổ khôn lường.
 Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC số 12 kiểm tra, hướng dẫn người dân sử dụng bình cứu hỏa. Ảnh: Phong Đạt
Đi ngoằn ngoèo trên con đường thôn Trát Cầu, xã Tiền Phong nơi tập trung nhiều cơ sở sản xuất được đánh giá là tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, Thượng úy Nguyễn Văn Quảng cần mẫn kiểm tra, nhắc nhở công tác PCCC của các hộ dân làng nghề. Với đặc điểm vừa sản xuất và kinh doanh xen kẽ ngay khu dân cư. Tại đây, còn khá ít cơ sở sản xuất đầu tư cơ sở hạ tầng để sản xuất biệt lập, hầu hết các hộ gia đình cá thể sử dụng ngôi nhà mình làm nơi vừa sản xuất, kinh doanh và sinh sống…

Đến đội 8, thôn Trát Cầu, nơi đây tập trung nhiều hộ gia đình làm nghề cào bông. Chúng tôi chứng kiến các cơ sở này dùng máy, cào vải vụn phế liệu, cán sợi bông sau đó sẽ làm chăn thành phẩm. Vì là vật liệu vải vụn phế thải nên lẫn nhiều tạp chất, trong đó không ít là kim loại từ đinh ghim, phéc mơ tuya, trong quá trình cào bông, răng cưa máy cào bông sẽ nghiến kim loại này tạo tia lửa. “Vải vụn bị đánh tơi tạo nhiều bụi mù mịt xung quanh, chỉ cần một tia lửa nhỏ là có thể bùng cháy. Khi đó, ngọn lửa cháy theo bụi vải kết hợp với ô xi sẽ ngang tốc độ người đang chạy và tích tắc lan đến nơi chứa vật liệu. Bởi vậy, các cán bộ PCCC địa bàn thường xuyên nhắc nhở người dân nâng cao nhận thức, lọc kỹ càng kim loại trước khi cho vào chạy máy, giảm thiểu tối đa nguy hiểm cháy, nổ” – Thượng úy Quảng chia sẻ.

Một vấn đề quan trọng đối với công tác PCCC đó là việc vận hành, bảo dưỡng thiết bị, phương tiện sản xuất. Các cơ sở kinh doanh lớn đều đã có máy bơm, bể chứa nước phòng chống cháy nổ. Theo thượng úy Nguyễn Văn Quảng, việc cần hướng dẫn người dân có biện pháp vận hành, bảo dưỡng các thiết bị chữa cháy định kỳ. Một mặt nâng cao ý thức người dân, mặt khác sẽ thuần thục chữa cháy khi có sự cố. Đúc kết kinh nghiệm và trên thực tế, 75% nguyên nhân cháy do chập điện nên hệ thống điện sản xuất các cơ sở này luôn được cán bộ PCCC trú trọng kiểm tra.

Với những hộ gia đình kinh doanh thành phẩm, thượng úy Nguyễn Văn Quảng đặc biệt lưu tâm, kiểm tra cách sắp xếp hàng hóa. Tết đã đến, nhà nhà xếp lại hàng hóa, gọn gàng nhưng còn ép sát hoặc đè lên dây điện, các cán bộ Cảnh sát PCCC nhẹ nhàng nhắc nhở và phụ cùng chủ cửa hàng di chuyển cho hợp lý. Điều đáng mừng là, tất cả những hộ gia đình, cơ sở kinh doanh sản xuất chăn ga, gối đệm mà chúng tôi ghé thăm kiểm tra đều đã trang bị bình cứu hỏa. Đây là nỗ lực tuyên truyền, thuyết phục trong công tác phòng chống cháy nổ của cán bộ cơ sở nơi đây.

Dù mất cả buổi kiểm tra, tuyên truyền nhắc nhở người dân về an toàn cháy nổ nhưng đến chiều muộn, thượng úy Nguyễn Văn Quảng vẫn không ngớt lời trình bày với chúng tôi phương án phòng chống cháy nổ khu vực làng nghề được anh ấp ủ từ năm 2015. Đó là, việc xây dựng thí điểm được một tổ phòng chống cháy nổ tại các điểm có nguy cơ cao tại cơ sở. Tổ chuyên trách này được huấn luyện theo hướng chuyên nghiệp, phản ứng nhanh. Nguồn kinh phí dụng cụ chữa cháy chuyên nghiệp và duy trì sẽ vận động bà con cùng đóng góp… Dù không hiểu sâu về những trang thiết bị chữa cháy chuyên nghiệp mà thượng úy Nguyễn Văn Quảng say sưa chia sẻ, nhưng chúng tôi tin với nhiệt huyết và lòng yêu nghề, anh và đồng đội sẽ thành công thực hiện được dự án này trong năm 2017.

Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Liên quan đến công tác PCCC ở các làng nghề trên địa bàn huyện Thường Tín và Phú Xuyên, thượng tá Đỗ Xuân Bình – Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 12 cho hay: Về công tác đảm bảo an toàn về cháy nổ trước, trong và sau Tết Nguyên Đán Đinh Dậu 2017. Với đặc thù quản lý PCCC 2 huyện Thường Tín và Phú Xuyên - địa bàn có nhiều làng nghề truyền thống, Phòng đã tham mưu các cấp chính quyền 2 huyện thực hiện biện pháp phòng ngừa cơ bản. Cụ thể, công tác kiểm tra, hướng dẫn người đứng đầu các cơ sở thực hiện các quy định trong phòng cháy, chữa cháy. Thực hiện quy chế phối hợp về công tác quản lý Nhà nước về phòng cháy đến các công ty lớn, Chủ tịch UBND xã, thị trấn trên địa bàn. Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các cơ sở trọng điểm, có nguy cơ cháy nổ cao trên địa bàn 2 huyện. Chú trọng kiểm tra công tác phòng chống cháy nổ tại 4 cụm công nghiệp: Cụm Quất Động, Duyên Thái, Hà Bình Phương và Liên Phương.

Từ đầu năm 2016, Phòng Cảnh sát PCCC số 12 đã làm tốt công tác điều tra cơ bản, rà soát các cơ sở đưa vào diện quản lý theo quy định. Hiện tại, đơn vị đã hoàn thành điều tra giai đoạn 1: Điều tra, rà soát, xác định có 998 cơ sở, từ đó phân loại các cơ sở thuộc diện cần quản lý thường xuyên của Phòng Cảnh sát PCCC, còn lại giao cho UBND các xã, thị trấn tăng cường nhắc nhở về công tác PCCC; Điều tra về giao thông, nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, tổ chức huấn luyện, tập huấn công tác PCCC cho các lực lượng lãnh đạo chủ chốt xã, thị trấn.

Tuy nhiên, vấn đề giao thông, nguồn nước tại nông thôn còn gặp những khó khăn. Hệ thống ao, hồ đã bị san lấp nhiều nhằm phục vụ dân sinh, giao thông nội bộ còn nhỏ, hẹp, khó tiếp cận, triển khai cứu hỏa khi xẩy ra cháy. Các trụ nước cứu hỏa tại các làng nghề còn thiếu… Bên cạnh đó, nhận thức của Nhân dân trong công tác PCCC còn hạn chế. Vì thế, đều đặn hàng tuần, hàng tháng, đơn vị đều tuyên truyền bằng nhiều hình thức rộng khắp đến người dân; tuyên truyền phòng chống cháy nổ theo đặc thù của làng nghề, điểm kinh doanh để người dân nhận thức, cẩn trọng trong công việc hàng ngày.

Thượng tá Đỗ Xuân Bình đánh giá, hiện nay, điều kiện kinh doanh sản xuất của làng nghề truyền thống đều tự phát, không theo quy hoạch, quy định dẫn đến khó đáp ứng được yêu cầu của công tác PCCC. Việc tập kết hàng hóa kinh doanh dễ cháy không theo quy chuẩn nào. Hệ thống điện sinh hoạt, điện kinh doanh còn thiếu an toàn. Người dân chưa chú trọng đầu tư các thiết bị chữa cháy phù hợp để tự dập lửa khi cần thiết. Việc đầu tư kinh phí của các cấp chính quyền còn hạn chế, lực lượng chữa cháy tại các thôn xóm đều thiếu trang thiết bị chữa cháy. Thực tế cho thấy, bình cứu hỏa cấp phát cho lực lượng dân phòng chữa cháy còn thiếu nhiều, các máy bơm chữa cháy trong khu vực gần như không có. Công tác chữa cháy tại cấp cơ sở chưa cao, thiếu chuyên nghiệp.

“Các hành vi vi phạm quy định về phòng chống cháy nổ khi phạt nặng sẽ đủ sức răn đe, nâng cao nhận thức cơ sở kinh doanh. Tuy nhiên, thực hiện việc phạt nặng không dễ. Đơn cử, cơ quan cảnh sát PCCC không có quyền hạn thu giữ hay đình chỉ kinh doanh cơ sở vi phạm. Khi DN, cơ sở sản xuất không chấp hành nộp phạt thì việc tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính không dễ. Đặc biệt khó với những hộ kinh doanh cá thể hay cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ…” – thượng tá Đỗ Xuân Bình phân tích.

Đề cập thêm vấn đề vướng mắc, thượng tá Đỗ Xuân Bình cho biết: Luật Phòng cháy quy định, hàng năm từ cấp chính quyền xã phải dự trù kinh phí cho công tác PCCC, tuy nhiên để duyệt chi cho công tác này còn chưa có hướng dẫn cụ thể. Vướng mắc này, lực lượng cảnh sát PCCC đã tham mưu cho các cấp chính quyền và đang mong mỏi ban hành quy chế cụ thể để triển khai công tác PCCC tại cơ sở.

Năm 2016, tại 2 huyện Thường Tín, Phú Xuyên không xảy ra cháy lớn, gây hậu quả nghiêm trọng. Đạt được kết quả trên, một phần do nỗ lực xây dựng phong trào toàn dân PCCC. Cụ thể, Phòng Cảnh sát PCCC số 12 đã rà soát, củng cố 752 đội PCCC cơ sở, 7.958 đội viên; tổ chức 260 lớp tuyên truyền miệng về công tác đảm bảo an toàn PCCC cho hơn 50.000 người tham dự; tổ chức 127 lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho 599 cơ sở…