Chu kỳ tăng lãi suất cơ bản mới của FED: Nguy cơ khủng hoảng tài chính toàn cầu

TS Hồ Văn Chiểu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự kiến, Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC) sẽ nhóm họp vào ngày 14 và 15/3/2017 và sau đó sẽ công bố mức lãi suất cơ bản vào 1 giờ sáng 16/3 theo giờ Việt Nam.

Nhiều khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ nâng lãi suất. Thực ra, chu kỳ tăng lãi suất lần này đã bắt đầu từ 16/12/2015, khi FED quyết định tăng lãi suất cơ bản 0,25% và công bố lịch trình sẽ tăng dần lên 3,25% vào năm 2020, kinh tế thế giới đã có biến động lớn.

Bài 1: Mỗi lần điều chỉnh, kinh tế thế giới lại rúng động

Chỉ mới 10 ngày đầu năm 2016, 2.500 tỷ USD đã “bốc hơi” khỏi thị trường chứng khoán toàn cầu (riêng chứng khoán Trung Quốc là 1.800 tỷ USD). Nhiều nhà kinh tế đã lên tiếng cảnh báo, nền kinh tế thế giới đang tiến sát tới “bờ vực khủng hoảng”. Người ta đã gắn các cuộc khủng hoảng tài chính với chu kỳ tăng lãi suất của FED. Lần gần đây nhất với việc tăng lãi suất năm 2004 - 2006 đã làm rủi ro thị trường dưới chuẩn của Mỹ tăng lên, dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Khi FED tăng lãi suất, đồng USD được định giá cao gây ảnh hưởng lên thị trường tài chính thế giới.

Theo phân tích của HSBC, khi tăng lãi suất, đồng USD được định giá cao, sẽ trở thành nạn nhân mới của các biện pháp giảm giá, vốn đang tác động tiêu cực tới nền kinh tế toàn cầu trong suốt một thập kỷ qua. Như vậy, những chuỗi thảm họa diễn ra kế tiếp nhau, đi từ giảm lãi suất đến tăng lãi suất của FED, đều bắt nguồn từ chính sách của giới tài phiệt Mỹ. Ngay cả Ben Bernanke - cựu Chủ tịch FED, khi thanh minh rằng, Mỹ không cố ý thông qua FED phát động “một cuộc chiến tiền tệ” cũng phải thừa nhận rằng: “Những thay đổi trong lập trường chính sách của FED (thắt chặt cũng như nới lỏng) đều có những tác động bất lợi đến các thị trường tài chính toàn cầu”. Để làm rõ nguồn gốc của những thảm họa này, cần phải phân tích cơ chế vận hành hướng tới các mục tiêu chiến lược của FED - đại diện của giới tài phiệt Mỹ: Duy trì sự thống trị của đồng USD để thực hiện sự bóc lột giá trị thặng dư không chỉ đối với thế hệ hiện tại mà cả các thế hệ tương lai trên phạm vi toàn cầu. Cơ chế vận hành đó gồm 2 chính sách kế tiếp nhau - nới lỏng và siết chặt - tạo thành một vòng khâu, bắt đầu từ việc in tiền và kết thúc bằng cuộc khủng hoảng tài chính. TS Richard Duncan, tác giả cuốn sách “Thăng trầm đồng USD: Nguyên nhân, hậu quả, cách khắc phục” đã nhận định: “Cũng giống như cuộc khủng hoảng những năm 2008 - 2009, có một nguyên nhân sâu xa đó là các nước, mà đặc biệt là Mỹ, đã từ bỏ chính sách bản vị vàng”, liên tục in tiền giấy và bơm ra thị trường để phát triển nền kinh tế dựa vào tín dụng. Chuyên gia kinh tế Geoffrey Pike còn đưa ra con số cụ thể hơn khi đề cập đến việc lượng USD đang lưu chuyển trên thế giới không lý giải được nguồn gốc cụ thể đã lên tới 200.000 tỷ USD.

Chu kỳ tăng lãi suất 1980 - 1982 - 1986

Cuộc khủng hoảng tài chính đầu tiên gắn với chu kỳ tăng lãi suất của Mỹ. Sau khi bãi bỏ chế độ bản vị vàng theo cam kết tại Hiệp định Bretton Woods vào năm 1971, đồng USD đã mất giá tới 50%. Cơn ác mộng kinh tế từ năm 1973 - 1981 là sự đối lập với sự tăng bằng con đường xuất khẩu mà hành động phá giá đồng USD hướng tới. Vì thế, tháng 6/1981, FED đã tăng lãi suất 20%, giảm phát hành từ 12,5% xuống 1,1% vào năm 1986. Lạm phát đã được đẩy lùi. Nhưng chính chu kỳ nâng lãi suất này đã gây ra cuộc khủng hoảng nợ công tại các quốc gia Mỹ Latinh những năm 1980 được xem là cuộc khủng hoảng nợ công đầu tiên trong lịch sử kinh tế hiện đại. Cuộc khủng hoảng bắt đầu từ Mexico (1982) khi quốc gia này tuyên bố vỡ nợ, sau đó hầu hết các quốc gia trong khu vực cũng đều không tránh khỏi vòng xoáy này: Argentina (1982, 1989), Bolivia (1980, 1986, 1989), Brazil (1983, 1986, 1987) và Ecuador (1982, 1984). Nguyên nhân là do họ đã đi vay rất nhiều USD giá rẻ từ Mỹ. Khi FED tăng lãi suất thì các quốc gia đó trở thành vỡ nợ.

Nhưng đồng USD mạnh cũng làm gia tăng thâm hụt thương mại với Đức và Nhật Bản. Vì vậy, các ngành công nghiệp Mỹ tìm ra biện pháp bảo hộ: Phá giá đồng USD. Tháng 9/1985, Hiệp ước Plaza (New York) được ký kết, theo đó, đồng USD giảm 40% so với đồng Franc của Pháp, 50% so với đồng Yên Nhật và 20% so với đồng Mark Đức. Nhật Bản đã lâm vào suy thoái kinh tế gần 20 năm do đồng Yên lên giá từ đó.

Chu kỳ tăng lãi suất 1994 - 1997

Chính sách tiền tệ nới lỏng và việc tự do hóa tài chính ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản cuối thập niên 1980 đã khiến cho tính thanh khoản toàn cầu trở nên cao quá mức. Các nhà đầu tư ở các trung tâm tiền tệ nói trên của thế giới tìm cách thay đổi danh mục tài sản của mình bằng cách chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài. Trong khi đó, các nước châu Á lại thực hiện chính sách tự do hóa tài khoản vốn. Lãi suất ở các nước châu Á cao hơn ở các nước phát triển. Chính vì thế, các dòng vốn quốc tế đã ồ ạt chảy vào các nước châu Á. Trong giai đoạn 1990 - 1997, lượng vốn tư nhân chảy vào các nước đang phát triển tăng 5 lần, từ 42 tỷ USD lên 256 tỷ USD. Đông Á là nơi thu hút một lượng lớn dòng vốn này, chiếm tới 60% tổng vốn. Do thiếu các biện pháp kiểm soát, nhiều nền kinh tế châu Á đã rơi vào tình trạng quá phụ thuộc vào nguồn tài chính rất dễ biến động từ bên ngoài, đó là các khoản vay ngắn hạn. Cuối năm 1996, các nước Đông Á đã nợ các ngân hàng châu Âu 318 tỷ USD, ngân hàng Nhật Bản 260 tỷ USD và ngân hàng Mỹ 46 tỷ USD, đa số là dưới hình thức vay ngắn hạn - dưới một năm.

Đến năm 1994, FED đã tăng lãi suất lên gấp đôi: Từ 3% lên 6%/năm. Đến 1997, các nhà tài phiệt của Mỹ đã thực hiện liệu pháp “bán khống” làm cho các thị trường chứng khoán từ Thái Lan đến Hàn Quốc, từ Indonesia đến Hongkong sụp đổ. Cuộc khủng hoảng đã làm châu Á thiệt hại khoảng 3.000 tỷ USD.

Chu kỳ tăng lãi suất 2004 - 2007

Sau cuộc khủng hoảng châu Á, FED đã duy trì lãi suất siêu thấp 1% khá dài. Trong thời gian đó, các nước đã vay nợ với mức độ khủng khiếp ước tính khoảng 55.000 tỷ USD. Dù vay ở Mỹ hay ở ngoài nước Mỹ đều được tính nợ bằng USD. Hiện tượng đô la hóa nợ càng làm cho FED có cơ hội phát hành đồng USD dồi dào, đáp ứng nhu cầu thanh khoản trên phạm vi toàn cầu. Đến năm 2002, FED bắt dầu tăng lãi suất lên 2,5% và đến năm 2004 lên đến 5,5%. Cuộc khủng hoảng tín dụng nhà dất dưới chuẩn bùng nổ. Cuộc khủng hoảng này ước tính thiệt hại khoảng 1.200 tỷ USD, nhưng FED đã bí mật in 16.000 tỷ USD cùng với 4.000 tỷ USD ngân sách của các quốc gia được huy động để cứu trợ ngân hàng. Sự cứu trợ hào phóng này đã chuyển nợ tư thành nợ công và làm tăng thêm nợ nần của các quốc gia châu Âu, biến các quốc gia này thành con nợ của giới tài phiệt Mỹ.

Chu kỳ tăng lãi suất 2016 - 2020

Sau khủng hoảng tài chính 2007, FED đã duy trì lãi suất cơ bản siêu thấp ở mức 0%. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, số nợ nước ngoài của toàn bộ các quốc gia đang phát triển tăng từ 2,9 nghìn tỷ (2008) lên lên tới 7,4 nghìn tỷ USD (2016). Rõ ràng trong suốt một thập niên nới lỏng chính sách tiền tệ, FED đã “tiếp tay” cho các luồng vốn ồ ạt đổ vào những nền kinh tế có lãi suất cao hơn. Ngày 16/12/2015, FED bắt đầu công bố tăng lãi suất cơ bản 0,25% và chương trình tăng lên 3,25% đến năm 2020. Khác với các chu kỳ trước, FED kéo dài thời gian nâng lãi suất tới 4 năm. Trong năm 2016 và đầu năm 2017, FED đã trì hoãn lịch trình tăng lãi suất, với lý do để chờ đợi sự hồi phục kinh tế Mỹ. Thực ra, chính bởi các nước lớn như Nhật Bản, Anh, khu vực Euro đã ồ ạt đưa ra các gói kích thích, phá giá đồng nội tệ để đối phó với chính sách USD rẻ của FED. Tương kế tựu kế, một mặt FED công bố kế hoạch tăng lãi suất, mặt khác vẫn bơm hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế toàn cầu, làm tăng số nợ của các quốc gia, trước khi tăng lãi suất cao để thu lời về Mỹ. Điểm khác biệt nữa ở chu kỳ này là khi Tổng thống mới của Mỹ Donald Trump lại ráo riết thực hiện chính sách bảo hộ mậu dịch và tái công nghiệp hóa nước Mỹ. Chu kỳ nâng lãi suất này sẽ đem lại nhiều lợi nhuận hơn các chu kỳ trước và cũng đặt ra nhiều thách thức cho thế giới.

Chuyên gia Ruchir Sharma thuộc Morgan Stanley Investment Management cảnh báo kinh tế thế giới thường có chu kỳ suy thoái mỗi 7 - 8 năm/lần trong suốt 50 năm qua và nếu tính từ cuộc suy thoái gần đây nhất là năm 2008 thì thời điểm này đang ở giai đoạn cuối của chu kỳ tăng trưởng 7 năm trước khi bước vào suy thoái.

(Còn nữa)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần