Chủ động trữ nước gieo cấy vụ Đông Xuân

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 0 giờ sáng mai (16/1), các tỉnh Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ sẽ bước vào đợt lấy nước đầu tiên phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân 2017 - 2018.

Đến nay, công tác chuẩn bị đã được các địa phương, trong đó có Hà Nội tập trung triển khai.
1.200 trạm bơm đã sẵn sàng

Những ngày qua, anh Nguyễn Trung Kiểm cùng hàng chục công nhân Trạm bơm Phù Sa (Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Tích) tất bật với việc sữa chữa, duy tu, bảo dưỡng 21 tổ máy bơm dã chiến. Đây là hệ thống thủy lợi có vai trò quan trọng trong cấp nước tưới cho vùng bãi thị xã Sơn Tây, huyện Phúc Thọ… Trong khi đó, tại Trạm bơm Thanh Điềm (Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Mê Linh), 100% nhân công được huy động nạo vét kênh tiêu, cửa khẩu. 26 tổ máy bơm cũng đã được duy tu, vận hành thử, sẵn sàng cho nhiệm vụ lấy nước.

Công nhân sửa chữa Trạm bơm Thanh Điềm, huyện Mê Linh.  Ảnh: Trọng Tùng

Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Mê Linh Nguyễn Văn Minh cho biết, ngoài Trạm bơm Thanh Điềm, hàng chục trạm bơm khác do đơn vị quản lý khai thác cũng đã sẵn sàng cho đợt lấy nước. Đội ngũ công nhân được giao nhiệm vụ ứng trực 24/24 giờ, với mục tiêu cấp đủ nước cho khoảng 6.300ha canh tác của huyện Mê Linh và một phần tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo thống kê từ 5 DN thủy lợi, đã có khoảng 1.200 trạm bơm sẵn sàng được vận hành trong ba đợt lấy nước sắp tới. Bên cạnh hệ thống trạm bơm, việc cấp điện cũng được đặc biệt quan tâm. Theo thông tin từ Tổng Công ty Điện lực Hà Nội, tuần qua, đơn vị này đã đi kiểm tra công tác cấp điện cho các trạm bơm và đề nghị công ty điện lực các địa phương chủ động kiểm tra, sửa chữa lưới điện. Đồng thời, bám sát lịch thời vụ, bảo đảm việc cấp điện liên tục, ổn định cho các trạm bơm phục vụ lấy nước gieo cấy vụ Đông Xuân.

Ưu tiên cấp nước cho vùng khó khăn
Bộ NN&PTNT đã thống nhất với Tập đoàn Điện lực Việt Nam về lịch lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2017 - 2018 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ gồm 3 đợt: Đợt 1 từ 0 giờ ngày 16/1 - 24 giờ ngày 19/1; đợt 2 từ 0 giờ ngày 28/1 - 24 giờ ngày 4/2; đợt 3 từ 0 giờ ngày 9/2 - 2 giờ ngày 14/2. Tổng cộng là 18 ngày. 

Thực tế những năm qua, Hà Nội là địa phương có tiến độ gieo cấy vụ Đông Xuân khá muộn so với các tỉnh lân cận. Do đó, tỷ lệ lấy nước đợt 1 của Hà Nội thường không quá cao. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Trần Thanh Nhã thông tin, Hà Nội đã đề nghị Bộ NN&PTNT cho phép lấy nước thêm một đợt sau dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, tuy nhiên không được chấp thuận. Do đó, các địa phương cần tập trung cao độ cho công tác lấy nước ngay từ đợt 1. Đặc biệt, tại những địa phương thường khó khăn hơn về nguồn nước như: Ba Vì, Phúc Thọ, Sơn Tây, Quốc Oai… cần tận dụng tối đa nguồn nước cấp, trữ nước vào ao hồ, sông ngòi, kênh mương phục vụ sản xuất.

Để bảo đảm công tác lấy nước gieo cấy vụ Đông Xuân đạt hiệu quả cao nhất, UBND TP Hà Nội đã có Công văn số 59/UBND-KT chỉ đạo Sở NN&PTNT, Tổng Công ty Điện lực, 5 DN thủy lợi và các địa phương chủ động triển khai kế hoạch lấy nước. Trong đó, bố trí nhân lực, ứng trực 24/24 giờ tại các công trình đầu mối, tập trung lấy nước, trữ nước vào những vùng trũng thấp và hệ thống các công trình thủy lợi, đưa nước vào đồng ruộng đến đâu, làm đất, giữ nước đến đó. Cùng với quản lý chặt chẽ nguồn nước, tránh rò rỉ, thất thoát, lãng phí, cần đẩy nhanh tiến độ thu hoạch cây vụ Đông để tạo mặt bằng gieo cấy lúa...

Cuối tuần qua, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cũng đã có Công điện số 01/CĐ-TCTL-QLCT đề nghị 12 tỉnh, TP (bao gồm cả Hà Nội) hoàn thành khơi thông dòng chảy, giải tỏa ách tắc, nhất là tại các kênh dẫn nước. Theo dõi chặt chẽ thông tin liên quan đến nguồn nước, tổ chức vận hành ngay các cửa lấy nước, trạm bơm để trữ nước vào hệ thống thủy lợi... Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh cũng lưu ý các địa phương cần ưu tiên cấp nước cho các vùng khó khăn, bảo đảm không để khu vực nào bị thiếu nước gieo cấy vụ Đông Xuân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần