Chủ quan trong phòng chống Covid-19: Khoảng trống trách nhiệm

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát biểu chỉ đạo khi đi kiểm tra công phòng, chống dịch Covid-19 tại quận Đống Đa ngày 27/8, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn nhấn mạnh: “Cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 còn diễn biến hết sức phức tạp và khó lường, tuyệt đối không được chủ quan, không được để lộ ra khoảng trống. Nếu không, chính chúng ta sẽ phải trả một cái giá hết sức đắt”.

 Ảnh minh họa
Mọi người lại nhớ ngay đến trường hợp vừa mới xảy ra ở Cầu Giấy, đúng là chỉ vì vội vàng và có cả chủ quan, suýt chút nữa chúng ta phải nhận cái giá khá đắt. Chuyện là một nam thanh niên 21 tuổi ở phố Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội trở về Việt Nam từ Nga ngày 10/8. Theo quy định đã được chuyển cách ly tập trung tại Trung đoàn 125, Chí Linh, Hải Dương. Trong thời gian cách ly, bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm lần 1 âm tính với SARS-CoV-2. Đến ngày 24/8, bệnh nhân được CDC Hải Dương lấy mẫu xét nghiệm lần 2 gửi Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư. Đến sáng 25/8, khi đủ thời hạn cách ly 14 ngày, bệnh nhân được trở về nhà dù chưa nhận được kết quả xét nghiệm lần 2.
Bệnh nhân đã ung dung lên xe từ Hải Dương trở về nhà vào trưa 25/8. Nhưng chỉ vài tiếng đồng hồ sau, đến chiều 25/8, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đã có thông báo kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 của thanh niên này. Ngay lập tức, CDC Hà Nội đã đưa bệnh nhân đi cách ly và điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2. Ngoài ra, 6 người trong gia đình (gồm bố mẹ, anh trai và bạn của bệnh nhân) là các trường hợp F1 đã được đưa đi cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm. Trung tâm Y tế quận Cầu Giấy đã lập tức tiến hành phun xử lý khử khuẩn khu vực nhà ở và các khu vực có liên quan.
Theo ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm CDC Hà Nội, về nguyên tắc, tất cả những trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam sẽ được xét nghiệm tối thiểu 2 lần. Tức là lần xét nghiệm đầu tiên được thực hiện ngay sau khi hành khách nhập cảnh. Lần xét nghiệm thứ hai được triển khai vào 10 hoặc 12 ngày sau khi người đó nhập cảnh và trước khi họ kết thúc 14 ngày cách ly. Khi có kết quả xét nghiệm âm tính thì đến ngày thứ 14, trường hợp đó sẽ được kết thúc cách ly.
Như vậy, trường hợp trên chỉ vì bệnh nhân nóng lòng về nhà, trong khi đơn vị có trách nhiệm liên quan đến quản lý người cách ly tại Hải Dương lại không cương quyết yêu cầu bệnh nhân chờ kết quả chính thức xét nghiệm lần hai, suýt chút nữa để cho nguồn lây nhiêm xuất hiện tại ngõ 106 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội. May mắn, lần này chúng ta đã xử lý kịp thời, chưa để lại hậu quả đáng tiếc.
Đừng nghĩ rằng đây chỉ là chuyện của Hải Dương, cuộc chiến chống Covid-19 vẫn đang còn kéo dài, chưa có ngày kết thúc. Nếu chúng ta không tuân thủ đúng quy định nghiệm ngặt của y tế, “bài học nam thanh niên 21 tuổi” vẫn có thể xẩy ra bất cứ lúc nào, đối với bất cứ địa phương nào.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần